Báo Đồng Nai điện tử
En

Về thăm đất Tổ linh thiêng

08:04, 29/04/2023

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10-3 âm lịch năm nay có đông đảo người dân từ khắp mọi miền của Tổ quốc và cả kiều bào hải ngoại nô nức về thăm Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ), vùng đất Tổ linh thiêng, nơi ghi nhớ công lao dựng nước của các vua Hùng.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10-3 âm lịch năm nay có đông đảo người dân từ khắp mọi miền của Tổ quốc và cả kiều bào hải ngoại nô nức về thăm Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ), vùng đất Tổ linh thiêng, nơi ghi nhớ công lao dựng nước của các vua Hùng.

Đoàn công tác của Báo Đồng Nai và Báo Phú Thọ thăm Khu di tích lịch sử Đền Hùng (TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) vào tháng 3-2023. Ảnh: Huy Anh
Đoàn công tác của Báo Đồng Nai và Báo Phú Thọ thăm Khu di tích lịch sử Đền Hùng (TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) vào tháng 3-2023. Ảnh: Huy Anh

Sau gần 20 năm, tôi có dịp may mắn trở lại thăm vùng đất Tổ linh thiêng vào những ngày cuối tháng 3-2023. Lần nào cũng vậy, khi dâng hương viếng các vua Hùng, tôi đều cảm thấy rưng rưng xúc động.

* Còn mãi dấu ấn lịch sử

Quần thể di tích Đền Hùng có 4 đền, 1 chùa và 1 lăng. Kiến trúc Đền Hùng tạo thành một khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời, tạo cảm giác yên bình, thư thái trong tâm hồn cho bất cứ ai đã từng đặt chân tới nơi đây.

Theo Ban Quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng (trực thuộc UBND tỉnh Phú Thọ), ở độ cao 175m so với mực nước biển, ngày xưa, Đền Hùng là khu vực trung tâm của Nhà nước Văn Lang. Phía Đông của dãy núi là các quả đồi trùng điệp. Vùng đất này là quần thể tập hợp nhiều sông ngòi, ao hồ. Nhìn từ xa sẽ thấy Đền Hùng giống như một con rồng lớn hướng về phía Nam. Phần mình rồng uốn lượn thành núi Trọc, núi Vặn, núi Pheo. Phía sau núi còn có những quả đồi nằm san sát nhau. Phía đông của núi là dãy Tam Đảo trập trùng.

Chúng tôi men theo sườn núi Nghĩa Lĩnh lên Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng dâng hương. Trong dòng người đến viếng Đền Hùng hôm ấy, không ít những người con miền Nam lần đầu về đất Tổ.

Trước Đền Giếng, bên gốc sứ đại thụ trăm tuổi, ông Nguyễn Thành, một người con Nam bộ ở xứ dừa Bến Tre lần đầu được về thăm đất Tổ. Dù đã 80 tuổi nhưng bước chân của ông còn rất vững chãi khi leo những bậc thang dẫn lên Đền Hùng.

Ông Nguyễn Thành chia sẻ: “Được đặt chân tới vùng đất Tổ là niềm hạnh phúc vô bờ của tôi. Mùng 10-3 âm lịch hàng năm, tôi thấy đông đảo người dân háo hức về thăm Đền Hùng nên có nói tâm nguyện một lần được về thăm đất Tổ. Năm nay sức khỏe tôi ổn định và được các con cho ra thăm Đền Hùng. Tận tay thành kính dâng hương các vua Hùng là tôi mãn nguyện lắm rồi”.

Năm 2003, ngày đó khi đến Đền Hùng, tôi từng dâng hương tại Cột đá thề - tương truyền là của Thục Phán An Dương Vương dựng trên núi Nghĩa Lĩnh khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi. An Dương Vương đứng trước cột đá mà thề từ nay sẽ cùng quân dân quyết bảo vệ, gìn giữ và xây dựng cơ nghiệp bền vững trường tồn. Lần này ghé thăm, Cột đá thề trong truyền thuyết đã được thay bằng một cột đá mã não nguyên khối, nặng 7 tấn, có hình dáng tự nhiên, vân ngọc rất đẹp.

Sau khi chụp vài kiểu ảnh lưu niệm với Cột đá thề, chúng tôi lên Đền Hạ là nơi thờ mẹ Âu Cơ hạ sinh bọc trăm trứng, nở thành trăm người con trai khôi ngô tuấn tú. Ấn tượng nhất ở Đền Hạ là sự hiện diện của cây vạn tuế hơn 800 tuổi. Điều đặc biệt là cây chia làm 3 nhánh, được cho rằng tượng trưng cho 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Từ Ðền Hạ đến Ðền Trung, chúng tôi tiếp tục leo thêm 168 bậc đá, tương truyền là nơi vua nghỉ ngơi và bàn việc nước với các Lạc hầu, Lạc tướng. Giữa sân đền còn lưu dấu bộ bàn đá, nơi họp bàn việc quốc gia. Ðây cũng là nơi Lang Liêu dâng bánh chưng, bánh giầy lên vua cha và được truyền ngôi trở thành Hùng Vương thứ 7.

Chúng tôi bước thêm 102 bậc đá nữa lên Ðền Thượng - nơi Vua Hùng làm lễ tế trời đất cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đứng nơi đây, trong không khí trang nghiêm, thành kính, chúng tôi chỉ biết chiêm bái, tri ân công đức tổ tiên và thành tâm khấn nguyện Quốc tổ tiếp thêm sức mạnh để nước Việt ngàn đời trường tồn, cường thịnh, con cháu có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

* Thêm tự hào về nguồn cội…

“Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”. Câu ca dao đậm đà tình nghĩa ấy đã đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc, của đất nước luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam.

Trong lần trở lại thăm Đền Hùng, tác giả dâng hương thành kính tri ân các vua Hùng đã có công dựng nước
Trong lần trở lại thăm Đền Hùng, tác giả dâng hương thành kính tri ân các vua Hùng đã có công dựng nước

Có lẽ hiếm có một dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, cho dù bất kỳ ở đâu, dù bận trăm công ngàn việc, nhưng hàng năm cứ đến mùng 10-3 âm lịch lại nô nức hành hương về đất Tổ, bày tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn, tưởng nhớ về tổ tiên, đến các vua Hùng đã có công dựng nước.

Năm nay, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trùng với kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 nên Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - du lịch Đất Tổ năm 2023 tại Phú Thọ với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương”. Theo UBND tỉnh Phú Thọ, Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - du lịch Đất Tổ năm 2023 là dịp hội tụ của các tinh hoa di sản văn hóa của mọi miền Tổ quốc đã mang đến cho du khách và nhân dân hành hương về với cội nguồn đất Tổ những trải nghiệm sâu sắc, để hiểu thêm, yêu hơn và càng tự hào về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.

“Con người có tổ, có tông. Như cây có cội, như sông có nguồn”. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tự hào về cội nguồn và khát vọng thống nhất, ý chí tự cường và tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm, thiên tai, làm nên sức mạnh Việt Nam.

Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn về được đất Tổ vào đúng ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng Ba, vì thế lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được người dân tổ chức thờ kính ở khắp mọi miền đất nước khi đền thờ các vua Hùng đã hiện diện ở hơn 20 vùng đất của phương Nam, trong đó có Đồng Nai. Và đặc điểm duy nhất mà ai cũng dễ nhận ra là tất cả các đền thờ Hùng Vương, xây dựng đều hướng về phía Bắc, nơi mạch nguồn đất Tổ.

Trên địa bàn Đồng Nai có 3 đền thờ cúng Quốc Tổ riêng biệt, gồm 2 địa điểm được công nhận là di tích cấp tỉnh là: Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (P.Bình Đa, TP.Biên Hòa), Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (xã Phú Sơn, H.Tân Phú) và Công viên văn hóa Hùng Vương (TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom).

Ngoài các địa điểm trên thì nhiều di tích trên địa bàn tỉnh còn phối thờ Vua Hùng và thực hiện lễ trong ngày giỗ Tổ. Trong đó, tại Văn miếu Trấn Biên nơi có đặt 18 lít nước và 18kg đất lấy từ đất Tổ Phú Thọ, mỗi năm đều diễn ra các hoạt động lễ, hội tưởng nhớ Vua Hùng. Có một điểm chung ở những di tích thờ cúng Vua Hùng này là thường mở cửa xuyên suốt các ngày trong tuần để người dân đến dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước.

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương, người dân Đồng Nai chung một lòng hướng về cội nguồn đất Tổ. Tuy ngày giỗ Tổ tại những điểm thờ cúng các Vua Hùng trên đất Đồng Nai không có quy mô lớn như tại Đền Hùng Phú Thọ, nhưng với truyền thống uống nước nhớ nguồn, người dân Đồng Nai cũng đang hướng về Ngày giỗ Tổ Hùng Vương, hướng về Ngày hội non sông với niềm tự hào sâu sắc về nguồn cội của mình...

Khu di tích lịch sử Đền Hùng là điểm tâm linh có ý nghĩa đặc biệt trong tín ngưỡng dân gian của người Việt. Đây là nơi thờ 18 vị vua Hùng đã có công dựng nước. Đền nằm trên núi Nghĩa Lĩnh là một quần thể: đền, chùa, nơi thờ phụng các vua Hùng, nằm trong địa phận Kinh đô Phong Châu, nước Văn Lang cổ xưa. Nay thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, TP.Việt Trì (tỉnh Phú Thọ).

Phương Liễu

Tin xem nhiều