Văn miếu Trấn Biên ngoài thờ các vĩ nhân như: đức Khổng Tử, một nhà tư tưởng lớn của nhân loại, đề cao đạo đức con người ở Nhà bia Khổng tử, thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân Văn hóa thế giới, tại gian trung tâm Nhà bái đường; còn thờ các danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam và vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai và Nam bộ xưa.
Văn miếu Trấn Biên ngoài thờ các vĩ nhân như: đức Khổng Tử, một nhà tư tưởng lớn của nhân loại, đề cao đạo đức con người ở Nhà bia Khổng tử, thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân Văn hóa thế giới, tại gian trung tâm Nhà bái đường; còn thờ các danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam và vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai và Nam bộ xưa.
Tượng Trịnh Hoài Đức và Đặng Đức Thuật tại Vườn tượng danh nhân văn hóa (Văn miếu Trấn Biên). Ảnh: N.Hạ |
Theo đó, gian bên tả Nhà bái đường thờ Chu Văn An (1292-1370), Nguyễn Trãi (1380-1442), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), Lê Quý Đôn (1724-1784), Nguyễn Du (1765-1820). Gian bên hữu Nhà bái đường thờ: Võ Trường Toản (?-1792), Đặng Đức Thuật, Gia Định tam gia: Trịnh Hoài Đức (1765-1825), Lê Quang Định (1759-1813), Ngô Nhơn Tịnh (?-1813), Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872).
Theo ThS Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh: Phủ Gia Định đươc xây dựng khi Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý năm 1698, với hai huyện Tân Bình và Phước Long. Đất Nam bộ có Phan Thanh Giản là người đầu tiên đỗ đạt trường thi Gia Định; nhà giáo Võ Trường Toản với rất nhiều học trò tài học, trong đó có Gia Định tam gia: Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh. Ba nhân vật nổi tiếng trong Gia Định tam gia là tấm gương hiếu học của đất Đồng Nai, là nhà văn hóa lớn ở Nam bộ và là quan tốt ở cả 3 triều Nguyễn, được nhân dân tôn vinh. Nhất là Trịnh Hoài Đức với tác phẩm Gia Định thành thông chí viết từ năm 1820 đến nay vẫn là bộ sách địa chí đất Nam bộ cần cho công tác nghiên cứu.
Trịnh Hoài Đức thực sự là một nhân cách lớn, một tài năng lớn, giữ nhiều chức vụ trong bộ máy nhà nước đương thời, 40 năm làm quan, được xem là bậc khai quốc công thần tài đức vẹn toàn, được vua quan tin yêu, sống giản dị thanh cao, quên mình lo việc ích nước, lợi dân…
Cũng theo Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh, về giai đoạn sau này, nhiều nhà giáo có công lớn trong xây dựng ngành giáo dục Biên Hòa như ông giáo Tam, nhà giáo Hoàng Viễn Tri…, cùng nhiều nhà văn hóa lớn như nhà thơ, nhà quân sự tài ba Huỳnh Văn Nghệ; nhà văn, nhà nghiên cứu Bình Nguyên Lộc; nhà văn Lý Văn Sâm; nhà văn Hoàng Văn Bổn…
Vào mùng 3 Tết hàng năm, tại Văn miếu Trấn Biên lại diễn ra lễ Tết thầy - một nét đẹp văn hóa của người dân Biên Hòa - Đồng Nai. Thông qua đó, các thế hệ trẻ có dịp tưởng nhớ các bậc tiền nhân, danh nhân văn hóa; tri ân thầy cô giáo và càng khắc sâu hơn truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc. |
Uyên Trang
Văn miếu Trấn Biên - thiết chế văn hóa quan trọng của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Ảnh: P.U