Ở vùng đất mới Trấn Biên, sau khi "khai phá với xiết bao gian khổ", cuộc sống dần đi vào ổn định, người dân đã sớm quan tâm đến sự học, mau chóng "dựng xây văn miếu", tiếp nối tinh thần hiếu học, "sùng văn, trọng võ" ngàn đời của dân tộc.
Ở vùng đất mới Trấn Biên, sau khi “khai phá với xiết bao gian khổ”, cuộc sống dần đi vào ổn định, người dân đã sớm quan tâm đến sự học, mau chóng “dựng xây văn miếu”, tiếp nối tinh thần hiếu học, “sùng văn, trọng võ” ngàn đời của dân tộc.
Trường tiểu học Nguyễn Du xưa và nay - ngôi trường tiểu học đầu tiên của Đồng Nai (thuộc P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa). Ảnh: L.VIÊN |
Khi luận bàn đến sự học, khoa cử, nền giáo dục trong hành trình 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai và Nam bộ; để khẳng định rằng, vùng đất này xưa cũng như nay đều có những nhân tài, danh nhân văn hóa, những điểm sáng tiêu biểu, đưa tên tuổi vùng đất vươn xa.
* “Văn mạch một phương, dằng dặc không dứt”
Ngược dòng lịch sử, từ buổi đầu vào năm 1698, khi Chưởng cơ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, đặt dinh Trấn Biên, cho đến năm 1861 - năm có kỳ thi Hương cuối cùng ở Nam bộ, nền giáo dục và khoa cử ở Biên Hòa - Đồng Nai cơ bản nằm trong nền giáo dục và khoa cử của chế độ phong kiến. Tuy nhiên, theo Địa chí Đồng Nai: “cũng như nhiều địa phương khác ở Nam bộ, giáo dục tại Biên Hòa không phải là một “phiên bản” của giáo dục chính thống thời bấy giờ. Mỗi bước đi của nó mang dấu ấn lịch sử, địa lý của một vùng đất mới khai phá, vừa tiếp thu những cái có sẵn ở Đàng Ngoài, vừa mang cốt cách của những người đi mở cõi”.
Theo ThS Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai, thời này có một sự kiện đáng chú ý là việc chúa Nguyễn Phúc Chu cho xây dựng văn miếu ở Trấn Biên năm 1715 nhằm phát huy, xây dựng đội ngũ trí thức Nho học. Đây đồng thời là thiết chế văn hóa để tôn vinh những giá trị từ nền giáo dục, trong đó có giáo dục Nho giáo.
“…Xây cao Văn miếu, tiếp thu thành tựu bắc nam Mở rộng Học đường, khai thác tinh hoa kim cổ. Đạo làm người: tích trí, tu nhân Phép giữ nước: sùng văn, trọng võ Tinh thần Đại Việt tỏa sáng nơi đây Hào khí Đồng Nai dâng cao từ đó…” (Trích Văn bia tại Văn miếu Trấn Biên) |
Đến năm 1788, sau khi chiếm lại được Trấn Biên và Phiên Trấn, một trong những việc hàng đầu của Nguyễn Ánh là ra lệnh miễn binh dịch và dao dịch cho học trò, ra sức khuyến nông, đề cao Nho giáo. Dân cư vùng đất mới ngày càng đông hơn do được bổ sung khá nhanh từ miền Thuận - Quảng trở vào. Trong những đoàn người di cư, khai phá ấy, có nhiều người là nho sĩ trong cơn chạy loạn, hoặc muốn hợp tác với Nguyễn Ánh, khi vào định cư nơi vùng đất mới đã mang theo cả nền nếp nho phong, học hành. Từ đó, nhiều lớp, nhiều trường học tư nhân đã xuất hiện ngày càng nhiều trong dân gian, được người dân lẫn chính quyền hết sức ủng hộ.
Địa chí Đồng Nai có ghi: “Khác với Đàng Ngoài, việc học ở Trấn Biên, cũng như phủ Gia Định thời ấy, không quá bài bản, mà “thực dụng” hơn. Nếu như ở Đàng Ngoài, một học trò, sau sáu năm rèn giũa ở bậc ấu học mới học đến cách làm thơ phú, kinh nghĩa, văn sách, thì ở đây, mười tuổi, Trịnh Hoài Đức, lưu lạc nhiều nơi mà đã đọc cả kinh sử tử tập, tam giáo cửu lưu... Sau này, chưa đầy 30 tuổi, các ông Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định đều được cử làm thầy dạy cho Đông cung Thái tử Cảnh. Chính một nền giáo dục tự phát, nhưng gấp rút trong nhân dân đã làm cho toàn vùng, theo Trịnh Hoài Đức, chẳng mấy nho sĩ đã “học qua Ngũ kinh, Tứ thư, Thông giám, tinh hiểu nghĩa lý”. Và nhờ thế, đúng như lời khen của Lê Quý Đôn “Văn mạch một phương, dằng dặc không dứt”.
Khi triều Nguyễn được thiết lập vào năm 1802, nhu cầu về quan lại rất lớn nên của triều đình càng chú trọng đến giáo dục và khoa cử.
* Những trường học đầu tiên ở Biên Hòa - Đồng Nai
Sau khi chiếm Biên Hòa, rồi cả Nam kỳ lục tỉnh, thực dân Pháp thực hiện chính sách giáo dục nô dịch nhằm đào tạo đội ngũ giúp việc trung thành, thành thạo Pháp ngữ; hạn chế và đi đến xóa dần Nho học, cũng như văn hóa Việt Nam. Theo tư liệu, đến những năm 30 của thế kỷ XX, hệ thống giáo dục của Pháp cơ bản hoàn chỉnh các cấp học.
Trường tiểu học Nguyễn Du (số 209, đường Cách Mạng Tháng Tám, P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa ngày nay) khi mới thành lập có tên là École Primaire Complémentaire de Bien Hoa, được xem là trường tiểu học đầu tiên của tỉnh Biên Hòa do chính quyền thuộc địa Pháp chủ trương xây dựng. Có tư liệu cho rằng, có thể trường được thành lập năm 1897, nguyên là trường của địa hạt Biên Hòa, sau đó giữ vai trò trường tỉnh lỵ Biên Hòa. Ban đầu, trường vốn là trại lính kỵ binh, trại giam tù. Năm 1934, tỉnh Biên Hòa có thêm một trường nữ tiểu học, nên trường Nguyễn Du trở thành trường nam tiểu học.
Phát huy truyền thống hiếu học của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, ngành GD-ĐT đang nỗ lực thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiều thế hệ học sinh Đồng Nai đã đoạt nhiều giải cao tại các cuộc thi học sinh giỏi các cấp, các sân chơi khoa học kỹ thuật, sáng tạo, khởi nghiệp… Riêng kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2022-2023, Đồng Nai có 35 học sinh đoạt giải, trong đó có 1 giải nhì, 10 giải ba và 24 giải khuyến khích. |
Hầu hết các nhân vật danh tiếng ở Biên Hòa thời bấy giờ đều học tại ngôi trường này như: nhà giáo Hồ Văn Tam, nhà văn Lý Văn Sâm, tướng Lương Văn Nho, nhà nghiên cứu Lương Văn Lựu… Đến năm 1954, trường đổi tên thành Trường tiểu học Nguyễn Du cho đến ngày nay, trở thành một trong những trường có chất lượng đào tạo tốt của TP.Biên Hòa.
Trường dạy nghề Biên Hòa (nay là Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) được thành ập năm 1903. Lúc này, giáo dục chuyên nghiệp được chú trọng hơn nhằm đào tạo thợ chuyên môn hoặc đốc công, đáp ứng nhu cầu mở rộng khai thác thuộc địa, mở rộng công nghiệp ở Việt Nam. Trường “đào tạo nghệ nhân cho cả Nam kỳ” và đoạt nhiều giải thưởng tại các triển lãm quốc tế về gốm mỹ thuật.
Ở miền Nam, vào những năm 1946-1952, phong trào Bình dân học vụ và giáo dục phổ thông phát triển. Thành tựu hết sức to lớn của nền giáo dục kháng chiến là đến năm 1949, tỉnh Biên Hòa đã có thêm 14 xã thanh toán được nạn mù chữ, trong đó có Rừng Lá là nơi có nhiều đồng bào dân tộc; cùng hàng vạn người nông dân Đồng Nai đã biết chữ.
Vào những năm 1954-1975, số lượng trường lớp, học sinh phát triển nhanh chóng. Đơn cử như tại tỉnh Biên Hòa, nơi được xem phát triển giáo dục nhất trong các tỉnh miền Đông, vào năm 1971, cứ 5,3 người dân thì có 1 học sinh phổ thông.
Trước giai đoạn này, học sinh ở Biên Hòa muốn học lên tiếp bậc trung học gặp nhiều khó khăn do phải lên tận Sài Gòn mới có trường dạy. Vào năm 1956, chính quyền Sài Gòn cho phép thành lập trường trung học tại tỉnh lỵ Biên Hòa là Trường trung học Ngô Quyền.
Lúc ban đầu, do chưa có cơ sở nên trường tạm sử dụng cơ sở của Trường tiểu học Nguyễn Du, với khóa khai giảng đầu tiên vào năm học 1957-1958 có 3 lớp (lớp 6). Khi học sinh đông dần, trường phải học nhờ ở Trường nữ công gia chánh (vốn là cơ sở cũ Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày nay, đối diện Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cũ, gần Nhà hội Bình Trước). Trường phát triển không ngừng nên được xây dựng cơ sở mới tại vị trí đường 30-4, P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa ngày nay. Đến năm 1975, trường đã trở thành trường trung học lớn của cả miền Đông Nam bộ với 90 lớp học, hơn 4 ngàn học sinh. Người dân Biên Hòa không ai không biết đến “dốc Ngô Quyền”. Không chỉ là từ chỉ địa danh, định vị địa điểm quen thuộc suốt hơn nửa thế kỷ nay, mà dốc Ngô Quyền còn là ký ức thân thương của bao cô, cậu học trò...
Từ khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với cả nước, ngành giáo dục ở Đồng Nai luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ từ các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, thực sự trở thành sự nghiệp chung của toàn xã hội, để có sự trưởng thành và phát triển không ngừng.
Trường đại học đầu tiên của tỉnh Đồng Nai từ sau năm 1975 là Trường đại học Lạc Hồng được thành lập vào năm 1997. Đây là cơ sở giáo dục đa ngành, đa cấp học, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, kinh tế và khoa học xã hội và nhân văn…
PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng chia sẻ: “Trường đại học Lạc Hồng với triết lý “Đạo đức - Trí tuệ - Sáng tạo” hướng đến mục tiêu đào tạo ra những con người có trách nhiệm với xã hội, phục vụ cộng đồng, biết phát huy trí tuệ bản lĩnh của mình trong lĩnh vực chuyên môn cũng như trong đời sống, không ngừng tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo ra những cái mới. Trường đại học Lạc Hồng có tầm nhìn đến năm 2030 trở thành trường đại học định hướng ứng dụng hàng đầu tại Việt Nam. Nhà trường xác định chất lượng đào tạo là vaccine sống còn của nhà trường trong thời gian tới. Để khẳng định uy tín và vị thế của nhà trường, 100% các chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng quốc tế”.
Lâm Viên - Nhật Hạ