5 giờ sáng, khu vực Newlands (thuộc TP.Wellington) mưa vẫn còn nặng hạt do ảnh hưởng bão, điện thoại anh Henry Bui rung "ting ting", tin nhắn đến từ ông hàng xóm Steve, báo cho anh biết con phố Robert trước nhà có đoạn dây điện bị đứt do bão, nằm vắt ngang đường và nhắc anh lái xe đi làm phải cẩn thận. Ông Steve là thành viên của Neighborhood Watch (NW), gọi nôm na là Tổ chức Hỗ trợ khu phố ở New Zealand (NZ).
[links()]5 giờ sáng, khu vực Newlands (thuộc TP.Wellington) mưa vẫn còn nặng hạt do ảnh hưởng bão, điện thoại anh Henry Bui rung “ting ting”, tin nhắn đến từ ông hàng xóm Steve, báo cho anh biết con phố Robert trước nhà có đoạn dây điện bị đứt do bão, nằm vắt ngang đường và nhắc anh lái xe đi làm phải cẩn thận. Ông Steve là thành viên của Neighborhood Watch (NW), gọi nôm na là Tổ chức Hỗ trợ khu phố ở New Zealand (NZ).
Một góc khu dân cư ở Wellington |
NW là tổ chức hình thành năm 1970, ban đầu chỉ mang tính chất từ thiện, sau đó phát triển rộng khắp cả nước như một sáng kiến để phòng ngừa tội phạm. Do tổ chức hoạt động tỏ ra có hiệu quả, đến năm 1999 NW được Chính phủ công nhận, đến năm 2001 thì ký kết hợp tác với lực lượng Cảnh sát để được hỗ trợ tốt hơn. NW do cộng đồng quản lý, mục tiêu nhằm kết nối những người sống trong cùng khu vực, khu phố với nhau từ đó tạo ra các cộng đồng an toàn, mạnh mẽ và đoàn kết.
“Tổ dân phố” ở NZ
NW cũng giống như hệ thống tổ dân phố ở Việt Nam. Chỉ là, tổ dân phố thiên nhiều về chính trị, cụ thể như quy định “tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao”, còn nhóm hỗ trợ khu phố chủ yếu là hướng đến các hoạt động trong cộng đồng, như hỗ trợ người mới nhập cư, bảo vệ môi trường, hỗ trợ lẫn nhau lúc nguy cấp...
Chính phủ NZ quan tâm đến nhà ở cho người thu nhập thấp qua chương trình nhà ở xã hội. Điều thú vị là Chính phủ vì không để các khu nhà ở xã hội trở thành khu “ổ chuột” nên đều quy hoạch ở những khu vực vị trí đẹp, như: ở mặt tiền đường, gần trung tâm mua sắm, trạm xe buýt, trường học; vật liệu xây dựng cũng dùng loại tốt, hàng năm có kế hoạch sửa chữa. Ngân sách dành cho chương trình nhà ở xã hội hàng năm lên đến khoảng 2,4 tỷ đô la NZ. Giá thuê nhà xã hội được quy định thấp hơn giá thị trường từ 25-80% tùy khu vực, hoặc chiếm từ 25-30% thu nhập của hộ gia đình người thuê. Thời gian gần đây, do giá nhà thuê ở NZ tăng cao nên người thuê nhà ở xã hội càng có lợi. Một căn nhà 2 phòng ngủ ở Wellington hiện giá thị trường cho thuê đã nhảy lên khoảng 500 đô NZ/tuần, trong khi đó giá thuê nhà ở xã hội ngay trung tâm thành phố chỉ 200 đô NZ. Đã vậy, người thuê nhà ở xã hội vui thì đóng tiền thuê, buồn thì... thôi, mà chẳng có ai đuổi ra khỏi nhà, bởi vì “tui thu nhập thấp, không đủ tiền trả”, thế là huề cả làng. |
Ở KP.Robert (Newlands), khi chị Linh Nguyen sinh con, do không có người thân nên bé mới hơn 1 tháng tuổi chị đã phải mang bé đi siêu thị mua thực phẩm. Bà Jessica, người được cả khu phố gọi là The mother of town, đã chủ động đến thăm hỏi và dặn dò vợ chồng chị nếu có việc đi ra ngoài cứ mang bé qua nhà bà trông chừng giúp.
Tại South Waikato, khi một hộ gia đình mới dọn đến, các thành viên NW gần đấy sẽ đến thăm và hỗ trợ những thông tin như: khi nào và làm thế nào để liên hệ với cảnh sát, các dịch vụ khẩn cấp và các cơ quan hỗ trợ khác; làm thế nào để hạn chế tình trạng bị trộm xe hơi; ngày đổ rác của khu phố là ngày nào (ở NZ mỗi tuần xe đổ rác chỉ đi nhận rác một ngày)... Ông Steve cho biết, việc chia sẻ thông lẫn nhau trong cộng đồng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cũng như bớt được nỗi sợ hãi, nhất là với người mới đến.
NW ở Upper Hutt còn có sáng kiến hình thành vườn cộng đồng, nơi đó một số thành viên có thể gặp gỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng trồng trọt và thu hoạch thực phẩm, hoặc mang hoa màu, trái cây, hoa trồng trong vườn nhà chia sẻ cho người cần. Có 5 vườn cộng đồng như thế ở Upper Hutt. Với những cộng đồng sống ở đô thị, các thành viên chia sẻ với nhau kinh nghiệm đối phó với nạn vẽ bậy (graffiti) cũng như trong trường hợp nào Hội đồng thành phố sẽ cấp kinh phí mua sơn xóa hình vẽ bậy. Đặc biệt, trong đợt bão lũ lịch sử ở Auckland và Waikato hồi đầu tháng 2-2023, các thành viên NW đã phát huy vai trò, không chỉ giúp đỡ người dân rời khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn mà còn tích cực hỗ trợ chăn mền, thực phẩm, sơ cấp cứu về y tế.
Bên cạnh đó, một khác biệt nữa là hầu như các thành viên của NW đều hoạt động theo nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện, không có thù lao. NW không nhận ngân sách từ Chính phủ, nhưng có nhận đóng góp từ các tổ chức, cá nhân để chi phí cho mua sắm trang thiết bị, văn phòng phẩm. Các NW cấp quận, thành phố đều có trang web để liên lạc online, hoặc thành viên duy trì kết nối trực tuyến qua email, qua điện thoại. Vào các dịp lễ tết, thành viên NW thường tổ chức những sự kiện như hội chợ, tiệc nướng, hoặc đơn giản hơn là buổi họp mặt nho nhỏ trong khu phố, khi đó mọi người mang thức ăn của nhà mình đến chia sẻ lẫn nhau, trao đổi, trò chuyện để gắn kết với nhau hơn nữa.
Muôn vẻ chuyện nhà...
Thói quen của giới trẻ NZ là khi trưởng thành thường rời nhà cha mẹ để sống riêng, còn dân nhập cư phần lớn là gốc châu Á thì vẫn giữ quan niệm “an cư lạc nghiệp”, nên nhu cầu nhà ở NZ khá lớn. Giao dịch nhà đất nơi này phần lớn thông qua các công ty môi giới bất động sản, tuy nhiên nếu có ai muốn tự mua tự bán thì cũng chẳng sao, không bắt buộc. Chỉ là thông qua môi giới sẽ có cơ hội lựa chọn nhiều hơn, đồng thời tránh được một số rủi ro, bớt một ít phiền toái. Chẳng hạn, môi giới sẽ cung cấp cho người mua lịch sử của ngôi nhà như xây dựng năm nào, sửa chữa mấy lần để người mua đánh giá chất lượng nhà; giúp người mua đàm phán giá cả với người bán... rất “đáng đồng tiền bát gạo”.
Đến nay, các nhóm Hỗ trợ khu phố ra đời ở khắp NW, từ những khu phố chỉ có mười mấy hộ cho đến vài chục hộ gia đình ở khu vực ngoại ô. Các nhóm này hoạt động độc lập dưới sự điều phối của NW thị trấn, thành phố, và trên nữa là NW quốc gia. |
Không như ở Việt Nam ai cũng có thể nhảy ra làm “cò”, người làm nghề môi giới nhà đất ở đây phải có bằng cấp theo quy định, công ty môi giới phải được phép kinh doanh, tất nhiên cũng phải đóng thuế thu nhập các loại. Môi giới cần tuân thủ nguyên tắc nghề nghiệp như minh bạch thông tin, không được gây bất lợi cho cả người bán lẫn người mua... nếu không sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc.
Năm 2016, tại Auckland, một người môi giới tên Aaron đã tìm cách mua bất động sản của người bán rồi bán cho người mua, “ăn” chênh lệch giá chứ không phải “hoa hồng” của môi giới. Vụ việc sau đó bị phát hiện, tòa án phạt ông Aaron một số tiền rất lớn ở thời điểm đó là 700 ngàn đô NZ, đồng thời thu hồi giấy phép hành nghề.
Mới đây, một người môi giới ở Wellington vì muốn bán nhanh nên đã giấu thông tin ngôi nhà từng sửa chữa (theo quy định, khi nhà sửa chữa phải xin phép và lưu hồ sơ tại cơ quan chức năng, trở thành lịch sử của ngôi nhà). Vụ việc sau đó bị chủ mới của ngôi nhà phát hiện, kiện ra tòa, người môi giới này không chỉ bị phạt tiền, tước bằng hành nghề mà còn bị phạt tù.
Ở NZ, hiếm có việc mua nhà một giá, khai một giá để đóng thuế thấp, bởi tất cả giao dịch tiền bạc phải thông qua ngân hàng theo Luật Chống rửa tiền. Nếu có ai cả gan trốn thuế bằng cách giao dịch một phần tiền mặt, khi bị phát hiện chắc chắn cả bên mua lẫn bên bán đều phải “bóc lịch” trong tù.
Ngoài môi giới, còn có một “nhân vật” khá đặc biệt trong hành trình mua nhà ở NZ, đó là nhân viên tài chính, có nhiệm vụ tư vấn cho người mua nhà về các vấn đề tài chính cũng như vay tiền ngân hàng. Qua thông tin tài chính của khách hàng, họ tư vấn cho khách về số tiền vay, lãi suất trả, phương thức trả... sao cho có lợi nhất.
Có 2 phương thức trả tiền vay ngân hàng: trả gốc và lãi hàng tháng (giống ở Việt Nam), hoặc chỉ trả lãi hàng tháng (với những người mua nhà để “chờ thời” đợi giá nhà lên sẽ bán lại). Một số nhân viên tài chính giỏi còn đàm phán cho khách vay được ngân hàng “thối lại” khoảng 1% giá trị căn nhà, tối đa là 10 ngàn đô NZ - điều mà không phải khách hàng nào cũng biết. Bên cạnh đó, nhiều người mua nhà để đỡ phiền toái còn thuê cả luật sư để lo pháp lý trong hợp đồng mua bán nhà (theo form của Chính phủ), hoàn thành việc đứng tên sở hữu nhà, sắp xếp các khoản thanh toán, tư vấn về thuế nhà...
Để giúp đỡ công dân được an cư, Chính phủ có một số chương trình hỗ trợ người dân mua nhà lần đầu tiên. Thông thường, ngân hàng chỉ xét duyệt cho vay mua nhà đối với người có khoản đặt cọc (giống như trả trước ở Việt Nam) là 20% giá trị ngôi nhà. Nhưng với chương trình Welcome home loans thực hiện thông qua các ngân hàng, hiện nay người mua chỉ cần có khoản đặt cọc 10% là có thể được vay. Với chương trình First home, người mua chỉ cần đặt cọc 5%, nhưng chủ yếu thực hiện ở các tỉnh lẻ, khu vực ít người.
Hà Lam