Trong tập Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù), lãnh tụ - nhà thơ Hồ Chí Minh có bài Khán Thiên gia thi hữu cảm (Cảm tưởng đọc Thiên gia thi).
Trong tập Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù), lãnh tụ - nhà thơ Hồ Chí Minh có bài Khán Thiên gia thi hữu cảm (Cảm tưởng đọc Thiên gia thi).
Nguyên văn bài thơ Bác Hồ viết bằng chữ Hán:
Khán Thiên gia thi hữu cảm
Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ
Sơn thủy yên hoa tuyết nguyệt phong
Hiện đại thi trung ưng hữu thiết
Thi gia dã hội yếu xung phong .
Bản dịch phổ biến lâu nay:
Cảm tưởng đọc Thiên gia thi
Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp
Mây gió trăng hoa tuyết núi sông
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
Trong sách của Quách Tấn do NXB Thế giới ấn hành năm 2015, được phỏng dịch như sau:
Xem Thiên gia thi có cảm
Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên
Yêu trăng yêu gió yêu miền núi sông
Thơ nay cần có thép nung
Nhà thơ phải biết xung phong mới là.
Phỏng dịch tất nhiên không theo sát câu chữ. Như câu thứ 2, Bác viết “Sơn thủy yên hoa tuyết nguyệt phong”, bản dịch quen thuộc là “Mây gió trăng hoa tuyết núi sông” kể như đủ, với phỏng dịch của Quách Tấn chỉ còn giữ “trăng, gió ,núi, sông” nhưng có vẻ như câu 8 trong thể thơ lục bát “ thơ” hơn…
Có chuyện ở chỗ chỉ trong tựa và câu 1 có 3 chữ “thiên” đồng âm dị nghĩa trong tiếng Việt và theo Hán tự thì tự dạng 3 chữ “thiên” hoàn toàn khác nhau. “Thiên” trong “thiên gia thi” là 1.000, gồm chữ thập, có dấu phết bên trên; chữ “thiên” trong “thiên ái” là “nghiêng về” (như thiên vị, thiên lệch), tự dạng nhiều nét hơn, ngoài chữ nhân (đứng) còn 9 nét nữa, và “thiên” trong thiên nhiên là “trời” đã Việt ngữ hóa, thiên trời địa đất, tự dạng đơn giản gồm chữ nhân và chữ nhị.
Hồ Chí Minh viết “Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ” hiểu đúng là “thơ xưa (cổ) yêu (làm thơ ca tụng ) nghiêng về cảnh đẹp thiên nhiên”. Chỉ là yêu “nghiêng về” thôi chớ không phải chỉ hoàn toàn ca tụng vẻ đẹp thiên nhiên. Thiên nhiên là nhân vật thơ trữ tình, làm sao không ca tụng, cổ thi thì “nghiêng về”. Ngay trong Nhật ký trong tù cũng có nhiều bài nói về cảnh đẹp như bài Lộ thượng (Trên đường đi) có câu “Mãn sơn điểu ngữ dữ hoa hương”, phỏng dịch của Quách Tấn: “Đầy núi chim ca hoa ngát hương”…
Còn tinh thần “Thi gia dã hội yếu xung phong” thì đã rõ, sau này phát triển thành “ Văn hóa văn nghệ là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, coi như “hiện đại thi trung ưng hữu thiết” - văn hóa văn nghệ là một mặt trận; “thi gia dã hội yếu xung phong” - nhà thơ là chiến sĩ!
Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Bác Hồ trong bối cảnh hoạt động văn hóa văn nghệ có nhiều thay đổi, nhất là khi công nghệ thông tin phát triển chóng mặt, sách và văn hóa đọc không còn vị trí như cũ, thế nhưng vai trò chủ thể sáng tạo với cái tâm trong sáng vẫn là con người, “nhà thơ cũng phải biết xung phong” ngay cả khi đối diện cái mới phải có tinh thần vì dân tộc, vì đất nước.
Trần Phi Châu