Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhật ký hành trình 4 tháng sang Pháp của Hồ Chí Minh

08:05, 19/05/2023

Lần giở các trang Báo Cứu quốc từ số 402 ra ngày 11-11-1946 đến số 439 ra ngày 17-12-1946, người đọc không khỏi khâm phục và đầy tự hào khi biết nhiều chi tiết, câu chuyện lịch sử sống động trong mục Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch - Bốn tháng sang Pháp ghi chép hành trình và công việc thường ngày của Người từ ngày 31-5 đến 11-8-1946.

Lần giở các trang Báo Cứu quốc từ số 402 ra ngày 11-11-1946 đến số 439 ra ngày 17-12-1946, người đọc không khỏi khâm phục và đầy tự hào khi biết nhiều chi tiết, câu chuyện lịch sử sống động trong mục Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch - Bốn tháng sang Pháp ghi chép hành trình và công việc thường ngày của Người từ ngày 31-5 đến 11-8-1946.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet ký Tạm ước ngày 14-9-1946. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet ký Tạm ước ngày 14-9-1946. Ảnh tư liệu

Vào thời điểm cuối năm 1946, tình hình vận mệnh 2 miền Việt Nam hết sức căng thẳng với nguy cơ nổ ra xung đột. Trước đó, sau khi ký Hiệp định Sơ bộ vào ngày 6-3-1946, 2 bên Việt - Pháp xúc tiến các hội đàm tại Đà Lạt và Fontainebleau đàm phán về nền độc lập cũng như việc thống nhất Việt Nam song bất thành vì phía thực dân Pháp có lập trường hiếu chiến, không thực tâm xây dựng hòa bình. Chuyến đi thăm chính thức nước Pháp năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Quốc hội của Việt Nam Dân chủ cộng hòa nhằm mục đích bày tỏ thiện chí hòa bình của dân tộc Việt Nam cũng như khẳng định khát vọng độc lập dân tộc.

* Giương cao ngọn cờ hòa bình Việt Nam

Bác Hồ lên đường sang Pháp ngày 31-5-1946 với tư cách là thượng khách theo lời mời của Chính phủ Pháp. Theo tư liệu, trong gần 100 ngày ở trên đất Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự rất nhiều cuộc hội đàm, gặp gỡ với đại diện Chính phủ, Quốc hội Pháp; các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội, văn hóa; họp báo và trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế nhằm nêu rõ thiện chí và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Cùng thời điểm này, phái đoàn Việt Nam do ông Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn cũng lên đường sang Pháp để đàm phán với Chính phủ Pháp tại hội nghị Fontainebleau. Để sang Pháp, Bác Hồ cùng phái đoàn Việt Nam, trong đó có các ông Phạm Văn Đồng, Hoàng Minh Giám, 2 trợ lý của Bác là ông Đỗ Đình Thiện (thư ký), Vũ Đình Huỳnh (cận vệ), Nguyễn Văn Luyện (bác sĩ)… phải trải qua rất nhiều chặng bay. Chặng đầu tiên ngày 31-5-1946, từ trường bay Gia Lâm (Hà Nội), đoàn lần lượt đến Rangoon Miến Điện (tức Yangon, Myanmar ngày nay), Calcutta rồi Agra (Ấn Độ), Karachi (Pakistan), Habagna (Iraq), Le Caire (tức Cairo, Ai Cập), Bengasi (tức Benghazi, Libya), Biskra (Algeria)...

“Mỗi ngày, Cụ xem chừng 25 tờ báo, báo sáng, báo chiều, báo hàng tuần và báo ngoại quốc. Báo có tin tức gì hay, Cụ lấy bút chì đỏ làm dấu vào, rồi bảo anh em xem. Hôm nào nhiều khách thì Cụ thường thức xem báo đến 2 giờ sáng” - trích tác giả Đ.H viết ngày 5-8-1946 trong Nhật ký hành trình của Hồ Chủ tịch - Bốn tháng sang Pháp.

Ngay khi Chủ tịch Hồ Chí Minh (loạt bài trên Báo Cứu quốc năm 1946 dùng danh xưng là Cụ Chủ tịch) đến vùng Biarritz miền Nam nước Pháp vào ngày 12-6, nhiều nhân sĩ, kiều bào Pháp cùng vợ con đến chào Bác. Rồi kiều bào ở Anh, Mỹ, Nouvelle Calédonie và khắp thế giới “đều có gửi điện chúc mừng và tỏ lòng yêu mến Tổ quốc”.

Ngày 22-6, Cụ Chủ tịch cùng phái đoàn lên thủ đô Paris trong sự chào đón long trọng và nồng nhiệt của đại diện cấp cao chính phủ Pháp cùng hàng ngàn kiều bào, trí thức, lao động, binh lính, phụ nữ, nhi đồng. Trả lời Hãng thông tấn Pháp, Bác Hồ bày tỏ: “Mong sau này 2 dân tộc Pháp và Việt cộng tác một cách bình đẳng, thật thà và thân thiện”.

* “Đứng đắn và chân thành”

Những ngày sau đó, Cụ Chủ tịch tiếp hàng trăm nhà báo Pháp; thiết trà mời nhi đồng và bà con kiều bào Việt Nam ở Paris; tiếp các lãnh tụ 3 Đảng phái lớn nhất ở Pháp bấy giờ là Đảng Cộng hòa, Đảng Xã hội, Đảng Cộng sản; Công hội thế giới, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới, Hội Thanh niên thế giới, Liên đoàn Ái hữu người Việt; các văn sĩ Pháp, danh họa Việt Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ; những nhà ngoại giao, nhà khoa học Pháp cấp tiến ủng hộ Việt Nam độc lập như: ông bà Joliot Curie, ông Francis Jourdain… “Người Pháp ở Pháp rất dễ thương dễ mến. Những người mà tôi có thể gặp gỡ, bất kỳ đàn ông đàn bà, người già người trẻ, ai cũng tỏ tình thân mật” - Bác Hồ nhận xét.

“Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, vì hạnh phúc của quốc dân” - Chủ tịch HỒ CHÍ MINH nói ngày 30-5-1946.

Ngày 2-7, Thủ tướng Pháp Georges Bidault tiếp đón và đãi tiệc trọng thị, hoan nghênh Hồ chủ tịch, đánh giá chuyến thăm Pháp của Người “có ý nghĩa rất cao xa, làm cho tình thân thiện giữa 2 nước chúng ta khăng khít lại”. Đáp lời, Cụ Chủ tịch phát biểu có đoạn: “Việt và Pháp là 2 dân tộc tự do, bình đẳng, đều có lý tưởng dân chủ, đều ham muốn tự do… Chúng ta đều có chung một lý tưởng triết học phương Đông và phương Tây, đều theo một giáo dục chung: “Mình chớ làm cho người những điều không muốn người làm cho mình”.

Ngày 12-7, trong cuộc trò chuyện với các nhà báo Pháp và quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Việt Nam cần nước Pháp. Nước Pháp cũng cần Việt Nam. Chỉ có lòng tin cậy lẫn nhau và sự cộng tác bình đẳng, thật thà, thì mới đi đến kết quả thân thiện giữa 2 nước”. Hôm sau, nhiều báo khen lời Hồ Chủ tịch “đứng đắn và chân thành”, đánh giá: “Hồ Chủ tịch và Chính phủ Việt Nam quyết tâm dàn xếp sự quan hệ Việt - Pháp bằng cách hiểu biết nhau và lòng hữu ái giữa hai dân tộc”.

Hồ Chủ tịch (giữa) thăm nhà gia đình ông bà Raymond Aubrac ở ngoại ô Paris tháng 8-1946. Ảnh tư liệu
Hồ Chủ tịch (giữa) thăm nhà gia đình ông bà Raymond Aubrac ở ngoại ô Paris tháng 8-1946. Ảnh tư liệu

Ngày 14-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ động ký với Pháp bản Thỏa hiệp tạm thời như một nỗ lực chính trị, ngoại giao tài tình cuối cùng nhằm thể hiện thiện chí giải quyết mâu thuẫn với thực dân bằng biện pháp hòa bình, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận Pháp lẫn tầng lớp nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình.

Trong lời tuyên bố với quốc dân sau khi đi Pháp về ngày 23-10-1946, Bác Hồ nhắc lại lập trường: “Không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta” và khẳng định: “Nhưng không trước thì sau, tôi dám quyết rằng: Việt Nam nhất định độc lập, Trung, Nam, Bắc nhất định thống nhất”.

Trung Nghĩa

Tin xem nhiều