Những năm gần đây, nghề nuôi bệnh thuê đang ngày càng phổ biến. Nhu cầu tìm người chăm sóc người thân nằm viện ngày càng nhiều nên những người làm nghề này cũng "đắt show".
Những năm gần đây, nghề nuôi bệnh thuê đang ngày càng phổ biến. Nhu cầu tìm người chăm sóc người thân nằm viện ngày càng nhiều nên những người làm nghề này cũng “đắt show”.
Bà Nguyễn Thị Trinh (quê tỉnh Đắk Lắk, tạm trú P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa) chăm sóc cụ ông bị gãy chân tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: P.Liễu |
Đây là “nghề” thu nhập cao nhưng vất vả và nhiều rủi ro khi phải thường xuyên tiếp xúc với người bệnh và làm việc trong môi trường lây nhiễm bệnh cao.
* Việc cần người
Nếu trước đây, những gia đình có người nằm viện dài ngày phải chạy đôn chạy đáo nhờ người thân hoặc chia nhau chăm sóc, thì nay họ cũng yên tâm và bớt vất vả hơn khi thuê được người giúp chăm sóc người thân của mình.
Năm nay 65 tuổi, bà Nguyễn Thị Trinh (quê tỉnh Đắk Lắk, hiện đang ở trọ tại P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa) đã làm nghề nuôi người bệnh thuê được 5 năm. Bà Trinh cho biết, do ở quê nhà nghèo, con đông nên khi có người thuê về TP.HCM chăm sóc người nhà bệnh, bà đã nhận lời và từ đó theo luôn nghề nuôi người bệnh. Cứ nuôi người bệnh này, rồi người kia biết lại giới thiệu nên bà lúc nào cũng có việc làm. Chỉ 1 năm ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), bà đã nuôi từ 5-6 người bệnh.
Cách đây gần 2 năm, trong một lần về TP.Biên Hòa chơi, dịch Covid-19 bùng phát, bà Trinh “kẹt” lại do phong tỏa. Dịp này, có người thuê bà đến nhà chăm sóc một bà cụ bị tai biến suốt trong 20 tháng liền. Sau đó bà nhận chăm sóc một nữ bệnh nhân bị phỏng toàn thân suốt 7 tháng tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Khi nữ bệnh nhân này xuất viện, bà lại có người thuê chăm sóc một cụ ông 90 tuổi bị gãy chân điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai)…
Theo BS NGUYỄN THỊ KIM LOAN, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, người bệnh thường đau đớn về thể chất, mệt mỏi về tinh thần nên dễ tủi thân, hay cáu gắt. Vì thế dù đã thuê người chăm sóc, dù là bận rộn nhưng người thân nên dành thời gian đến thăm và chăm sóc người bệnh, nhất là cha mẹ già để họ cảm thấy được yêu thương, được chăm sóc hỏi han từ đó yên tâm điều trị bệnh. Không nên ỷ lại và giao khoán người thân của mình cho người nuôi thuê. |
Bà Trinh chia sẻ: “Phần lớn tôi nuôi người bệnh là bệnh nhân tai biến, ung thư, tai nạn. Để chăm sóc người bệnh tốt, ngoài vệ sinh cá nhân cho người bệnh, còn biết nói chuyện, an ủi động viên để người bệnh cảm thấy thoải mái, bớt đau đớn do bệnh tật”.
Mỗi buổi chiều, chị Trần Thị Vân Anh (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) lại ghé qua Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để thăm mẹ đang điều trị bệnh suy thận tại đây. Chị cho biết, mẹ chị có 5 người con nhưng 3 người ở nước ngoài, còn chị và một người em phải đi làm, rồi còn chăm con nhỏ nên khi mẹ bị trở bệnh phải điều trị dài ngày tại bệnh viện, 2 chị em chị rất bối rối, không biết phải làm sao khi đã nghỉ hết phép. May mắn, người bạn giới thiệu cho chị bà Nguyễn Thị Tươi, 51 tuổi (ngụ cùng phường P.Tân Mai) chuyên nuôi người bệnh với tiền công thỏa thuận là 300 ngàn đồng/ngày.
Chị Vân Anh tâm sự: “Mẹ tôi lớn tuổi, lại suy thận độ 3 phải chạy thận, ngoài ra bà còn bị đái tháo đường, huyết áp cao và bệnh xương khớp. Mẹ tôi ăn uống rất khó khăn, nhưng nhờ bà Tươi chăm chỉ, kiên nhẫn, nhất là hay thủ thỉ nói chuyện, động viên nên mẹ tôi cũng chịu khó ăn uống, khỏe hơn”.
Chia sẻ về nghề nuôi bệnh thuê bà Tươi cho biết: “Chăm sóc người bệnh rất cực vì phải canh bệnh nhân từng chút, ngay cả khi người bệnh ngủ. Mọi việc từ cho ăn, uống thuốc, tắm rửa, thay quần áo đến việc thay tã, vệ sinh phải biết làm. Bệnh nhân nằm nhức mỏi thì tôi xoa bóp tay chân. Được trả công tương đối, vài ngày lại cho bánh trái, thấy người nhà họ tin tưởng tôi rất vui. Tuy đi làm có tiền thật nhưng vẫn mong muốn các bệnh nhân sớm khỏe để về nhà cùng gia đình”.
Ở Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, chị Đặng Thị Nhân (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) đang chăm sóc cho một ông cụ bị tai biến. Do vợ chồng người con trai duy nhất của cụ ông này đều là giảng viên đại học, không thể nghỉ dài ngày nên đã thuê chị chăm sóc cha mình.
Chị Nhân cho biết, đã từng chăm sóc cha bị tai biến, nằm liệt giường hơn 3 năm nên chị quen với việc chăm sóc bệnh nhân bị tai biến. “Người tai biến, liệt chi thường không có sự hợp tác, nên việc chăm sóc có vất vả hơn. Mỗi khi nâng ông ngồi dậy, cho ăn uống hay lau rửa đều khó khăn, nhưng cứ nghĩ đang chăm cha mình thì làm được” - chị Nhân bộc bạch.
Chính vì chịu khó, chăm sóc người bệnh như người thân mà bà Trinh, chị Tươi, chị Nhân luôn có người thuê làm. Đa phần là người nhà bệnh nhân giới thiệu cho nhau. Nhờ vậy những người nuôi bệnh thuê cũng có thu nhập ổn định để lo cho gia đình.
* Có thu nhập nhưng cũng lắm cơ cực
Hiện nay, ở những thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, nghề nuôi người bệnh thuê đã trở nên phổ biến. Đối tượng bệnh nhân được thuê chăm sóc phần lớn là người già bệnh nặng, người liệt chi, bệnh nhân tai nạn giao thông, bệnh ung thư... Riêng tại Đồng Nai, dịch vụ này chưa phát triển nên để tìm được một người nuôi bệnh tận tâm, biết cách chăm sóc người bệnh nhiều gia đình neo người phải hỏi han khắp nơi mới thuê được người tận tâm, như ý.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, phần lớn người làm nghề chăm sóc bệnh nhân thuê là phụ nữ trung niên, không vướng bận chuyện gia đình. Mức thu nhập tương đối khá, tuy nhiên làm nghề này cũng không phải dễ dàng, nhất là khi gặp phải bệnh nhân và người nhà khó tính, hay cằn nhằn và có thái độ bất hợp tác, không thân thiện.
Bà Hoàng Thị Châu, 54 tuổi (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) làm nghề nuôi người bệnh được gần 2 năm nay, hiện bà đang chăm một bệnh nhân bị viêm cơ tim tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Bà Châu cho biết, công việc này cực, ít khi bà được ngủ đủ giấc; chỗ đặt lưng của bà thường là hành lang, gầm giường bệnh và phần lớn thời gian phải thức để trông chừng bệnh nhân.
Theo bà Châu, những người nuôi bệnh thuê cũng thường phải gạt bỏ những ngại ngùng để lau rửa cho bệnh nhân, chịu đựng mùi hôi từ chất thải, từ vết thương, rồi lau những vết loét cho bệnh nhân… Lo nhất là chăm sóc những bệnh nhân bị các bệnh nhiễm như: viêm gan B, lao, HIV/AIDS vì thường xuyên phải tiếp xúc gần với nguồn lây nhiễm.
Hiện nay, ở TP.HCM và Hà Nội… có rất nhiều công ty, tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ nuôi bệnh thuê và được quảng bá rất nhiều trên các trang mạng xã hội như: “Hội chăm sóc bệnh nhân”; “Hội chăm sóc người già chuyên nghiệp toàn quốc”, “Dịch vụ chăm sóc người già, người bệnh tại nhà hoặc bệnh viện”… Những dịch vụ này còn đưa bảng giá thuê người chăm sóc bệnh nhân theo giờ, theo ngày, theo tháng. Nhiều công ty còn liên kết với bệnh viện để cung cấp người nuôi bệnh theo yêu cầu.
BS. Trần Danh Thuận (ngụ P.Trung Dũng, TP. Biên Hòa) hiện đang công tác tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho biết, do nhu cầu cần người chăm sóc bệnh nhân ở TP.HCM rất lớn nên dịch vụ này hiện đang rất phát triển. Để chất lượng chăm sóc người bệnh được hiệu quả hơn, chuẩn mực hơn, một số bệnh viện đã chủ động mở lớp đào tạo chăm sóc bệnh nhân cho những người có nhu cầu làm nghề này. Trong đó Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp (Q.8, TP.HCM) đã đi tiên phong, gần đây là Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương…
“Người chăm sóc bệnh nhân nếu được đào tạo cơ bản sẽ hỗ trợ phần nào cho nhân viên y tế và giúp bệnh nhân mau phục hồi hơn” - BS Trần Danh Thuận cho hay.
Ghi nhận tại một số bệnh viện trong tỉnh, hiện nay, thù lao nuôi bệnh thuê chủ yếu do thỏa thuận và tùy thuộc vào tình trạng bệnh tật của người bệnh. Nếu chăm sóc 24/24 giờ với người bệnh nặng, mức thù lao phải trả từ 8-12 triệu đồng/tháng; người đi lại được nhưng cần hỗ trợ có mức từ 5-7 triệu đồng/tháng (chỉ chăm ban ngày). Nếu thuê theo ngày thì giá từ 400-800 ngàn đồng/ngày. |
Phương Liễu