Tác phẩm Những con chữ ngoài trang sách của tác giả Trần Đình Ba "cảo thơm lần giở" về sự ham đọc, trọng sách của bao bậc tiền nhân từ vua Lê Thánh Tông "đọc sách hiểu rõ đạo lý sáng khôn", vua Minh Mạng "trọng sách vở như vật báu", đến nhà thơ Huy Cận thắp hương đọc sách, nhà văn Vương Hồng Sển ví làm bạn với sách "như kẻ đói gặp món ăn ngon"…
Tác phẩm Những con chữ ngoài trang sách của tác giả Trần Đình Ba “cảo thơm lần giở” về sự ham đọc, trọng sách của bao bậc tiền nhân từ vua Lê Thánh Tông “đọc sách hiểu rõ đạo lý sáng khôn”, vua Minh Mạng “trọng sách vở như vật báu”, đến nhà thơ Huy Cận thắp hương đọc sách, nhà văn Vương Hồng Sển ví làm bạn với sách “như kẻ đói gặp món ăn ngon”…
Lần đầu tiên, quá trình hình thành, phát triển hoạt động in ấn, xuất bản, phát hành sách, chuyện hậu trường nghề xuất bản Việt Nam từ cách nay cả trăm năm được tập họp công phu trong tác phẩm Những con chữ ngoài trang sách của tác giả Trần Đình Ba do NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành cuối tháng 4-2023. Trần Đình Ba cũng chính là tác giả cuốn Đằng sau mặt báo (Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi ban đầu đến 1945) ấn hành năm 2022.
Vui buồn sau trang sách
Những con chữ ngoài trang sách có 3 phần rõ ràng giúp bạn đọc rất dễ nắm bắt nội dung gồm phần 1 Phía sau trang sách, phần 2 Vui buồn giấy mực và phần 3 Cảo thơm lần giở. Sách thông tin nghề in mộc bản ở Việt Nam khai mở bởi Thám hoa Lương Như Hộc (1420-1501); trào lưu in sách Tết bắt đầu từ năm Mậu Thìn 1928; cuộc triển lãm sách báo đầu tiên ở Việt Nam diễn ra năm 1942 tại Sài Gòn… |
Sách xoay quanh hoạt động in ấn, xuất bản, phát hành sách Việt Nam trong gần một thế kỷ tính từ năm 1860 khi nhà in nhà nước của Pháp được lập ở Nam kỳ và kỹ thuật in chữ rời hiện đại phương Tây du nhập vào nước ta (thay cho kỹ thuật in mộc bản trước đó). Nhiều câu chuyện cụ thể, chân thực và sống động được tác giả tìm hiểu, sưu tra, nghiên cứu và ghi nhận rất thú vị, qua đó phản ánh được hoạt động xuất bản (viết - dịch sách, in sách, làm sách, bán sách và quảng cáo) phát triển rầm rộ khắp 3 kỳ Bắc - Trung - Nam cho đến thời điểm tháng 8-1945.
Một số chuyện được mở rộng như cách người làm xuất bản thời xưa chống lại nạn sách giả, in lậu ra sao; nhuận bút cho người viết sách tính cách nào, cao hay thấp; những hoạ sĩ “điểm phấn tô son” vẽ tranh cho bìa và nội dung. Hay “gu đọc của độc giả” thay đổi qua thời gian thế nào, vì sao loại tiểu thuyết ba xu chiếm lĩnh thị trường, phục vụ nhu cầu “đọc xổi” của một bộ phận độc giả những năm 1930…
“Đọc sách đối với chúng ta phải vừa là cái ham thích, vừa là một công việc ích lợi, lại là một nghệ thuật mà chúng ta biết thực hành” - nhà văn THẠCH LAM trong cuốn Theo dòng (NXB Đời Nay in năm 1941). |
Các tên tuổi của làng văn, làng báo, tác giả, dịch giả liên đới tới hoạt động xuất bản và làng sách trước đây cũng được kể lại như Trương Vĩnh Ký, Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Huy Liệu, Huy Cận, Xuân Diệu… Những nhà nghiên cứu, nhà văn nhà thơ như Hải Triều, Nguyễn Công Hoan… từng mở tiệm bán sách. Hệ thống nhà sách, đại lý sách mở ra rầm rộ trên khắp nước Việt cuối thập niên 30 đầu thập niên 40 - trong đó có tiệm sách Nguyễn Văn Tạo ở Biên Hòa xưa, cho thấy sự lan tỏa sách báo từ Bắc chí Nam thời kỳ này rất phong phú.
Gương xưa ham đọc, trọng sách
Không chỉ “vén màn hậu trường” ly kỳ của nghề xuất bản thuở xưa, tác phẩm Những con chữ ngoài trang sách với dung lượng trên 380 trang còn nhìn lại nhiều tấm gương yêu sách, thích đọc sách và quý trọng vai trò của sách vở trong đời sống. Tác giả Trần Đình Ba tâm huyết nói: “Việt Nam là quốc gia hàng nghìn năm văn hiến, và những tấm gương tiền nhân chính là biểu hiện cho một phần nền văn hiến ấy, biểu hiện của truyền thống hiếu học, ham đọc, ham học của dân tộc. Sự ham đọc, trọng sách của tiền nhân tạo nền đắp móng để chúng ta lưu giữ, phát huy vốn quý nâng niu sự đọc, trân trọng sách vở cho đến nay. Vấn đề là, không chỉ tự hào với truyền thống, mà cần lắm, phải trên cơ sở đó phát triển văn hóa đọc một cách bền vững trong thời đại kinh tế tri thức này”.
Một số bìa sách đẹp được xuất bản từ năm 1945 trở về trước |
Theo ông Trần Đình Ba, một trong những điểm gây ấn tượng nhất nơi lịch sử ra đời và phát triển của ngành Xuất bản, sách Việt Nam trăm năm về trước chính là sự ra đời, phát triển và vươn lên của các NXB, nhất là NXB tư nhân để chiếm lĩnh thị trường sách: “Nhiều NXB tư nhân với sự nhanh nhạy trong làm ăn, chữ tín trong xuất bản cũng như có những bước đi phù hợp thị hiếu của thị trường sách, đã dần trở thành những thế lực lớn trong làng sách như NXB Tân Dân của Vũ Đình Long, NXB Mai Lĩnh của Đỗ Xuân Mai… vang danh khắp 3 kỳ một thuở”.
Ông Trần Đình Ba nhận xét: “Từ sự lớn mạnh của xuất bản tư nhân, cho thấy rằng, thời nào cũng vậy, muốn lớn mạnh, thì phải luôn tìm tòi, tự thân vận động, phải năng động, sáng tạo trong ngành nghề của mình thay vì ngồi “ôm cây đợi thỏ”. Như vậy mới trụ vững được với nghề và có cơ phát triển lâu dài”.
Trò chuyện với Đồng Nai cuối tuần, tác giả TRẦN ĐÌNH BA - người dành nhiều năm tìm kiếm, sưu tra, nghiên cứu và tổng hợp tư liệu quý cho cuốn sách Những con chữ ngoài trang sách - bày tỏ rằng để tinh thần, truyền thống đọc sách của người Việt được gìn giữ, phát huy nơi xã hội hôm nay và thế hệ tương lai thì “cần sự chung tay của toàn xã hội, chứ không chỉ là công việc của những người quản lý, hoặc những người làm nghề xuất bản”. Theo ông Ba, “văn hóa đọc muốn ăn sâu bén rễ và trở thành ý thức dân tộc, cần một khoảng thời gian dài để khơi dòng, tạo nên dòng chảy ổn định. Toàn xã hội phải chung tay như các nhà quản lý có chiến lược xây dựng, phát triển văn hóa đọc dài hơi ít nhất 20 năm. Ngành Xuất bản có nhiều sách tốt, chất lượng, giá trị. Các kênh phát hành đa dạng hình thức tiếp cận, truyền thông. Hệ thống thư viện công lẫn tư trên cả nước có nhiều cách thức thu hút độc giả khác nhau. Các gia đình, bậc phụ huynh gieo mầm đọc sách cho con trẻ ngay từ nhỏ, hình thành thói quen đọc sách cho con như một món ăn tinh thần thiết yếu hàng ngày…”. |
Cẩm Điệp