Cơn mưa kèm gió, lốc mạnh chiều 22-5 đã làm nhiều cây xanh đô thị trên vỉa hè những tuyến đường trung tâm TP.Biên Hòa gãy cành, bật gốc… Tuy không gây ra thiệt hại nghiêm trọng nhưng tiềm ẩn sự mất an toàn cho người dân khi cây xanh liên tục gãy đổ trong những tuần qua.
Cơn mưa kèm gió, lốc mạnh chiều 22-5 đã làm nhiều cây xanh đô thị trên vỉa hè những tuyến đường trung tâm TP.Biên Hòa gãy cành, bật gốc… Tuy không gây ra thiệt hại nghiêm trọng nhưng tiềm ẩn sự mất an toàn cho người dân khi cây xanh liên tục gãy đổ trong những tuần qua.
Cây xanh trên đường Lê Thánh Tôn, vỉa hè nhà lồng chợ Biên Hòa (P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) bị gãy ngọn, bật gốc sau cơn mưa dông kèm lốc ngày 22-5 |
Hàng loạt cây xanh đổ, gãy, bật gốc
Nhằm tránh gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa bão, ngay từ đầu năm 2023, các đơn vị chức năng thuộc TP.Biên Hòa đã triển khai công tác cắt tỉa cành, hạ độ cao, kiểm tra đề xuất phương án xử lý các cây xanh không đảm bảo an toàn trên địa bàn thành phố.
“Đề nghị UBND 30 phường, xã cần tăng cường công tác quản lý cây xanh, tuyên truyền vận động khu phố, các tổ chức và cá nhân trên địa bàn chủ động kiểm tra, rà soát cây xanh trong khuôn viên tổ chức, cá nhân và cây xanh phân tán trên các tuyến đường do địa phương quản lý; hợp đồng với đơn vị có chức năng thực hiện chăm sóc, cắt tỉa. Đồng thời, kiểm tra hệ thống cây xanh tại trụ sở cơ quan, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa học tập cộng đồng, trong khuôn viên các trường học… kịp thời phát hiện các trường hợp cây xanh bị chết, cây xanh nguy hiểm để phối hợp Phòng Quản lý đô thị tham mưu UBND TP.Biên Hòa chỉ đạo xử lý theo quy định” - Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa Trương Vĩnh Hiệp lưu ý. |
Thế nhưng, dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, nhưng cứ trải qua mỗi cơn dông, kèm lốc mạnh…, tình trạng cây xanh bị đổ, gãy vẫn xuất hiện, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với tính mạng, tài sản của người dân.
Mới nhất là cơn mưa, dông diễn ra vào chiều 22-5, đã làm 11 cây xanh đô thị trên vỉa hè những tuyến đường trung tâm TP.Biên Hòa như: Lê Thánh Tôn (P.Thanh Bình), Phan Đình Phùng (P.Quang Vinh), Nguyễn Ái Quốc (P.Hóa An)… bị gãy cành, bật gốc. Đặc biệt, hàng loạt cây xanh trong công viên Nguyễn Văn Trị, ven sông Đồng Nai (thuộc P.Thanh Bình và P.Hòa Bình) đã bị gãy cành, gãy ngang thân, ngã đổ xuống thảm cỏ công viên và vỉa hè đường Nguyễn Văn Trị.
Trước đó không lâu, nhiều sự cố liên quan đến cây xanh cũng đã xảy ra như: cơn mưa lớn kèm gió giật mạnh đã làm bậc gốc 2 cây si lớn (đường kính gốc khoảng 1,5m, cao khoảng 12m) tại một khu dân cư ở tổ 9C, KP.12, P.An Bình xảy ra chiều 8-5. Sự cố trên khiến người dân ở khu vực hốt hoảng vì 2 cây si trên đã tồn tại từ lâu trong khoảng sân chung nơi có đông trẻ em từ các khu phòng trọ ra chơi. May mắn chiều hôm đó do mưa lớn nên ai cũng ở trong nhà. Tuy vậy, cây đổ ập vào 1 nhà xưởng trong khu dân cư, làm bung 1 mảng mái tôn nhà xưởng, kéo theo hệ thống lưới điện, dây viễn thông dẫn tới gãy 1 trụ điện hạ thế, làm hơn 30 hộ dân trong khu vực mất điện…
Hay như cơn mưa kèm dông, lốc vào chiều 15-4 đã làm một cây xanh lớn trên đường Điểu Xiển (P.Long Bình) bật gốc đổ thẳng xuống lề đường, cũng may không có người đi đường bị cây đè trúng; …
Cần gia tăng các biện pháp phòng ngừa
Tình trạng cây xanh liên tiếp gãy cành, bật gốc trong thời gian gần đây đã gây lo ngại cho người dân đô thị Biên Hòa. Ông Nguyễn Xuân Hoàng nhà ở đường Huỳnh Văn Lũy (P.Quang Vinh) cho rằng, nguyên nhân cây xanh gãy đổ, bật gốc có thể là do quá trình xây dựng, cải tạo vỉa hè, hệ thống hạ tầng bên dưới đã ảnh hưởng đến hệ thống rễ, khiến rễ cây không ăn sâu vào lòng đất nên nó không trụ vững trước ảnh hưởng của mưa bão.
“Đơn vị chức năng cần gia tăng thêm các biện pháp để đảm bảo an toàn phòng ngừa cây bật gốc, gãy đổ như thời gian qua” - ông Hoàng đề xuất.
Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa Trương Vĩnh Hiệp cho biết, nhằm phòng ngừa cây xanh đô thị gãy, đổ trong mùa mưa, phòng đề nghị các đơn vị chức năng của thành phố và các cơ quan, đơn vị có cây xanh trong khuôn viên cần tăng cường công tác quản lý, chăm sóc, cắt tỉa, cây xanh.
Cụ thể, Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa và Công ty CP Môi trường Sonadezi tiếp tục thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra, rà soát hệ thống cây xanh đô thị. Kịp thời phát hiện và khắc phục sự cố cây xanh ngã đổ đảm bảo an toàn giao thông, an toàn của các công trình và tài sản của người dân. Thực hiện chăm sóc, cắt tỉa và chống dựng đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển an toàn trong mùa mưa bão, hạn chế cây xanh ngã đổ; phối hợp cùng UBND các phường, xã kịp thời phát hiện các trường hợp xâm hại cây xanh đô thị để xử lý các hành vi vi phạm (nếu có) theo quy định.
Bên cạnh đó, phòng có văn bản kiến nghị Chi cục IV.2 - Cục Quản lý đường bộ IV, Sở GT-VT Đồng Nai, Công ty CP Đường sắt Sài Gòn xem xét, chỉ đạo các đơn vị được giao quản lý, khai thác các tuyến đường bộ, đường sắt,… qua địa bàn TP.Biên Hòa thực hiện kiểm tra rà soát, chăm sóc và cắt tỉa các cây xanh nằm trong hành lang an toàn giao thông, hạn chế cây có nguy cơ ngã, đổ gây nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn giao thông, các công trình lân cận…
Kim Liễu
Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai LÊ VIỆT DŨNG:
Cây xanh đô thị cần đáp ứng các tiêu chí theo quy định
Việc trồng cây xanh ở trong đô thị phải tuân thủ theo những tiêu chí kèm theo. Chẳng hạn, việc chọn cây xanh sao cho phù hợp, nhất là phải có hệ rễ sâu, bám chắc, ít bị đổ ngã; cây phải có cành nhánh dẻo để ít bị gãy, nhất là vào mùa mưa bão, gió lốc mạnh… Tùy theo từng cấp đường, từng khu vực mà chọn trồng các loại cây có chiều cao và tán rộng cho hợp lý.
Cây cối cũng có tuổi đời và theo thời gian cây có thể tự chết hoặc già yếu dẫn đến cành, nhánh khô dần. Do đó, công tác kiểm tra phải được triển khai thường xuyên để phát hiện những cây già cỗi quá thì phải cắt đi để thay thế bằng cây khỏe mạnh khác. Ngoài ra, vào đầu mùa mưa, đơn vị chức năng, người dân cần chủ động đi kiểm tra, theo dõi xem có cành nào bị khô hoặc nguy cơ sâu bệnh thì tiến hành tỉa cành, nhánh và hạ bớt độ cao của cây.
Nếu việc trồng cây xanh trong đô thị được thực hiện đảm bảo các tiêu chí, điều kiện trên thì cây sẽ ít bị đổ ngã, đảm bảo an toàn cho mọi người.
Chị TRANG MỘNG NGỌC (ngụ P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa):
Sớm trồng thay thế các cây bị hư hại
Thời tiết ngày càng có nhiều chuyển biến thất thường, như cơn mưa kèm dông lốc lớn vào ngày 22-5 khiến nhiều tiểu thương ở chợ Biên Hòa trên đường Lê Thánh Tôn (P.Thanh Bình) trở tay không kịp, chỉ biết tìm chỗ nấp khi thấy gió lốc cuốn bay dù, quật ngã xe máy, làm gãy cành, bật gốc cây xanh. Hơn chục năm nay lần đầu tiên chứng kiến cảnh như vậy nên ai thấy cũng sợ. Cây sao đen có đường kính 20cm phía trước ki-ốt của tôi cũng bị bật gốc, một số cây khác gần đó thì gãy ngang, gãy nhánh. Mong đơn vị chức năng sớm cho trồng cây mới thay thế; đồng thời nghiên cứu chọn loại cây phù hợp vì khu vực này gần sông, thường phải đón gió lớn nên trồng các cây có bộ rễ khỏe, bám chắc…; thường xuyên chăm sóc, tỉa cành, hạ độ cao và xem xét có nên chống, dựng hoặc áp dụng biện pháp gia cố đối với những cây còn lại để phòng ngừa gãy đổ, bật gốc trong mùa mưa.
Gia An - Thành Nhân (ghi)