Quy định nơi đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu đối với những người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), cũng như phân bổ thẻ BHYT về các cơ sở y tế không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, mà còn để cơ sở y tế khai thác hết tiềm năng, phục vụ tốt nhất cho người bệnh.
Quy định nơi đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu đối với những người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), cũng như phân bổ thẻ BHYT về các cơ sở y tế không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, mà còn để cơ sở y tế khai thác hết tiềm năng, phục vụ tốt nhất cho người bệnh.
Vì không được phân thẻ bảo hiểm y tế vào bệnh viện tuyến tỉnh, nên nhiều bệnh nhân đã đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại những bệnh viện tư nhân. Trong ảnh: Người bệnh đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đồng Nai 2. Ảnh: P.Liễu |
Mặc dù được chọn đăng ký nơi KCB ban đầu, nhưng nhiều người không tin tưởng chất lượng chuyên môn ở các cơ sở y tế tuyến dưới, nên đã “cất” thẻ BHYT, tự bỏ tiền túi ra khám bệnh dịch vụ ở những bệnh viện tuyến trên - nơi có uy tín và chuyên môn giỏi.
* Cần nâng chất lượng KCB BHYT tuyến cơ sở
Theo Thông tư 40/2015/TT-BYT ngày 16-11-2015 của Bộ Y tế quy định đăng ký KCB BHYT ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT, khi tham gia BHYT, người dân sẽ được lựa chọn đăng ký BHYT vào những cơ sở y tế hoạt động tại hoặc gần địa bàn nơi sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, người tham gia BHYT không phải muốn vào bệnh viện nào cũng được.
Cụ thể, chỉ có một số đối tượng được đăng ký nơi KCB BHYT ban đầu vào các bệnh viện tuyến tỉnh, đó là những người thuộc diện được quản lý, bảo vệ sức khỏe cán bộ của tỉnh; người có công với cách mạng; người từ đủ 80 tuổi trở lên; trẻ em dưới 6 tuổi; người công tác trong quân đội khi nghỉ hưu và những đối tượng bị các bệnh mãn tính (tim mạch, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn và hen suyễn, bệnh tiểu đường).
Những nhóm đối tượng còn lại, khi tham gia BHYT, thẻ sẽ được phân về các cơ sở y tế tuyến dưới là: trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố và bệnh viện tuyến tương đương, trạm y tế xã, phường và các phòng khám đa khoa tư nhân.
Mục đích của việc phân thẻ BHYT của người bệnh về các cơ sở y tế tại và gần nơi sinh sống, làm việc nhằm tạo điều kiện cho người dân thuận lợi trong đi lại; hạn chế tình trạng KCB vượt tuyến gây quá tải cho bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương, giảm thiểu tốn kém, vất vả cho người bệnh khi điều trị những bệnh mà tuyến dưới hoàn toàn có thể chữa được. Nhất là từ khi thực hiện chính sách thông tuyến huyện và thông tuyến tỉnh nội trú, người bệnh đã có nhiều lựa chọn hơn khi khám và điều trị bệnh.
Tuy nhiên, việc phân nhóm đối tượng đăng ký KCB BHYT vào các cơ sở y tế tuyến trên hay tuyến dưới vẫn còn có những bất cập. Không ít ý kiến cho rằng, họ chấp nhận KCB BHYT ở tuyến dưới, nhưng cần nâng cao chất lượng KCB các cơ sở y tế tuyến này, nhất là ở các trạm y tế và phòng khám đa khoa tư nhân; bổ sung đầy đủ các loại thuốc và chất lượng thuốc như ở những cơ sở y tế tuyến trên… Nếu được như thế, người dân không chỉ yên tâm KCB ở tuyến dưới mà quyền lợi của người tham gia BHYT được bảo đảm, công bằng.
* Đừng để người bệnh gặp khó
Ông Trần Vĩnh Tuy (77 tuổi, ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) cho biết, các con ông đi làm thì đăng ký nơi KCB ban đầu tại một phòng khám đa khoa ở gần công ty, riêng vợ chồng ông đã lớn tuổi, hay bệnh khiến ông bà tháng nào cũng phải đi bệnh viện. Thế nhưng, dù nhà ông rất gần Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, cách khoảng 300m và mong muốn chuyển thẻ BHYT sang bệnh viện này để đi lại thuận tiện và cũng yên tâm về chất lượng KCB ở một bệnh viện hạng I, nhưng không được chấp thuận.
Ông Tuy cho biết, do không thuộc các đối tượng được đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện tuyến tỉnh nên BHYT của vợ chồng ông được phân về một phòng khám tư nhân gần nhà. Tuy nhiên, do không yên tâm với chất lượng KCB của phòng khám này nên ông bà phải đi khám tại một bệnh viện tư nhân (cùng tuyến với phòng khám mà ông bà đăng ký KCB BHYT ban đầu) cách nhà tới hơn 9km. Chưa kể, đi bệnh viện tư nhân trả thêm chi phí dịch vụ nên rất tốn kém.
Không chỉ riêng ông Tuy mà có không ít người bệnh khác ở rất gần 2 bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, có nhu cầu mua BHYT với nơi đăng ký KCB ban đầu vào những bệnh viện này nhưng không được chấp thuận vì không đúng đối tượng được đăng ký BHYT vào đây.
Bị bệnh xương khớp nhiều năm nay, đi lại bằng xe lăn nhưng hàng tháng bà Trần Thị Mơ, (78 tuổi, ngụ P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa) vẫn phải đi khám bệnh, lấy thuốc ở Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa), dù nhà bà rất gần với Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Bà Mơ cho biết, nhiều năm trước đây thẻ BHYT của bà được đăng ký KCB tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, nhưng từ năm 2021, thẻ BHYT của bà lại chuyển về một phòng khám đa khoa, nhưng nơi đây chỉ điều trị những bệnh thông thường, mỗi lần xin chuyển viện rất mất công nên bà phải đến Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai để điều trị. Tuy nhiên, giá chênh lệch dịch vụ KCB tại bệnh viện này khá cao và việc điều trị các bệnh xương khớp cũng không phải là thế mạnh của bệnh viện này nên có lúc bà Mơ phải “cất” thẻ BHYT, bỏ tiền túi vào bệnh viện tuyến tỉnh khám dịch vụ.
Không ít ý kiến cho rằng, hiện tiềm năng KCB BHYT của 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh còn chưa khai thác hết khi đội ngũ bác sĩ đông, tay nghề chuyên môn tốt, trang thiết bị hiện đại và cơ sở vật chất khang trang… nhưng ngoài những đối tượng theo quy định, những người bệnh khác không được đăng ký KCB tại 2 bệnh viện này. Do đó, nhiều ý kiến đề xuất nên mở rộng đối tượng được đăng ký KCB BHYT ở 2 cơ sở này để tránh lãng phí và bảo đảm quyền lợi cho người bệnh tham gia BHYT.
Có 3 nội dung được nhiều bạn đọc kiến nghị để được đăng ký KCB BHYT vào 2 bệnh viện tuyến tỉnh là: giảm độ tuổi được đăng ký BHYT từ 80 tuổi xuống 70 tuổi; cho những người bệnh ở gần 2 bệnh viện trên được đăng ký KCB BHYT; mở rộng danh sách các loại bệnh nặng được KCB BHYT đúng tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh. |
Phương Liễu