Báo Đồng Nai điện tử
En

Xu hướng sản xuất thực phẩm sạch

09:05, 06/05/2023

Trong điều kiện kinh tế ngày càng phát triển như hiện nay, thay vì ăn ngon mặc đẹp thì nhiều người lại có xu hướng chuyển thành ăn sạch, mặc sang. Thực phẩm sạch đang là lựa chọn của rất nhiều người và nó trở thành xu hướng cho sự phát triển bền vững.

Trong điều kiện kinh tế ngày càng phát triển như hiện nay, thay vì ăn ngon mặc đẹp thì nhiều người lại có xu hướng chuyển thành ăn sạch, mặc sang. Thực phẩm sạch đang là lựa chọn của rất nhiều người và nó trở thành xu hướng cho sự phát triển bền vững.

 Cánh đồng lúa sạch của ông Lê Ngọc Hải (xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) vừa trúng mùa trong mùa vụ đông - xuân 2023. Ảnh: T.TÂM
Cánh đồng lúa sạch của ông Lê Ngọc Hải (xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) vừa trúng mùa trong mùa vụ đông - xuân 2023. Ảnh: T.TÂM

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường cũng như muốn mang lại giá trị tốt nhất cho sức khỏe cộng đồng, nhiều nông dân đã chọn hướng đầu tư sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch và mang lại hiệu quả cao, thu nhập ổn định.

* Vì sức khỏe của cộng đồng

Dù năng suất lúa sạch không bằng lúa truyền thống nhưng hơn 10 năm qua, ông Lê Ngọc Hải (ngụ xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) vẫn trung thành với việc trồng lúa sạch để bán ra thị trường. Theo ông Hải, làm lúa sạch không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tuy năng suất không cao nhưng giá cả ổn định và lãi lớn về lâu dài là mang đến sức khỏe cho bản thân ông, gia đình và nhiều khách hàng.

Trong cái nắng cháy da của tháng 4, ông Hải vẫn miệt mài dùng chiếc liềm gặt từng đám lúa chín vàng trĩu hạt ven bờ, nơi chiếc máy gặt không gặt tới. Chốc chốc, ông nhìn đám lúa chín đạt năng suất cao nở nụ cười mãn nguyện. Năm nay, với kinh nghiệm hơn 10 năm trồng lúa sạch, ông Hải đã đạt được một vụ mùa bội thu khoảng hơn 6 tấn/ha (những năm trước chỉ đạt khoảng 5 tấn/ha).

Ông Hải kể, hơn 10 năm trước, khi địa phương hướng dẫn trồng lúa sạch, ông cũng lo lắng vì chưa có nhiều kinh nghiệm. Những năm đầu, gia đình ông làm năng suất không cao, nhưng kiên trì và tích lũy kinh nghiệm dần thì những năm gần đây năng suất đều tăng lên nhiều và cho thu nhập ổn định.

Ông Huỳnh Ngọc Tây (ngụ xã Phú Ngọc, H.Định Quán) cho hay: “Nuôi heo hữu cơ không phải tắm rửa và chích thuốc. Thức ăn do tôi tự ủ men theo công thức và con giống do phía công ty cung cấp. Quá trình chăn nuôi liên tục được cán bộ kỹ thuật của công ty xuống theo dõi, kiểm tra nghiêm ngặt và có hướng xử lý khi gặp sự cố”.

“Điều làm tôi vui hơn cả là bản thân không phải tiếp xúc với thuốc hóa học, không ảnh hưởng sức khỏe và cũng giúp cung cấp ra thị trường một nguồn lương thực sạch cho mọi người sử dụng” - ông Hải hồ hởi nói.

Không chỉ ông Hải mà trong những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn xã Tân Bình nói riêng và Đồng Nai nói chung đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng sang hướng sản xuất sạch để cung cấp cho thị trường. Trong khi đó, nhiều người trẻ ở Đồng Nai đã chọn cách khởi nghiệp bằng việc trồng rau sạch nhằm mang lại cho thị trường những sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ngoài thời gian đi tìm kiếm thị trường, đầu ra cho rau sạch thì anh Nguyễn Đình Trọng (ngụ xã Lộc An, H.Long Thành) tranh thủ mọi thời gian cùng thợ kiểm tra các thông số kỹ thuật về nhiệt độ, lượng nước và tình trạng sâu bệnh tại khu vực nhà vòm đang trồng rau thủy canh của mình. Nhờ đó, rau xà lách của nông trại anh Trọng luôn xanh mướt và tươi tốt.

Anh Trọng cho biết, vào khoảng tháng 6-2022, sau khi học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm từ nhiều nơi, anh bắt đầu xây dựng nông trại rau thủy canh với diện tích hơn 1 ngàn m2 tại xã Lộc An. Với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng, anh đã đầu tư mới toàn bộ hệ thống nhà kính, hệ thống tự động tưới tiêu, thiết bị chăm sóc rau tự động…

Với hệ thống trồng rau sạch rất kỹ càng, liên tục theo dõi nhật ký trồng rau hàng ngày nên hệ thống rau thủy canh sạch của nông trại anh Trọng luôn cho ra sản phẩm rau tươi tốt nhất với sản lượng thu hoạch từ 120-150kg/ngày, giá khoảng 30 ngàn đồng/kg. Tuy vậy, thời gian gần đây, đầu ra của rau không ổn định, giá cả thấp đang là vấn đề nan giải. Anh Trọng cho biết, trước đây, để đảm bảo đầu ra cho nguồn rau sạch, anh đã liên kết với một số HTX, tiểu thương hoặc các siêu thị. Thế nhưng do thị trường tiêu thụ bấp bênh nên sản phẩm của nông trại bị ứ đọng, gặp khó.

“Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng trồng thêm nhiều loại rau khác để đa dạng sản phẩm như: rau cải, cà chua, rau thơm… Hy vọng, thị trường sẽ ổn định và những người trồng rau sạch như tôi sẽ được các cơ quan chức năng hỗ trợ đầu ra để có cơ hội phát triển và mang lại nguồn thực phẩm sạch ra thị trường nhiều hơn” - anh Trọng cho biết thêm.

* Xu hướng phát triển bền vững

Trái cây sạch đang là lựa chọn của rất nhiều người, đó là lý do những người nông dân dần chuyển hướng sản xuất để phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó, có nhiều người đã mạnh dạn thay đổi hệ thống cây trồng cũng như cách thức trồng cây để vừa cho năng suất cao vừa tạo ra những sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Việc người nông dân đang dần chuyển hướng sản xuất lương thực, thực phẩm sạch góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa ra thị trường. Tuy nhiên, để tránh “vàng thau lẫn lộn” thì vẫn cần sự quản lý chặt chẽ và sự hỗ trợ từ nhiều phía, nhất là các cơ quan chức năng về nguồn vốn và đầu ra cho sản phẩm.

Từng quả dưa hấu, dưa lưới trĩu nặng, vỏ bóng bẩy trên giàn là minh chứng cho sự thành công của anh Hà Anh Thùy (ngụ P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) khi đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vào 3 năm trước. Anh Thùy kể lại, sau khi thấy chôm chôm, nhãn không còn cho thu nhập tốt, anh đã mạnh dạn đi học hỏi và tiến hành lắp đặt hệ thống trồng dưa hấu, dưa lưới cho leo giàn với năng suất cao, thu nhập tốt.

Đặc biệt hơn là tất cả hệ thống trồng dưa hơn 500m2 của anh Thùy đều hoàn toàn hữu cơ, chất lượng đảm bảo nên được người tiêu dùng ưa chuộng và dễ dàng tiêu thụ ra thị trường. Theo anh Thùy, anh đã ứng dụng công nghệ cao của Israel vào trồng dưa với hệ thống nước tưới và phân bón tự động theo thời gian được cài đặt sẵn. Nhờ đó, anh đã giảm được một phần nhân công chăm sóc, giúp tiết kiệm chi phí.

“Tôi trồng dưa cho trái leo giàn để dễ kiểm soát, phòng trị sâu bệnh. Mặt khác, việc trồng các loại dưa trong nhà màng cũng hạn chế dịch bệnh, thời tiết xấu; đảm bảo chất lượng trái tốt nhất và mang lại nguồn trái cây sạch cho người dùng. Tôi ưu tiên việc phát triển nguồn trái cây, thực phẩm sạch, giúp nền nông nghiệp phát triển bền vững theo thị hiếu người tiêu dùng” - anh Thùy cho biết thêm.

Anh Nguyễn Đình Trọng (ngụ xã Lộc An, H.Long Thành) trồng rau thủy canh cho ra sản phẩm sạch, chất lượng
Anh Nguyễn Đình Trọng (ngụ xã Lộc An, H.Long Thành) trồng rau thủy canh cho ra sản phẩm sạch, chất lượng

Trong khi đó, việc nuôi heo sạch hữu cơ vẫn đang là lựa chọn của nhiều nông dân tại H.Định Quán. Đơn cử như từ năm 2022, ông Huỳnh Ngọc Tây (ngụ xã Phú Ngọc) đã xây dựng hệ thống chuồng trại để nuôi heo hữu cơ. Theo quy trình chăn nuôi heo hữu cơ thì chuồng trại được xây dựng theo kiểu truyền thống, không làm khung sắt và phía dưới sàn được lót một lớp trấu ủ men sinh học. Còn thức ăn được chế biến từ gốc chuối, trái chuối, cám… và ủ thuốc nam, men sinh học theo công thức từ công ty cung cấp.

Theo ông Tây, sở dĩ ông chọn cách nuôi heo hữu cơ vì ngoài năng suất, lợi nhuận và giá cả ổn định thì việc nuôi heo hữu cơ góp phần cung cấp lượng thực phẩm sạch ra thị trường, đảm bảo sức khỏe cho mọi người. Đây mới chính là mục tiêu lâu dài để ông Tây và một số hộ dân trên địa bàn chọn thử nghiệm chuyển đổi từ nuôi heo công nghiệp sang nuôi heo hữu cơ.

Tố Tâm

Tin xem nhiều