Nhựa có mặt hầu hết trong các sản phẩm sinh hoạt của con người. Theo các nhà khoa học, rủi ro sức khỏe trong quy trình từ khai thác, vận chuyển nguyên liệu để sản xuất nhựa cho đến quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm nhựa, quá trình sử dụng và cả khi thải bỏ đến quá trình xử lý… đều có thể gây ra những tác động xấu đến sức khỏe con người.
Nhựa có mặt hầu hết trong các sản phẩm sinh hoạt của con người. Theo các nhà khoa học, rủi ro sức khỏe trong quy trình từ khai thác, vận chuyển nguyên liệu để sản xuất nhựa cho đến quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm nhựa, quá trình sử dụng và cả khi thải bỏ đến quá trình xử lý… đều có thể gây ra những tác động xấu đến sức khỏe con người.
Nhân viên một siêu thị ở TP.Biên Hòa hỗ trợ đóng gói hàng hóa bằng thùng các-tông cho khách hàng. Ảnh: L.Viên |
Mới đây, trên trang web của Tổ chức Sức khỏe gia đình quốc tế (FHI 360), Việt Nam đã công bố kết quả nghiên cứu về những tác động của nhựa lên sức khỏe con người, cho thấy quy trình từ khai thác nguyên liệu đến thải bỏ rác nhựa làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, bệnh phổi mãn tính, giảm khả năng sinh sản và vô sinh, dị tật sinh sản, dị tật bẩm sinh, ung thư máu, ung thư hạch bạch huyết và gây đột biến gen…
Đặc biệt, trong nghiên cứu của nhiều tổ chức bảo vệ sức khỏe và môi trường quốc tế cũng đã và đang cảnh báo về phát hiện hạt vi nhựa trong máu người thông qua quá trình sử dụng các sản phẩm nhựa kém chất lượng, tiếp xúc nhiều với sản phẩm làm từ nhựa và tiếp xúc trong thời gian dài. Đây là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sức khỏe và chất lượng nòi giống.
Trước đó, trên Tạp chí Môi trường quốc tế ngày 24-3-2022, các nhà khoa học Hà Lan đã công bố lần đầu tiên phát hiện hạt vi nhựa trong máu người. Điều đáng lo ngại là hạt vi nhựa có thể di chuyển khắp nơi trong cơ thể và có thể đậu lại ở bất cứ cơ quan nội tạng nào. Đây là công bố khoa học được cho là gây “chấn động” trong giới khoa học và những tổ chức bảo vệ sức khỏe và môi trường.
Chất thải nhựa đã qua sử dụng cần được thu gom, tái chế ra những sản phẩm hữu ích cho cộng đồng, nhằm giảm thải lượng rác phải xử lý bằng phương pháp đốt và chôn lấp, giảm ô nhiễm môi trường |
Phân tích của các nhà khoa học Hà Lan cho thấy, ước tính mỗi năm mỗi người tiêu thụ khoảng 5gram nhựa, tương đương với trọng lượng một chiếc thẻ tín dụng - thông qua đường ăn uống và hít thở. Hiện các nhà khoa tiếp tục nghiên cứu về ngưỡng tiếp nhận và có hay không quá trình đào thải của hạt vi nhựa trong máu ở cơ thể con người.
Cũng theo các nhà khoa học Hà Lan, hạt vi nhựa có trong máu người qua 2 con đường: chủ động hấp thụ hạt vi nhựa (qua thói quen sử dụng các sản phẩm từ nhựa) và thụ động hấp thụ hạt vi nhựa (qua hít thở). Nếu có sự hấp thụ lượng vi nhựa lớn và lâu dài sẽ khiến cơ thể mất cân bằng hormone, gây ảnh hưởng đến cấu trúc não, hô hấp, tiêu hóa và suy giảm hệ miễn dịch.
Cho đến thời điểm này, tuy các nhà khoa học vẫn chưa xác định được hàm lượng ngưỡng cho phép của hạt vi nhựa trong cơ thể con người, nhưng đã xác định được những ảnh hưởng cực xấu từ hạt vi nhựa đối với sức khỏe con người là điều khó tránh. Và con người chỉ có thể tránh tác động cực xấu này cho sức khỏe của mình bằng việc chuyển đổi thói quen sử dụng đồ nhựa, từ sự giảm dần đến loại bỏ hoàn toàn thói quen này.
An Nhiên