Tín ngưỡng phong tục tập quán dân gian ở Đồng Nai - Nam bộ mang tính hỗn dung, đa nguồn trong cơ cấu cũng như trong biểu hiện. Cơ sở kinh tế - xã hội của nó là nền nông nghiệp đa hệ sinh thái: biển - sông rạch - vườn ruộng - bán sơn địa với nền thương nghiệp phát triển khá sớm.
[links()]Tín ngưỡng phong tục tập quán dân gian ở Đồng Nai - Nam bộ mang tính hỗn dung, đa nguồn trong cơ cấu cũng như trong biểu hiện. Cơ sở kinh tế - xã hội của nó là nền nông nghiệp đa hệ sinh thái: biển - sông rạch - vườn ruộng - bán sơn địa với nền thương nghiệp phát triển khá sớm.
Cho nên, các chủ thể tín ngưỡng dân gian của cư dân địa phương gồm đa thành phần, trong đó tầng lớp thương nhân và thị dân cũng đóng vai trò quan trọng. Tất cả đều hướng lòng tin vào thần linh phù hợp với vị thế của tầng lớp mình rồi lại vươn đến hình ảnh chung nhất của cộng đồng. Ví dụ, về thần Đất chẳng hạn, từ một vị thần chung chung phân hóa thành nhiều vị thần khác nhau có chức năng liên quan đến đất, rồi lại tích hợp thành một bộ “ông Địa - thần Tài” hợp tính, hợp tình với cả nông dân, thương nhân và thị dân; thậm chí có sức thuyết phục cả giáo dân. Chỉ riêng việc “nằm lửa” của sản phụ cũng đã thấy các hệ tín ngưỡng Hoa - Việt - Chăm đan xen, hội nhập và cùng biểu hiện.
Đa hệ, hỗn dung nhưng không hỗn tạp, các thành tố hợp thành tín ngưỡng chẳng phải theo phép cộng đơn thuần mà là sự tích hợp có hệ thống, xét ở mặt nào thì hệ thống ấy cũng bền chặt, trọn vẹn với: Vòng đời người - cộng đồng gia đình - cộng đồng xã hội, bao quát ở các cõi: Trời - Người - Đất, trải rộng ở các vùng: sông nước - vườn ruộng - rừng núi, gồm các hệ tín ngưỡng: truyền thống - ngoại nhập - bổn địa, với hệ thần linh gồm các dạng: ông bà (tổ tiên) - nhân thần - thiên thần, có giới tính: nam - trung tính - nữ, và tên tuổi: hữu danh - ý niệm chung - vô danh, dưới hình thức: riêng lẻ - cặp đôi - bộ (gồm nhiều vị), có quan hệ tiếp biến với: Nho giáo - Phật giáo - Đạo giáo, được phân bố vị trí thờ cúng hài hòa giữa trung tâm với trái - phải, trước - sau, trong - ngoài, trên - dưới... nó bền chặt đến mức nếu có nhân tố gia nhập mới thì đó chỉ là sự hòa nhập, thêm vào chứ không phải là sự thay thế hoặc thay đổi cấu trúc. Nhưng nó không khép kín, không bảo thủ, mà chính sự đa hệ, đa dạng đã tạo ra khả năng nhạy thích ứng, dễ “làm quen” với văn hóa Đông - Tây, kim - cổ trên cơ sở giữ được cốt lõi truyền thống văn hóa Việt Nam. Từ đặc điểm này, có thể giải thích được tính quảng giao, rộng mở, nhạy bén với cái mới nhưng không xa rời cội nguồn dân tộc.
Với số nữ thần được thờ cúng đa dạng, đa hệ; tính nhân văn trong tín ngưỡng dân gian của cư dân Đồng Nai - Nam bộ bộc lộ rõ nhất. Những nữ thần của khắp ba miền đất nước gần như hội nhập đủ mặt và khuyếch đại uy lực ở Đồng Nai - Nam bộ, nó thâm nhập vào thần điện của đình, chùa; lôi kéo cả nữ thần của Phật giáo, Công giáo, thậm chí lấn át cả nam thần. |
Sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của cư dân Việt ở Đồng Nai - Nam bộ ít thần bí, sự lý giải về thần linh thường dựa vào logic hiện thực hơn là trí tưởng tượng thần thoại. Cho nên, các yếu tố phi lý bị giản lược, hủ tục không nhiều, thần linh có lý lịch và thần tích giản đơn, hợp lý, ít được cường điệu hoặc kỳ diệu hóa; từ đó gần gũi và thân thiết với cõi người hơn. Bà Ngũ Hành với ý niệm chung về sự vận hành của trời đất dần dần được thờ phụng phổ biến hơn các bà đầy huyền thoại khác. Thành hoàng bổn cảnh cũng được biểu niệm chung gắn với vai trò “bảo hộ và quản lý đất đai”. Tục “hèm” tránh sát sanh khi cúng Phi Vận tướng quân Nguyễn Phục và những điều kiêng: Kiêng cúng Quan công gà trống và hoa mồng gà, kiêng cúng võ Tánh heo quay, không cúng Tả quân Lê Văn Duyệt heo thiến... vì tế nhị chứ không phải do kiêng sợ.
Thần linh trong tín ngưỡng dân gian của cư dân Đồng Nai - Nam bộ không đối lập, cũng không cách biệt với cõi người, nhân tính nhiều hơn thiên tính, ban phúc hơn là giáng họa, hiếm thấy tà thần, dâm thần; do vậy, người Đồng Nai - Nam bộ đối với thần linh bằng lòng thành tri ân hơn là sự sợ hãi, phục tùng; thậm chí thần linh còn bị con người hành hạ, phiền trách, bỡn cợt. Hình tượng, tính cách và chức năng của ông Địa là ví dụ rõ nhất. Bởi vậy, sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng dân gian của cư dân Đồng Nai - Nam bộ không xa cách với đời sống hiện thực, tính tích cực xã hội của nó được hiện thực hóa trong sinh hoạt xã hội rất rõ nét; nó thường nối kết giữa đời sống tâm linh và hoạt động xã hội: Mụ vườn vừa trong vai trò thầy cúng thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng dân gian, vừa là thầy thuốc góp phần chăm lo việc sinh sản ở nông thôn khi hệ thống y tế cơ sở chưa hoàn chỉnh; tục lệ về hôn nhân có cốt lõi là hợp đồng trách nhiệm giữa đôi vợ chồng mới với gia đình hai bên và xã hội; việc tang nghiêng về ý nghĩa bảo hiểm cái chết, hội đình, hội miễu tham gia tích cực trong công tác xã hội của làng như tang tế, bốc thuốc, dạy học, hòa giải, từ thiện. Sự nhích gần giữa sinh hoạt tín ngưỡng dân gian với đời sống hiện thực cũng là sự nhích gần giữa trú sở của thần linh với thiết chế văn hóa cơ sở.
Phục hiện các nghi thức thỉnh Bà từ bệ đá ngự trên đỉnh núi Sam xuống miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam (tỉnh An Giang). Ảnh: TTXVN |
Tín ngưỡng, phong tục tập quán dân gian của cư dân Đồng Nai - Nam bộ thể hiện ý nghĩa nhân văn ở mức độ cao. Người Đồng Nai - Nam bộ thành kính thờ phụng thần linh nhưng không lệ thuộc vào thần linh, càng không chịu đóng khung trong khuôn mẫu có sẵn. Nghi thức cúng đình thần tuân theo điển lệ nhưng thực hiện không “cứng nhắc”, như việc sử dụng cờ, lọng, lỗ bộ chẳng hạn. Triều đình Nguyễn ban hành rất nhiều quy định nhằm khuôn mẫu hóa việc cúng tế ở đình, nhưng ít có quy định nào được chấp hành đầy đủ; mỗi đình đều có cách làm khác đi, ở miễu càng phóng túng hơn, ở gia đình thì hoàn toàn tùy tâm. Khi vương quyền Nguyễn suy yếu rồi sụp đổ, các thiết chế của phong kiến sụp đổ theo, nhưng cái đình vẫn nguyên vẹn ý nghĩa trong tín ngưỡng dân gian; đến khi thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ cai trị bằng một thiết chế khác hẳn, cái đình vẫn vững gốc mặc dù vỏ vật chất của nó bị tổn hại nặng nề.
Do hình thành muộn và bị đứt gãy bởi nhiều biến cố lịch sử, tín ngưỡng, phong tục tập quán của cư dân Đồng Nai - Nam bộ hiện tồn tại trong mâu thuẫn giữa niềm tin và tri thức. Niềm tin ở tín ngưỡng dân gian còn cội rễ trong lòng người nhưng tri thức về nó đã rơi rụng nhiều dẫn đến sai lạc, chắp vá và sự phục hồi tùy tiện, thậm chí trái với bản tính ban đầu. Đó là mảnh đất hoang để những kẻ vụ lợi gieo cấy mầm mống hủ tục, phục cổ tùy tiện. Tín ngưỡng có lòng tin mà thiếu hiểu biết rất dễ dẫn đến mê tín, dị đoan.
Tín ngưỡng dân gian ở Đồng Nai - Nam bộ không có hệ thống lý luận hoàn chỉnh về vũ trụ quan, nhân sinh quan, thế giới quan; ảnh hưởng của các tôn giáo đã bù đắp cho khoảng trống vắng đó.
Huỳnh Văn Tới