Nghề báo tạo cơ hội cho các nhà báo đến mọi vùng miền của đất nước để tác nghiệp, truyền tải thông tin cho bạn đọc. Càng vinh dự hơn khi nhiều nhà báo được đến tác nghiệp tại huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DKI - những vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhà báo Cù Thị Thuận tác nghiệp trong hải trình thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI trong tháng 5-2023. Ảnh: NVCC |
* Say mê, tâm huyết với biển đảo
Gần 30 năm gắn bó với nghề, nhà báo Cù Thị Thuận, công tác tại Báo Đồng Nai đã có đến 5 chuyến tham gia các hải trình tác nghiệp trên biển, đảo, nhà giàn. Với chị, mỗi chuyến đi đều để lại nhiều cảm xúc, những kỷ niệm đẹp khó phai.
Chị Thuận cho biết, hải trình thăm, động viên quân dân huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và Nhà giàn DKI (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) cuối tháng 5 vừa qua là chuyến đi gần nhất của chị. Tác nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn giữa biển khơi với nhiều cái “không” như: không sóng điện thoại, không wifi, song chị đã vượt qua, ghi nhận kịp thời các hoạt động của đoàn công tác để thực hiện 2 bản tin phát thanh mỗi ngày và có những bài viết sinh động, truyền tải đầy đủ thông tin về đời sống, sự hy sinh thầm lặng của quân dân huyện đảo, nhà giàn về với bạn đọc ở đất liền.
Trước đó, chị Thuận đã có hải trình 15 ngày thăm, tặng quà Tết cho bộ đội trên Nhà giàn DK1, các tàu trực vào dịp gần Tết Quý Mão 2023.
Nhà báo Lê Xuân Tiệp, công tác tại Đài PT-TH Đồng Nai đã có 2 chuyến tác nghiệp trên biển, đảo. Trong đó, chuyến đi Trường Sa và nhà giàn DKI cuối tháng 5-2023 đã để lại cho anh nhiều trải nghiệm ý nghĩa, nhất là được thăm các cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trên đảo.
“Chuyến đi để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Đó là lúc tác nghiệp tại lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ hy sinh trong sự kiện Gạc Ma cách đây 35 năm tại khu vực biển Cô Lin, Len Đao trong hải trình trên tàu KN491. Đặc biệt, tham dự lễ chào cờ tại Trường Sa mới thấy hết sự hào hùng, ý nghĩa, khí phách của quân, dân trên đảo. Còn khi tác nghiệp tại Nhà giàn DKI/15, tôi càng cảm phục sự khó khăn, gian khổ cũng như thiếu thốn của CBCS” - anh Tiệp chia sẻ.
Đại tá PHẠM QUYẾT TIẾN, Phó tư lệnh Vùng 2 Hải quân:
"Cùng tham gia các hải trình về thăm CBCS tại Trường Sa, nhà giàn, tôi rất khâm phục tinh thần tác nghiệp của các nhà báo. Nhiều nhà báo đã vượt mọi khó khăn, nguy hiểm để có những bài viết về cuộc sống, nhiệm vụ của CBCS, trong đó, có nhà báo Cù Thị Thuận của Báo Đồng Nai."
* Khâm phục người lính đảo
Năm 2011, khi vừa mới đến công tác tại Báo Đồng Nai, nhà báo Đặng Công Nghĩa được cử tác nghiệp trong hải trình thăm, động viên CBCS Nhà giàn DKI. “Hải trình di chuyển trên tàu đến nhà giàn trong thời tiết khắc nghiệt, sóng to nên hầu như các nhà báo đều bị say sóng, có những người không thể di chuyển nổi. Lúc đó, tôi càng khâm phục sự vất vả của CBCS hải quân nhân dân Việt Nam” - anh Nghĩa chia sẻ.
Theo nhà báo Công Nghĩa, tàu chở đoàn công tác của anh đến nhà giàn DK1/10 vào lúc chiều tối nhưng do sóng to chưa thể lên nhà giàn. Khi được lên nhà giàn, chứng kiến cuộc sống, nhiệm vụ cao cả của CBCS, anh rất xúc động bởi trong điều kiện sinh hoạt còn thiếu thốn nhưng các chiến sĩ vẫn kiên cường, bản lĩnh. Nhất là nhiều chiến sĩ trẻ phải xa gia đình, xa con, chấp nhận hy sinh thầm lặng để bảo vệ chủ quyền thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Trên 10 năm gắn bó với nghề, nhà báo Lê Thị Thủy, công tác Đài PT-TH Đồng Nai đã trải qua rất nhiều chuyến tác nghiệp nhưng dấu ấn đặc biệt khó quên chính là những chuyến tác nghiệp trên biển đảo, nhà giàn. Kỷ niệm khó quên nhất là thời điểm chị cùng đoàn vượt hàng trăm hải lý đến với Nhà giàn DK1 vào năm 2020 để cùng CBCS đón xuân giữa trùng khơi sóng gió.
Nhớ lại những khó khăn khi tác nghiệp, chị Lê Thủy cho biết, chiến đấu với cơn sóng dữ, bản thân chị đã bị say sóng 5 ngày, ngồi không vững. “Vất vả là vậy nhưng khi nghe thông báo có thể lên được nhà giàn thăm CBCS, tôi như bừng tỉnh và không hiểu sức mạnh từ đâu tôi có thể chạy lên boong tàu tác nghiệp hăng say” - chị Thủy chia sẻ.
Lan Mai
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin