Con Bình đứng trong đám đông khán giả, vì nhỏ tuổi và thấp bé nên được người lớn nhường cho đứng phía trước. Nó nhìn lên cái chòi thứ bảy, nơi có ba nó và anh Hai, anh Tư ngồi mà thèm thuồng. Phải chi nó lớn hơn, chắc anh Hai hay anh Tư, có khi là chính ba nó, đã nhường chỗ cho.
Con Bình đứng trong đám đông khán giả, vì nhỏ tuổi và thấp bé nên được người lớn nhường cho đứng phía trước. Nó nhìn lên cái chòi thứ bảy, nơi có ba nó và anh Hai, anh Tư ngồi mà thèm thuồng. Phải chi nó lớn hơn, chắc anh Hai hay anh Tư, có khi là chính ba nó, đã nhường chỗ cho.
Mười một cái chòi, trừ chòi Cái dành cho các vị chức sắc ở chính giữa, thì còn tới mười chòi chia hai bên thành hình chữ U. Ba mươi người ngồi trên đó, ai cũng hớn hở tươi cười. Họ vừa là người mua vé chơi bài, vừa như là khán giả hạng VIP! Sướng thật! Họ được nhận cho mỗi chòi một thẻ tre có dán ba lá bài khác nhau với những cái tên mà con Bình thấy khó nhớ ơi là khó. Bình chỉ nhớ được mấy tên như: nhứt nọc, nhì nghèo, ông ầm, thằng bí, lá liễu...
Tranh minh họa: PHẠM CÔNG HOÀNG |
Ngoài sân, năm ông bà Hiệu đã bước ra. Họ mặc trang phục xưa, áo bỏ trong quần, thắt lưng, đội khăn; đàn ông thì màu vàng, màu đỏ, đàn bà thì màu xanh nước biển. Nghe nói họ đều là những nghệ nhân bài chòi, có hàng chục năm trở lên trong nghề. Tết năm ngoái, con Bình đã đi xem hội Bài chòi lần đầu, đã “lé mắt” trước cảnh rực rỡ của lễ hội trên sân đình, tận tai nghe những nghệ nhân diễn xướng các câu thai có ý nghĩa vượt tầm hiểu biết của một đứa trẻ như Bình, chỉ biết là nghe chung với tiếng nhạc của kèn, đờn cò, tiếng sanh, tiếng trống... thì rất hấp dẫn.
***
Ba con Bình kể rằng ngày xưa vùng đất miền Trung còn chưa được khai phá nhiều, thú dữ và thú đói trong rừng thường về phá nương rẫy của dân làng. Vì vậy họ dựng những cái chòi đơn sơ cao chừng ba bốn mét rồi cho người ngồi trên đó canh chừng, hễ thấy thú xuất hiện thì gõ mõ báo hiệu để mọi người cùng ra đuổi. Trong lúc ngồi canh, ai cũng thấy buồn nên cùng nhau bày ra trò chơi đánh bài, người từ chòi này liên hệ với người chòi kia bằng những tiếng hô. Thế là cách chơi bài chòi ra đời. Lâu dần, chơi bài chòi được cải tiến những lời hô quân bài đơn giản thành lời hô dựa vào ca dao, hò vè dân dã, qua các làn điệu dân ca quen thuộc mà nâng lên thành một bộ môn nghệ thuật dân gian.
***
Mở đầu cho hội Bài chòi, ông trưởng ban tổ chức từ hàng ghế quan khách bước ra. Trong bộ áo dài màu xanh in chữ, đầu đội khăn xếp, ông chắp tay trịnh trọng nói đôi điều khai mạc:
- ... Lễ hội Bài chòi hàng năm được tổ chức ở các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình tới Bình Thuận. Chúng ta hết sức tự hào là nghệ thuật bài chòi đã được Bộ Văn hóa đưa vô danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2014. Tới năm 2017 vừa qua thì được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Kính thưa quý vị quan khách, thưa bà con cô bác.
Từ một trò chơi dân gian thành một loại hình nghệ thuật rồi phát triển thành một loại hình sân khấu ca kịch, hát bài chòi đã có một bước tiến khá dài. Hiện nay, hát bài chòi có 3 hình thức: bài chòi truyện, bài chòi chiếu và hội chơi bài chòi như chúng ta tổ chức bữa nay đây. Gọi là chơi bài nhưng chúng ta không mang tính sát phạt, mà chủ yếu là nghe các Hiệu hô thai mà ngẫm nghĩ đến những điều con người nên cư xử tốt với nhau trong đời sống. Chúng ta hãy cho một tràng vỗ tay thật lớn dành cho 5 anh chị Hiệu thân thiết sẽ đem tới cho mọi người sự sảng khoái tinh thần ngày Tết này... (Mọi người vỗ tay khá lớn).
Về thể lệ thì tôi xin không nhắc lại vì mọi người đã thuộc lòng. Xin chúc mọi người vui vẻ, ban tổ chức sẽ dâng thưởng cho chòi nào “tới” trong hội hôm nay... Chúc may mắn...
Ông trưởng ban tổ chức thưa xong thì trở lại chỗ để chiếc trống cái cầm dùi lên, cúi dầu trước hàng ghế quan khách, quay lại cúi đầu trước các chòi và khán giả, rồi ông cất tiếng:
- Hiệu đâu! Hãy chuẩn bị khai hội à nghen!
Các Hiệu đáp “Dạ” vang rần.
Ông trưởng ban bắt đầu đánh trống, tiếp đến là ban nhạc. Người đứng đầu 5 ông bà Hiệu cũng giở trống con trên tay lên đánh một hồi. Tiếp đến, ba bên cùng hòa nhịp một khúc nhạc vừa du dương vừa thúc giục và chấm dứt bằng tiếng trống cái.
Người đứng đầu các Hiệu bước tới phía để các ống thẻ dành cho nhiều cuộc chơi, kính cẩn vái, lấy một ống thẻ và nói:
- Dạ... Hiệu phát bài đã đủ, cho hiệu thủ bài ty...
Ông cầm ống thẻ đi một vòng trước các chòi, mở đầu phần việc của mình:
- Wờ wớ wơ... Các chòi lẳng lặng mà nghe đây! Tay tôi bưng ống thẻ, bộ bài ba mươi ba lá 1. (Nhạc vào) Tay tôi rút xả, trúng gã Ông Ầm - Hay đi sụt hầm, là cái anh Tử Cẳng - Một dề trăng trắng, là cái chị Bạch Huê - Ăn cận nằm kề, là cái anh Chín Gối - Ba chìm bảy nổi, là cái chị Sáu Ghe - Lập bạn lập bè, là cái anh Năm Dụm...
Lần lượt, ông Hiệu rút từng thẻ bài trong ống của ông ra giao cho chi Hiệu lớn bỏ vào ống của chị sau mỗi câu hát. Đây vừa là giới thiệu tên các lá bài, vừa là một hình thức kiểm tra. Cuối cùng, ông Hiệu nói:
- Mời bà con mau khá nhanh chân, xúm xít trật tự lại gần chòi nghe chơi. Hiệu tôi nói lên những chuyện răn đời. Thể hiện nghệ thuật qua trò chơi... đánh bài... chòi...
Ông đặt ống thẻ vào chiếc cột di dộng đặt giữa sân, nói tiếp:
- Mười một chòi đã lên đủ cả rồi. Hiệu tôi xin rút thử coi bài con gì?
Ông xóc ống thẻ rồi rút ra một thẻ. Nhìn thẻ trong một thoáng, ông bắt đầu hô:
- Tôi trồng trầu nhưng trầu ra con đom đóm. Tôi cưới con vợ tôi về cứ hàng xóm nó ngồi lê. Tôi kêu ba bốn lượt nó không về. Dụm năm dụm bảy, bê mà bỏ bê, nhà cái việc nhà. Wơ... là Năm Dụm...
Tiếng mõ vang lên ở một chòi. Anh Hiệu Út lấy thẻ bài Năm Dụm đưa cho chủ chòi. Đằng này, ông Hiệu lớn lại tới bên ống thẻ:
- Bài Năm Dụm đã ra rồi... Tôi xin rút tiếp để coi là con bài gì?...
***
Con Bình nghe những câu thai mà ba nó bảo là có sẵn hoặc các Hiệu ứng khẩu, chỉ hiểu lờ mờ. Nhưng nó thấy nhiều người lớn gật gù vẻ tâm đắc. Chắc là một lời khuyên dạy cách sống như ông Hiệu lớn đã nói. “Lớn lên thì mình sẽ hiểu thôi!” - Bình nghĩ thầm.
Con Bình chỉ đợi tới cuối câu nghe tên lá bài được xướng lên, rồi nhìn về phía cái chòi thứ bảy, nơi ba và hai anh của nó ngồi. Tới lượt hô bài lần thứ tư thì Bình nghe tiếng mõ của anh Hai. Con bé vỗ tay khe khẽ. Ông Hiệu lớn đem lá bài đến chòi thứ bảy. Vậy là họ đã trúng một lá bài rồi. Lạy trời... Còn hai lá bài nữa là “tới”!
Ông Hiệu lớn hô bài đến lá thứ năm thì chuyển cho chị Hiệu lớn. Sau đó, chị giao cho ông Hiệu nhỏ. Trong phiên ông này, chòi thứ bảy lại trúng một lá bài, Chòi Cái cũng trúng một lá. Nhưng qua chị Hiệu nhỏ thì chòi thứ bảy không gặp hên. Anh Hiệu Út bắt đầu hô. Lần thứ nhất của anh, chòi thứ nhất trúng. Lần hô thứ nhì của anh, tiếng mõ lại vang lên ở chòi thứ bảy. Lần này là một hồi dài chứ không phải chỉ một tiếng như hai lần trước.
Con Bình nhảy cẫng lên:
- Tới rồi! Tới rồi!
Bên chòi bảy, anh Hiệu Út đang kiểm tra thẻ của chòi và ba lá bài được hô. Ông Hiệu lớn kiểm tra lần nữa rồi chạy vòng quanh vừa hô:
- Chòi thứ bảy tới rồi! Chòi thứ bảy tới rồi... Hiệu tôi xin công bố, chòi thứ bảy trúng một con Cửu Chùa, một con Nhất Cờ và một con Thằng Trò.
Ba cha con nhà trúng thưởng từ trên chòi leo thang xuống đứng trước chòi của mình trong tiếng hò reo chia vui của mọi người. Ông Hiệu lớn bước tới phía đặt ống thẻ, vái rồi lấy một lá cờ, tới trước ba người chủ chòi thứ bảy:
- Dạ, vâng lệnh làng lệnh lấy khay tiền. Hiệu khẩn cấp dâng cờ đệ nhứt... (Hát theo tiếng nhạc) Dạ, xin kính chúc quan khách và gia quyến an khang thịnh vượng, phúc lộc thọ trường. Chúc gia đính vạn sự bình an...
Con Bình thấy người nhà mình được chụp ảnh thì vội chạy ra chụp ké! Ôi! Tết này vui quá là vui!
Anh Hai con Bình vốn mê hát bài chòi, tự hô một mình cho đứa em gái nghe:
- Ai làm thượng hạ bất thông. Bàng quang bể thủng sớm trông tối ngày. Là cái Thằng Bí.
Nửa đêm gà gáy le te. Muốn đi rón rén đụng nghe cái ầm. Là cái Ông Ầm.
Lưng choàng áo đỏ. Đầu đội khăn đen. Chân đi lèng quèng. Là ông chân gãy. Là thằng Tử Cẳng...
Người thì gầy nhẳng, đã ham bài chòi. Mỏi giò đứng coi, tim đập thình thịch. Là cái con Bình...
Tới đây thì rõ là anh Hai ghẹo em gái rồi. Bình cười khì. Nó không giận anh Hai. Nó nghe ba nói anh Hai có khiếu, thế nào mai kia cũng được làm Hiệu. Khi đó, Bình tha hồ mà nghe anh hô thai...
Truyện ngắn của Nguyễn Thái Hải
1. Bộ bài gồm 3 pho là pho văn, pho vạn, pho sách mỗi pho 10 lá. Thêm 3 lá là ông Ầm đen, Tử cẳng đen và Cửu điều đen (để phân biệt với 3 lá cùng tên này nhưng màu đỏ)