Xoay trục hướng ra sông Đồng Nai, khai thác lợi thế của dòng sông để phát triển là định hướng được đề xuất trong quá trình hoàn thiện không gian phát triển của đô thị Biên Hòa.
Xoay trục hướng ra sông Đồng Nai, khai thác lợi thế của dòng sông để phát triển là định hướng được đề xuất trong quá trình hoàn thiện không gian phát triển của đô thị Biên Hòa.
Cù lao Hiệp Hòa sẽ trở thành “hạt nhân xanh”, trung tâm văn hóa ven sông của đô thị Biên Hòa. Ảnh: P.Tùng |
Với định hướng trên, đơn vị tư vấn cũng đề xuất không gian phát triển mới cho đô thị Biên Hòa theo hướng xoay trục, phát triển hướng ra sông Đồng Nai.
* Đô thị hướng ra sông
Trong báo cáo giữa kỳ quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP.Biên Hòa được định hướng trở thành trung tâm hành chính tập trung phát triển dịch vụ đô thị, du lịch sinh thái ven sông, y tế và giáo dục. TP.Biên Hòa cũng là một trong 4 đô thị động lực của tỉnh với chức năng chính là trở thành khu đô thị tập trung phát triển dịch vụ, du lịch kết hợp cảnh quan xung quanh sông Đồng Nai.
Với đặc điểm chảy xuyên qua lòng đô thị Biên Hòa, sông Đồng Nai từ lâu đã được đánh giá là một “báu vật” và là trục chính để phát triển đô thị Biên Hòa trở thành một đô thị ven sông.
Kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Dũng, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho rằng, ở Việt Nam có rất nhiều thành phố có sông chảy qua, tuy nhiên, sông Đồng Nai đoạn chảy qua TP. Biên Hòa có những lợi thế mà ít dòng sông khác có được.
Để thực hiện định hướng xoay trục, hướng ra sông Đồng Nai để phát triển, đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh cũng đề xuất việc tăng cường kết nối hai bờ sông bằng các cây cầu. |
“Sông Đồng Nai đoạn qua TP.Biên Hòa rất hiếm khi xảy ra lũ và lũ cũng không lớn. Mặt sông rất rộng tạo ra cảnh quan đẹp, đây là lợi thế lớn cho phát triển đô thị. Ngoài ra, hai bên bờ sông cũng có rất nhiều di tích và các thiết chế văn hóa tâm linh” - ông Dũng đánh giá.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng khẳng định, sông Đồng Nai là lợi thế lớn của Đồng Nai trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển đô thị.
Với những giá trị đó, việc phát triển đô thị Biên Hòa theo hướng xoay trục hướng ra sông Đồng Nai là hướng đi phù hợp. Đồng thời, để khai thác hết lợi thế của sông Đồng Nai đối với quá trình phát triển của đô thị Biên Hòa, việc cân đối, tạo ra dải đô thị mật độ cao để có thể dành ra nhiều không gian công cộng ven sông cần được tính toán kỹ. Đặc biệt, trong phát triển đô thị cũng cần quy hoạch, tạo ra được không gian đô thị đối ứng hai bên bờ sông Đồng Nai.
* Để sông Đồng Nai trở thành trục phát triển mới
Sông Đồng Nai không chỉ đóng vai trò quan trọng trong tạo lập cảnh quan cho đô thị, dòng sông này còn “mang” trên mình một tài sản lớn cho quá trình phát triển đô thị Biên Hòa. Đó chính là diện tích đất mặt tiền ven sông.
Đô thị Biên Hòa được xác định phát triển hướng ra sông Đồng Nai |
Trên thực tế, tiềm năng phát triển ven sông Đồng Nai cũng đã được tỉnh nhìn nhận ra trong vài năm qua. Minh chứng là hàng loạt dự án hạ tầng giao thông, kết hợp phát triển các công viên ven sông đã và đang được triển khai thực hiện thời gian qua như dự án xây dựng đường, kè và công viên ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu), đường ven sông Cái…
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Lý Thành Phương đánh giá, việc ưu tiên phát triển trước hệ thống công viên dọc sông Đồng Nai là đúng trọng điểm. Bởi, sông Đồng Nai có vai trò rất lớn trong việc cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hàng chục triệu người dân. Do đó, phát triển sớm hệ thống công viên dọc sông có ý nghĩa rất lớn đối với bảo vệ môi trường, nguồn nước. Đó sẽ là lá phổi xanh “lọc” không khí. Quan trọng hơn, với tuyến công viên dọc sông sẽ hạn chế được nguồn nước thải, chất thải trong quá trình sinh hoạt, sản xuất được thải trực tiếp xuống sông Đồng Nai.
Song song với việc phát triển, tạo lập không gian công cộng, tiềm năng của sông Đồng Nai trong việc phát triển đô thị Biên Hòa cũng được khai thác thông qua việc hình thành các khu đô thị ven sông với mô hình đô thị sinh thái. Đây cũng được xem là “chìa khóa” để phát triển ngành dịch vụ của TP.Biên Hòa. Bởi lâu nay, ngành dịch vụ của Biên Hòa nói riêng và của tỉnh nói chung vẫn được đánh giá còn yếu, đặc biệt là các dịch vụ cao cấp. Do đó, chỉ có phát triển các đô thị ven sông mới có thể thu hút được các dịch vụ, nhất là dịch vụ cao cấp.
Một góc đô thị Biên Hòa bên sông Đồng Nai. Ảnh: Nguyễn Ngọc Cường |
Đặc biệt, trong định hướng xoay trục, hướng ra sông Đồng Nai để phát triển đô thị Biên Hòa, không thể bỏ qua tiềm năng to lớn của cù lao Hiệp Hòa.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất, Phó chủ tịch Hội đồng Kiến trúc thuộc Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, cù lao Hiệp Hòa là của “gia bảo” của Đồng Nai nói chung và TP.Biên Hòa nói riêng với một quá khứ huy hoàng và một mảng xanh tương đối lớn. “Đó là của gia bảo, một cù lao rộng lớn giữa sông không phải nơi nào cũng có” - kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất nhấn mạnh.
Xuất phát từ những giá trị trên, trong định hướng phát triển đô thị Biên Hòa, cù lao Hiệp Hòa cũng được đề xuất xây dựng trở thành “hạt nhân xanh”, trung tâm văn hóa ven sông của TP.Biên Hòa nói riêng và của tỉnh Đồng Nai nói chung.
Phạm Tùng