Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện cọp ở Nhơn Trạch

08:07, 01/07/2023

Nhìn đô thị Nhơn Trạch công nghiệp hiện đại ngày nay, mấy ai có thể hình dung nổi chỉ cách đây mấy chục năm, vùng đất này vẫn còn rừng rậm bạt ngàn với đầy rẫy muông thú, trong đó có cả loài thú hung dữ như cọp.

Nhìn đô thị Nhơn Trạch công nghiệp hiện đại ngày nay, mấy ai có thể hình dung nổi chỉ cách đây mấy chục năm, vùng đất này vẫn còn rừng rậm bạt ngàn với đầy rẫy muông thú, trong đó có cả loài thú hung dữ như cọp.

Miếu Đôi thờ Bạch Hổ ở xã Phú Thạnh (H.Nhơn Trạch). Ảnh: H.LAM
Miếu Đôi thờ Bạch Hổ ở xã Phú Thạnh (H.Nhơn Trạch). Ảnh: H.LAM

Đến tận ngày nay, lớp con cháu ở Nhơn Trạch vẫn truyền tụng những giai thoại về các bậc tiền nhân khai hoang vùng đất mới đấu tranh với môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, như chuyện ông Nguyễn Văn Sắc ở Phú Hội đánh nhau với cọp, chuyện cọp 3 móng ở khu vực Bà Ký, chuyện nhà sư cảm hóa cọp ở Vũng Gấm... Đó là chuyện của thuở xa xưa, nhưng đến tận những năm giữa thế kỷ XX, chuyện đánh cọp ở Nhơn Trạch vẫn còn ly kỳ, hấp dẫn.

* Ông “tàu cau” ở Vĩnh Thanh

Xã Vĩnh Thanh đến giữa thế kỷ XX với tên gọi là Phước Lý vẫn còn nhiều rừng rậm, cả xã gồm 2 ấp Ông Kèo và Xoài Minh chỉ có chưa đến 30 nóc nhà. Phần lớn dân trong xã là người miền Tây trôi dạt lên sinh sống, ngoài ra có 3 hộ: Trần Văn Minh, Nguyễn Văn Lạc và Nguyễn Văn Lãnh đều là người miền Bắc, vì gia cảnh nghèo khó nên theo dòng người mộ phu vào làm công nhân ở đồn điền cao su tại Long Thành vào năm 1917, sau đó sớm nhận ra bản chất bóc lột của chủ sở cao su nên các ông nghỉ việc, cưới vợ là người Xoài Minh (nay là ấp Thanh Minh) và ở lại đây lập nghiệp vào năm 1920.

Vĩnh Thanh vốn có địa thế “rừng giồng nối liền rừng Sác” với sinh cảnh đa dạng, hệ động thực vật phong phú. Ông Hồ Văn Nguyên, 94 tuổi, là dân cố cựu ở Vĩnh Thanh, cho biết khoảng đầu và giữa thế kỷ XX, khu vực này vẫn có khá nhiều cọp, chúng sống trên rừng, ít khi về khu dân cư có người ở, nhưng thỉnh thoảng cọp bị đói vẫn mò ra bắt gia súc.

Con cọp ông Mười Huỳnh bắn hạ là cọp “tàu cau” (giống cọp có thân mình thon dài, vì vậy chúng chuyển động dẻo dai và linh hoạt hơn những giống cọp khác) trưởng thành, dài khoảng hơn 2m, bộ lông vàng vằn vện hầu như không bị hư hại nên nhìn rất oai vệ. Không riêng gì dân trong làng mà cả bọn lính trong đồn cũng kéo nhau đến nhà ông Mười Huỳnh xem bộ da cọp và tấm tắc khen ông dũng cảm, thiện xạ. Có người từ nơi xa đến ngỏ ý mua lại bộ da cọp nhưng ông Mười Huỳnh không bán, giữ làm kỷ niệm. Mãi đến khi quân Pháp tái chiếm vùng Nhơn Trạch, máy bay của chúng bỏ bom khu vực Vĩnh Thanh, nhiều ngôi nhà bị đốt cháy trong đó có nhà ông Mười Huỳnh, bộ da cọp cũng bị cháy theo, không còn vết tích.

Khoảng năm 1942, có lần cọp mò vào nhà ông Trần Văn Minh. Lúc đó nhà chỉ có mỗi mình ông Minh, lại may mắn là lúc cọp vào nhà chỉ nhìn thấy con chó đang bị cột ở trong sân nên nhào tới vồ. Nghe tiếng chó sủa dữ dội, ông Minh bước ra và nhìn thấy cảnh tượng cọp đang vồ con chó, chỉ một bước nhảy và một cái cú tát, cọp đã quật con chó văng sang một bên. Ông Minh vốn là người dân tộc Nùng, rất giỏi võ, trong đầu ông cũng thoáng nghĩ phải cứu con chó thân thiết của gia đình nhưng lúc ấy trong tay ông không một tấc sắt, hơn nữa ông nhận định bị cú tát trời giáng ấy con chó chắc không còn cứu được. Thừa lúc cọp còn đang chụp con chó, ông Minh nhanh nhẹn thoát được ra ngoài, lừa thế đóng cổng rào khiến cọp không ra được rồi ông chạy đến nhà ông Mười Huỳnh ở gần đấy.

Thời đó ông Mười Huỳnh được xem là người có uy tín trong làng. Do quân Pháp lấy đất nhà ông xây đồn (người dân Vĩnh Thanh thường gọi đồn Xoài Minh là đồn Mười Huỳnh) nên ông có giao thiệp với lính Pháp, vì thế ông là người duy nhất trong làng có súng. Nghe ông Minh báo tin cọp vào nhà, ông Mười Huỳnh lập tức xách súng chạy đến nhà ông Minh. Trong thực tế hàng rào nhà ông Minh không cao, với sức vóc của con cọp này nó thừa sức phóng qua hàng rào, nhưng có lẽ tập tính của cọp là khi săn được con mồi thường tha đi chớ không ăn tại chỗ nên lúc mọi người quay trở lại nhà ông Minh thì con cọp sau khi vồ chết con chó vẫn còn “lùng tung lúng túng” tìm đường thoát ra ngoài. Qua khe hở của hàng rào, ông Mười Huỳnh đưa súng nhắm vào vị “chúa sơn lâm” đang bị mắc kẹt và chỉ một phát đạn duy nhất, ông bắn chết con cọp, sau đó lột da rồi đem về treo trong nhà.

* “Võ Tòng” của Phú Thạnh

Một “Võ Tòng” thời hiện đại khác mà đến nay vẫn còn nhiều người nhớ đến là ông Nguyễn Văn Đọt, còn gọi là Ba Đọt, một người có cuộc đời khá ly kỳ, hấp dẫn. Ông Đọt là là công nhân Sở Cao su Thành Tuy Hạ (nay thuộc địa bàn xã Phú Thạnh), sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Năm 1945 khi phong trào Thanh niên tiền phong ra đời và nở rộ khắp miền Nam, thì ở Phước Lý (nay thuộc địa bàn xã Đại Phước) lực lượng Thanh niên tiền phong cũng được thành lập dưới sự vận động của Ba Đọt, thu hút hầu hết thanh niên trong xã tham gia. Dần dần, đội phát triển lên đến hàng trăm người trong đó chủ yếu là công nhân Sở Cao su Thành Tuy Hạ, đổi tên gọi là Ban Đồng Nai do “thủ lĩnh” Ba Đọt chỉ huy, hoạt động trên địa bàn các xã Phú Thạnh, Đại Phước, Long Tân, Phú Hữu, Phước Lý.

Đến nay rừng giồng, rừng Sác Nhơn Trạch vẫn còn đó nhưng những vị “chúa sơn lâm” đã vắng bóng từ lâu. Những “Võ Tòng” năm xưa cùng các chứng nhân cũng không còn, nhưng chuyện về một thời hào hùng vừa chiến đấu chống thiên nhiên vừa đánh giặc ngoại xâm vẫn còn lưu truyền mãi trong tâm khảm người Nhơn Trạch.

Khoảng thời gian trước khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra là giai đoạn khá “nhạy cảm”, bởi tuy phát xít Nhật do thua trận nên co vòi, không dám hoành hành như trước nhưng quân Pháp vẫn còn rụt rè, chưa dám bộc lộ sự hung hăng. Chớp thời cơ, ở Phú Thạnh Ban Đồng Nai do thủ lĩnh Ba Đọt chỉ huy đã tổ chức hoặc cướp vũ khí của bọn lính Nhật đi lẻ, hoặc mua, đổi lương thực lấy vũ khí với bọn lính Pháp. Nhờ vậy, Ban Đồng Nai đã tự trang bị đến 7 khẩu súng, trong đó thủ lĩnh Ba Đọt giữ 1 khẩu súng ngắn luôn mang theo bên người.

Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, thủ lĩnh Ba Đọt cùng Ban Đồng Nai tham gia cướp chính quyền tại Phước Lý, sau đó tổ chức cho người dân tham gia biểu tình cướp chính quyền tại Giồng Ông Đông (nay thuộc xã Phú Đông) và quận lỵ Long Thành. Thực dân Pháp tái chiếm Long Thành - Nhơn Trạch, Ban Đồng Nai cũng tham gia kháng chiến chống Pháp nhưng lại nhận nhiệm vụ trực tiếp từ Ủy ban Kháng chiến Nam bộ ở Sài Gòn, biệt lập với Quận ủy, Ủy ban Hành chánh kháng chiến quận Long Thành. Để tăng cường sức mạnh quân sự, thống nhất các lực lượng vũ trang, Quận ủy Long Thành vận động Ba Đọt hợp nhất với lực lượng Cộng hòa vệ binh của quận. Sau đó toàn bộ lực lượng vũ trang của Ban Đồng Nai đã sáp nhập về quận Long Thành, địa bàn hoạt động chủ yếu vẫn là khu vực Thành Tuy Hạ.

Vùng Phú Thạnh từ xa xưa là khu rừng giồng bạt ngàn. Thời mở cõi, địa phương này cũng nổi tiếng có nhiều cọp, vì thế lưu dân khẩn hoang một mặt chiến đấu với cọp để sinh tồn, một mặt lập ngôi miếu thờ cọp, tôn xưng là Thần để mong được yên ổn làm ăn. Tương truyền ở Phú Thạnh xưa vào ngày mùng 3 hàng tháng thường xuất hiện một con cọp trắng lớn, nên dân làng lập miếu thờ cọp ở ấp 3, gọi là miếu Bạch Hổ, dân gian thường gọi là miếu Đôi vì có 2 gian miếu nằm song song. Tập quán của người dân Phú Thạnh là làm nhà có hàng hiên cho mát đồng thời làm nơi sinh hoạt, nhưng hàng hiên vùng này phải đóng vài gióng ngang để ngăn cọp vào nhà.

Khoảng cuối năm 1945, có lần cọp mò vào nhà ông Võ Văn Nhu. Cũng may mắn là vừa vào nhà, cọp chỉ lo vồ con chó nên ông Nhu có cơ hội chạy ra ngoài cầu cứu, và may mắn nữa là gặp lúc thủ lĩnh Ba Đọt vừa về. Ngay lập tức, Ba Đọt cùng vài anh em đội viên xách súng chạy đến nhà ông Nhu. Con chó nhà ông Nhu là giống chó săn, rất lanh lẹ, vẫn còn đang chống cự lại với con cọp dù đã bị thương. Thủ lĩnh Ba Đọt giơ khẩu súng lục nhắm ngay con cọp nã đạn, mấy anh em đội viên có súng cũng nhắm bắn theo. Nhiều người cùng bắn một lúc, con cọp trúng đạn, giãy giụa rồi chết tại chỗ, nhưng do vết đạn trổ quá nhiều nên bộ da cọp không còn nguyên vẹn, không giữ lại được. Thủ lĩnh Ba Đọt chỉ giữ lại chiếc nanh cọp làm kỷ niệm. Ông Nhu một phen hú vía, chú chó dũng cảm dù bị thương nặng nhưng may mắn vẫn còn sống...

Hà Lam

Tin xem nhiều