Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghe dòng Trị An hùng vĩ kể chuyện núi rừng

04:07, 15/07/2023

Trị An là địa danh nổi tiếng đã đi vào thơ, vào nhạc, chất chứa nguồn cảm hứng bất tận đối với những ai đến với vùng đất này. Trị An mê hoặc, quyến rũ lòng người vì mang trong mình những câu chuyện kể mang màu sắc lung linh, huyền ảo của thời mở cõi, cùng cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, hùng vĩ bậc nhất ở xứ phương Nam…

Trị An là địa danh nổi tiếng đã đi vào thơ, vào nhạc, chất chứa nguồn cảm hứng bất tận đối với những ai đến với vùng đất này. Trị An mê hoặc, quyến rũ lòng người vì mang trong mình những câu chuyện kể mang màu sắc lung linh, huyền ảo của thời mở cõi, cùng cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, hùng vĩ bậc nhất ở xứ phương Nam…

Thác Trị An mùa mưa cách đây hàng trăm năm. Ảnh: delcampe.net
Thác Trị An mùa mưa cách đây hàng trăm năm. Ảnh: delcampe.net

Trị An thuộc H.Vĩnh Cửu. Nếu như ngày nay, thác Trị An chỉ là một bãi đá nhấp nhô, khô cằn như một khu khai thác đá bỏ hoang và chỉ có nước vào khoảng vài tháng mùa mưa lũ, khi nhà máy thủy điện Trị An xả đập tràn, thì cách đây hơn 1 thế kỷ, đây là con thác hùng vĩ bậc nhất ở phương Nam.

* Thắng cảnh tự nhiên hùng vĩ

Theo các nhà nghiên cứu, trong lòng hồ chứa nước Thủy điện Trị An có Di chỉ khảo cổ Cây Gáo 1, 2 (dạng kiến trúc đền thờ vào khoảng thế kỷ thứ III sau Công nguyên).

Vốn là thác cuối cùng trong dòng chảy của sông Đồng Nai trước khi chảy vào vùng bình nguyên phương Nam, thác Trị An dài chừng 12km, rộng khoảng 300m nổi danh vì có cảnh thác hùng vĩ, nước chảy cuồn cuộn, tràn đầy sức sống mãnh liệt của núi rừng.

Một số hình ảnh những năm đầu thế kỷ XX cho thấy, vào mùa mưa, thác Trị An như dòng cuồng lưu, sức chảy của dòng nước mạnh mẽ khi bị cản trở bởi những ghềnh đá to lớn nên tung bọt trắng xóa, tạo thành những luồng xoáy dữ như những lòng chảo lớn. Còn hình ảnh thác Trị An mùa khô trở nên hiền hòa hơn, thác nước trơ ra nhiều mảng đá lớn nhỏ xen lẫn cây cỏ mọc lên và người ta có thể di chuyển giữa những tảng đá.

Trong cuốn Biên Hòa Sử Lược, nhà sử học LƯƠNG VĂN LỰU mô tả thác Trị An: “Mùa mưa, mặt nước cao đổ mạnh. Đứng từ trên bực, khách nhìn bao quát cảnh hùng vĩ, với sông sâu, lởm chởm đây đó đá gồ ghề nằm vắt ngang, chắn cả lòng sông, làm thành nhiều bậc khác nhau, để cho nước từ thượng nguồn trút qua tuôn tràn xuống, nhào lộn, múa men, sùi bọt, xoáy dòng. Theo đà chảy, nước gặp những chướng ngại vật nên dội lại văng tung tóe lên cao. Nước trải bông gòn trên đỉnh thác, đun khói lòng sông. Nước giải bụi mù trong lòng đá. Bông, khói, bụi bốc lên màu trắng xóa...”.

Trong cuốn Hình ảnh tỉnh Biên Hòa xưa có ghi: “Nhắm mắt lại, bạn hãy thử hình dung một con sông rộng ba trăm mét có dòng chảy xiết giữa đôi vách đá xám phủ thực bì rậm rạp cao từ ba chục tới năm mươi mét. Bạn hãy thử tưởng tượng một chàng khổng lồ có thể lẳng những tảng đá hàng chục tấn lấy từ trên cao, đùa giỡn ném xuống dòng sông”.

Những năm đầu thế kỷ XX, người ta đã khai thác du dịch ở thác Trị An khi có tuyến du lịch từ Biên Hòa đi vào thác. Theo các tài liệu ghi lại, vào thời ấy, hành trình đến Trị An khá vất vả. Khi ra khỏi Biên Hòa, đi theo con đường hướng về cao nguyên Bình Thạnh. Đến làng Bình Ý sẽ có con đường dẫn đến chợ Bến Cá, tiếp tục hướng về làng Bình Thạnh, men theo con đường phía Tây nối thẳng với dòng sông Đồng Nai, xuyên qua đồng bằng phì nhiêu với những cánh đồng thuốc lá, đồn điền trồng mía và bắp. Sau đó, khi đi lên một đồi dốc sẽ đến một thung lũng kẹp giữa hai bờ dốc đứng là nơi mà Rạch Đông đổ ra sông Đồng Nai. Băng cầu qua sông, đến núi Tân Định, rồi dọc theo nhiều đồn điền cao su, qua nhiều cây cầu gỗ nhỏ vào làng Đại An để tiến vào khu rừng rộng lớn. Con đường quanh co liên tiếp đến chặng sau cùng là cây số 28 là cao nguyên nhỏ có căn nhà gỗ mái hiên rộng của khu vực thác Trị An.

Như vậy có thể thấy rằng, cách đây chừng 1 thế kỷ, ở khu vực này đã khai thác thu lịch thô sơ, có nhà gỗ với vài căn phòng nghỉ, cùng nhà ăn có sẵn chén dĩa và có người bán nước uống giải khát. Khu vực tự nhiên này vốn hoang sơ, nhưng trong hình ảnh cách đây trăm năm cũng thể hiện trong khuôn viên này, những bậc thềm với hành lang bảo vệ an toàn được xây liên tiếp dẫn lên khu vực có thể ngắm bao quát cảnh thác nước, có những nhà chòi, trạm dừng chân tại thác phục vụ du lịch…

Do hành trình từ Sài Gòn, Biên Hòa vào thác Trị An phải kéo dài nhiều ngày nên người đi vào thác phải mang theo lương thực tự túc.

* Những câu chuyện kể mang màu sắc huyền thoại

Thác Trị An gắn liền với nhiều chuyện tích dân gian rất thú vị như: chàng dũng sĩ diệt thú dữ cứu dân làng, gắn với người mở đất ở vùng lam sơn chướng khí; chuyện tình của đôi trai gái khác tộc, lý giải nguồn gốc địa danh với những cản trở về luật tục.

Trị An là con thác cuối cùng trong dòng chảy của sông Đồng Nai trước khi chảy vào vùng bình nguyên miệt hạ. Đây cũng là dòng thác có vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ.

Người Mạ - dân tộc bản địa - giải thích về nguồn gốc thác Trị An thông qua câu chuyện tình của chàng Sora Đina và nàng Điểu Du, đều là con của 2 vị tộc trưởng của 2 bộ tộc. Cả hai yêu nhau, Sora Đina qua ở rể. Tên phản loạn Sang Mô mưu giết cả gia đình Sora Đina - Điểu Du. Người em gái của Sang Mô là Sang My vì yêu quý đôi vợ chồng tộc trưởng nên hy sinh mình để cứu con của 2 người. Trước giờ phút sắp bị hành hình ở dòng thác, Sang Mô được tộc trưởng tha vì tri ân Sang My. Sang Mô ôm xác em gái Sang My xuống xuồng, nước mắt rơi lã chã. Từ ấy, người trong vùng gọi thác ấy là thác Tri Ân, sau này đọc trại lại là Trị An.

Cũng có truyện khác xoay quanh về tình yêu và luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số giải thích về nguồn gốc địa danh thác Trị An. Tình yêu giữa một chàng trai nghèo dũng mãnh nhưng khác tộc và cô gái con của tộc trưởng bị cản trở. Hai người chạy trốn ra bờ sông và đều không qua khỏi vì bị hàng trăm tên độc bắn trúng. Xác nàng đổ ập vào xác chàng. Tiếng nước vỗ vào các tảng đá òa lên như tiếng khóc cho mối tình bi thảm. Sau cái chết bi thảm ấy, nước trên nguồn đổ về dữ dội, tung bọt trắng xóa mà dân làng gọi là thác Tương tư.

Khi người Việt ở các tỉnh miền Trung vào xứ Trấn Biên mở cõi, khai phá vùng đất mới, họ cũng sáng tác Sự tích thác Vọng Phu (thác Trị An) với motif Vọng phu vốn quen thuộc, phổ biến trong các truyện về sự tích ở các tỉnh miền Trung. Câu chuyện kể về người phụ nữ than khóc ly biệt, tóc chảy thành suối, tiếng khóc vang vọng thành tiếng thác…

Lâm Viên - Nhật Hạ

Tin xem nhiều