Báo Đồng Nai điện tử
En

10 năm học tiếng Anh trong trường: Sao nhiều học sinh chưa tự tin giao tiếp?

04:07, 15/07/2023

Trong chương trình giáo dục hiện nay, học sinh lớp 3 bắt đầu học môn tiếng Anh và học liên tục đến hết lớp 12. Song, một thực tế đáng buồn là đại đa số học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đều không thể sử dụng vốn tiếng Anh đã học 10 năm để giao tiếp lưu loát.

Trong chương trình giáo dục hiện nay, học sinh lớp 3 bắt đầu học môn tiếng Anh và học liên tục đến hết lớp 12. Song, một thực tế đáng buồn là đại đa số học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đều không thể sử dụng vốn tiếng Anh đã học 10 năm để giao tiếp lưu loát.

Học sinh Trường tiểu học Phước Tân (P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) trong một buổi tương tác tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Ảnh: CTV
Học sinh Trường tiểu học Phước Tân (P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) trong một buổi tương tác tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Ảnh: CTV

Nhiều ý kiến cho rằng, chương trình học tiếng Anh trong các trường học hiện nay còn nhiều bất cập, nặng lý thuyết, nhẹ thực hành.

* Bất cập trong dạy và học tiếng Anh

Có 2 con đang học lớp 7 và lớp 10 tại TP.Biên Hòa, ông Đặng Thái Nguyên (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, chương trình dạy tiếng Anh trong nhà trường còn một số bất cập. Mỗi bài học trong chương trình tiếng Anh bậc THPT được chia thành 5 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết và ngữ pháp - ngữ âm, nhưng khi học sinh thi tốt nghiệp THPT lại chỉ kiểm tra kỹ năng ngữ pháp và đọc hiểu. Do vậy, cả giáo viên và học sinh đều lướt qua các kỹ năng còn lại.

Theo ông Nguyên, chương trình tiếng Anh hiện quá ôm đồm, nặng phần ngữ pháp, nhẹ phần giao tiếp. Việc học ngoại ngữ, suy cho cùng là để có thể giao tiếp, nên cần cân bằng các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, chứ không chỉ thiên về ngữ pháp.

Một học sinh lớp 12, Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa) cho rằng, cách dạy và học tiếng Anh trong trường rất đơn điệu, chủ yếu tập trung giảng phần ngữ pháp mà thiếu sự giao tiếp, trao đổi hay xem, nghe những video bằng tiếng Anh để học sinh có thể quen với việc nghe - nói tiếng Anh. Mong nhà trường thay đổi cách dạy sáng tạo hơn, giáo viên tạo ra môi trường giao tiếp cho học sinh, bắt đầu từ những giao tiếp căn bản, sau đó nâng dần lên là thuyết trình, tranh luận bằng tiếng Anh về những chủ đề gần gũi, sinh động. Có thế học sinh mới có thể hình thành phản xạ giao tiếp ngay từ khi còn đi học và tự tin hơn khi nói chuyện với người nước ngoài.

* Để học sinh tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh

Trao đổi về thực trạng này, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết, hiện tỷ lệ học sinh đạt bậc 2 (mức độ giao tiếp căn bản) về kỹ năng nghe, nói tiếng Anh (theo khung năng lực ngoại ngữ bậc 6) cho người Việt Nam và người nước ngoài còn rất thấp. Cho nên, trong thời gian tới, các trường cần tập trung thêm 2 kỹ năng nghe, nói cho học sinh, nhất là học giao tiếp với người bản ngữ.

Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai từ năm học 2022-2023. Đề án này là hành lang pháp lý để các trường chủ động tăng cường, nâng chất dạy và học tiếng Anh trong trường, bảo đảm học sinh thực hành đủ các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết và ngữ pháp - ngữ âm.

“Hiện nay không khó để tìm được những kênh học trực tiếp hay học gián tiếp với người bản ngữ. Nếu học sinh nỗ lực tự học sẽ có kỹ năng giao tiếp tiếng Anh tốt hơn” - ông Võ Ngọc Thạch cho biết.

Theo một số giáo viên dạy tiếng Anh ở các trường THPT tại TP.Biên Hòa, để học sinh trong trường phổ thông học tiếng Anh và có thể giao tiếp được còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nội dung chương trình, thời gian đầu tư cho tiết học, trang thiết bị hỗ trợ, năng lực của giáo viên và sự tiếp thu của học sinh. Một lớp có đến 40-50  học sinh, giáo viên ngoại ngữ gần như không thể tạo ra môi trường tương tác hiệu quả cho mọi thành viên, chưa kể phần lớn học sinh còn thụ động do quen cách học đọc - chép.

Chị B.T.C.T., giáo viên dạy tiếng Anh tại một trường THPT ở TP.Biên Hòa cho biết, để học sinh giao tiếp được thì cần tập luyện các kỹ năng nghe - nói trôi chảy, trong khi các kỳ thi chỉ cần các em đọc - hiểu và ngữ pháp, không yêu cầu kỹ năng nghe - nói. Do đó, để học sinh có kết quả thi tốt, hầu hết giáo viên sẽ chú trọng dạy phần ngữ pháp nhiều hơn.

 “Tôi cho rằng, để việc dạy và học tiếng Anh hiệu quả trong trường phổ thông,  Bộ GD-ĐT cần thay đổi cách thức đánh giá, kiểm tra đủ các kỹ năng” -  chị B.T.C.T. đề xuất.

Phương Liễu

Tin xem nhiều