Chỉ từ những va chạm nhỏ, bất đồng trong cuộc sống, công việc hoặc ghen tuông tình ái… mà một số người trẻ đã có những cách hành xử côn đồ, tước đi sức khỏe, mạng sống, phá hoại hạnh phúc và tài sản của người khác.
Chỉ từ những va chạm nhỏ, bất đồng trong cuộc sống, công việc hoặc ghen tuông tình ái… mà một số người trẻ đã có những cách hành xử côn đồ, tước đi sức khỏe, mạng sống, phá hoại hạnh phúc và tài sản của người khác.
Các bị cáo (đứng ở bục khai, có trẻ vị thành niên) trong một vụ án dự phiên tòa tại TAND tỉnh. Ảnh: Tố Tâm |
* Khi côn đồ lộng hành
Vụ án mạng làm 3 người thương vong xảy ra tại H.Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa ngày 23-6 khiến dư luận bàng hoàng. Cụ thể, vào sáng 23-6, Bùi Văn Phú Hiệp (35 tuổi, ngụ tại TT.Định Quán, H.Định Quán), từng làm tài xế cho 2 nhà xe Đ.H. (xã Hiếu Liêm, H.Vĩnh Cửu) và nhà xe T.T. (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) đã dùng dao sát hại 3 người thân của chủ nhà xe khiến 2 người tử vong và 1 người bị thương nặng. Sau đó, Hiệp đã tự tử nhưng bất thành.
Đọc thông tin này trên Báo Đồng Nai, bạn đọc (BĐ) Nguyễn Đoan Trang (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) thấy choáng váng trước hành vi côn đồ, bất chấp pháp luật của hung thủ. “Việc gì cũng có thể ngồi lại thương lượng, giải quyết được, huống chi chỉ vì bị chủ nhà xe đuổi việc mà hung thủ ra tay quá tàn bạo với gia đình các chủ xe. Đây là hành vi đáng lên án, cần phải xử lý nghiêm” - BĐ Nguyễn Đoan Trang đề xuất.
Từ những vụ án mạng xảy ra, Bộ Công an nhận diện nguyên nhân của nhiều vụ có tính chất côn đồ, nguy hiểm chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình, những va chạm trong cuộc sống, ghen tuông tình ái, tranh chấp tài sản, quẫn bách về kinh tế hoặc hung hăng bộc phát khi lạm dụng rượu bia, ma túy… |
Thực tế, trong cuộc sống hàng ngày không tránh khỏi những mâu thuẫn, va chạm. Tuy nhiên, cách hành xử không khéo léo hoặc thiếu kiềm chế, muốn thể hiện cái tôi của một số người trẻ đã gây ra những vụ án, những cuộc ẩu đả, làm cho môi trường sống mất an toàn. Đáng chú ý, thời gian gần đây xuất hiện nhiều vụ việc vi phạm pháp luật có tính chất nghiêm trọng, chỉ vì ghen tuông, mâu thuẫn tình ái mà các đối tượng đã ra tay phóng hỏa giết hại nhiều người, thậm chí cả những người không có liên quan.
Chẳng hạn như xuất phát từ mâu thuẫn do ghen tuông nên sáng 3-6, Nguyễn Trí Hiếu (46 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) đã dùng xăng đổ vào phòng trọ số 3 tại khu nhà trọ thuộc ấp 2, xã Phước Bình châm lửa đốt. Vụ cháy làm 6 người trong phòng trọ này và Hiếu bị bỏng nặng. Hậu quả làm 3 người tử vong (trong đó có Hiếu) và 4 người khác bị bỏng nặng. Trước đó, vào rạng sáng 23-4, Bạch Ngọc Minh (33 tuổi, ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) định ra tay đốt phòng trọ của người yêu nhưng đã phóng hỏa đốt nhầm phòng trọ của gia đình ông Nguyễn Văn Ánh (quê Thái Bình, ở trọ tại P.Tân Hòa, TP. Biên Hòa) khiến vợ và con trai ông tử vong.
Nhiều BĐ cho rằng, thực trạng này là hệ lụy của sự suy thoái đạo đức của giới trẻ, ưa chuộng lối sống, cách hành xử theo xu hướng bạo lực, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ rất nguy hiểm, làm cho môi trường sống không còn an toàn.
* Để người trẻ bớt hung hãn, côn đồ
Chia sẻ về tình trạng người trẻ hành xử bất chấp, coi thường pháp luật, BĐ Trần Huy Tường (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho rằng, tình trạng thanh, thiếu niên có lối sống tha hóa, không tự chủ được bản thân, dễ bị kích động, không biết hóa giải mâu thuẫn theo hướng lành mạnh mà chỉ thích sử dụng bạo lực để thể hiện cái tôi của mình… là hệ lụy của sự buông lỏng dạy dỗ, quản lý từ gia đình, nhà trường.
Ông Tường chia sẻ, một thực tế hiện nay, nhiều cha mẹ chỉ mải làm ăn mà thiếu quan tâm đến con. Còn trong nhà trường mới tập trung dạy chữ chứ chưa chú trọng dạy trẻ kỹ năng ứng xử, cách giải quyết vấn đề khi xảy ra mâu thuẫn, cách phòng ngừa cạm bẫy tiêu cực, tệ nạn xã hội...
Về vấn đề này, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho rằng, thực tế hiện nay, bên cạnh những người trẻ giỏi giang, có chí hướng, hoài bão và có nhiều đóng góp giá trị cho xã hội thì vẫn còn một bộ phận người trẻ có biểu hiện xuống cấp về đạo đức, tư tưởng lệch lạc, lối sống ích kỷ, thực dụng, có xu hướng thích dùng bạo lực.
Theo ông Thạch, trong hệ thống giáo dục hiện nay, tại trường các em cũng được học, được tham gia những buổi nói chuyện chuyên đề về giao tiếp, ứng xử, về phòng chống bạo lực học đường, về kỹ năng giải quyết vấn đề... Giữa ngành Giáo dục và các ngành liên quan cũng có sự phối hợp trong việc trang bị cho các em những kiến thức cần thiết trong cuộc sống, kiến thức pháp luật…
Tuy nhiên, trước khi “thấm” được những bài học ở trường thì trong thực tế các em thường xuyên “va chạm” với quá nhiều tiêu cực từ lối hành xử của người lớn, tính chất bạo lực từ game, phim ảnh, mạng xã hội nên dễ có hành vi lệch chuẩn. Để các em trở thành những thanh, thiếu niên có đạo đức, có lối sống lành mạnh, ngành Giáo dục đã và đang rất nỗ lực, tiếp tục tăng cường công tác giáo dục kỹ năng sống trong các buổi học ngoại khóa, lồng ghép trong các tiết học trên lớp. Song song đó rất cần đến môi trường lành mạnh từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Và việc này, cần có sự phối hợp của phụ huynh và các cơ quan chức năng liên quan.
Luật sư NGÔ VĂN ĐỊNH, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh): Tăng cường tuyên truyền pháp luật cho học sinh, sinh viên
Để ngăn chặn những phát sinh tiêu cực ở giới trẻ hiện nay, từ phía gia đình, nhà trường cần phải trang bị cho người trẻ kỹ năng ứng xử, cách giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng. Đồng thời, lực lượng chức năng phải thường xuyên kiểm tra, kiểm soát để hỗ trợ giải quyết, ngăn chặn các hành vi tội phạm ngay từ khi mới nhen nhóm. Đặc biệt cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong các trường học để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong thanh, thiếu niên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
ThS tâm lý lâm sàng NGUYỄN CÔNG BÌNH, Phó giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức: Gia đình có vai trò rất quan trọng
Để hình thành và nuôi dưỡng nhân cách con người, gia đình là nền tảng quan trọng. Cha mẹ định hướng, giáo dục đúng sẽ giúp con trẻ hiểu được hậu quả, tác động hành vi của bản thân, giúp trẻ có thái độ ứng xử đúng đắn, tích cực trong cuộc sống. Trong gia đình, cha mẹ có cách ứng xử chừng mực, giao tiếp tử tế, hành động nhân ái với người xung quanh thì con trẻ cũng sẽ có xu hướng sống hiền hòa, tử tế và ngược lại.
An Nhiên (ghi)
Phương Liễu