Nếu như có một lần đặt chân đến hồ thủy điện Na Hang (thuộc địa phận 2 huyện Na Hang và Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang), mới thấm thía được "ý trong lời" của ca khúc Hồ trên núi (nhạc sĩ Phó Đức Phương). Giữa mênh mang đất trời, thuyền lướt nhẹ trong không gian chỉ có núi hùng vĩ, hồ xanh biếc tạo nên bức tranh thủy mặc đẹp đến ngỡ ngàng.
“Núi (ư) núi.
Thuyền (ư) thuyền.
Mây (ư) mây.
Nước (ư) nước”.
Nếu như có một lần đặt chân đến hồ thủy điện Na Hang (thuộc địa phận 2 huyện Na Hang và Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang), mới thấm thía được “ý trong lời” của ca khúc Hồ trên núi (nhạc sĩ Phó Đức Phương). Giữa mênh mang đất trời, thuyền lướt nhẹ trong không gian chỉ có núi hùng vĩ, hồ xanh biếc tạo nên bức tranh thủy mặc đẹp đến ngỡ ngàng.
Cọc Vài Phạ, gắn với truyền thuyết về chàng Tài Ngào. Ảnh: H.Lam |
Tôi không thích nghe ví von hồ Na Hang là “vịnh Hạ Long giữa đại ngàn” bởi Na Hang tự thân có vẻ đẹp riêng, mọi sự so sánh đều không thỏa đáng. Hơn nữa, Na Hang vẫn còn giữ nguyên được nét hoang sơ trữ tình, chưa bị ngành Du lịch khai thác quá mức đến biến dạng, thật thú vị biết bao.
Hồ Na Hang hình thành từ 2 con sông lớn là sông Gâm và sông Năng đổ vào, sau khi được tích nước và trở thành hồ thủy điện, thắng cảnh này rộng đến hơn 8 ngàn ha, “bao” luôn dãy núi Pác Tạ hùng vĩ với 99 ngọn núi. Chính vì vậy, “hồ trên núi” Na Hang là một điểm đến độc đáo không phải nơi nào cũng có được. Lướt thuyền trên hồ Na Hang, mỗi một góc ngoặt, mỗi một nhánh hồ, những vạt núi đầy vết trầm tích, bóng cổ thụ của cánh rừng nguyên sinh đổ xuống mặt nước... đều mở ra những điều kỳ thú làm ngợp mắt, say lòng.
Du khách thích thú “selfie” với hồ Na Hang |
Na Hang là vùng đất cổ, vì thế dường như mỗi con sông, con suối, mỗi cánh rừng, ngọn núi đều được gắn liền với những truyền thuyết. Đi dọc sông từ Thượng Lâm, giữa hồ bỗng nhiên hiện ra một mỏm đá sừng sững. Anh Bình, hướng dẫn viên cho biết đấy là cọc “vài phạ” (tiếng Tày nghĩa là cọc buộc trâu) gắn với sự tích chàng Tài Ngào thuở xa xưa đã buộc trâu nơi đây khi đắp đập ngăn sông, đưa nước từ núi Pắc Tạ về giúp dân làng bị nạn hạn hán. Xưa, chàng Tài Ngào thất bại, nhưng ngày nay thủy điện Tuyên Quang hoàn thành vào năm 2007 đã thực hiện được ước muốn của chàng. Đi tiếp nữa, đoạn hợp lưu giữa sông Gâm với sông Năng, bên bờ trái có vách đá mơ hồ có bóng dáng 2 người, dân gian gọi là “Nàng Tiên - Chú Khách”, gắn liền với sự tích 2 người vì gian dối mà được lên trời, sau đó bị phát hiện và trả về hạ giới, vì lòng tiếc nuối chốn bồng lai mà mãi chơi vơi ở nơi này. Núi này còn có truyền thuyết về hoa Phạc Phiền, một loài hoa tiên có hương thơm ngào ngạt có thể chữa được mọi ưu phiền.
Một ngày trên hồ Na Hang sẽ qua rất nhanh, bởi có quá nhiều điều để ngắm nhìn, khám phá. Nếu đủ sức, du khách còn có thể ghé các thác Khuẩy Súng, Khuẩy Nhi, Khuẩy Me, thăm hang Phia Vài (hang người Việt cổ, nơi phát hiện ra di tích mộ táng và bếp lửa thuộc thời đồ đá cách đây khoảng 10 ngàn năm); viếng đền Pắc Tạ thờ vị thiếp của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, được người dân trong vùng cho là rất thiêng và thường đến cầu nguyện, cúng bái. |
Anh Bình chỉ cho chúng tôi xem những lỗ nhỏ trên vách đá, đồng bào người Tày gọi là “đăng vài” (có nghĩa là mũi trâu), và bảo người dân có kinh nghiệm cứ nhìn vào đấy để biết cách di chuyển trên sông vào mùa mưa lũ. Khi mực nước sông thấp hơn “đăng vài” thì có thể đi bình thường, còn nếu nước đã ngập ngang “mũi trâu” phát ra tiếng phì phọp (đồng bào kêu là trâu thở) thì hồ trở nên nguy hiểm, thuyền bè không nên di chuyển.
Không chỉ ngao du trên hồ, du khách còn có thể “lên bờ”, chịu khó trèo núi thăm thác Pắc Ban, còn gọi là thác Mơ, đã được xếp hạng là thắng cảnh quốc gia. Thác cũng có truyền thuyết, kể về vợ chồng nàng Mơ sống dưới chân núi Pắc Ban. Một ngày, người chồng lên núi đi hái thuốc mãi không về, nàng Mơ đi tìm chồng nhiều ngày không gặp, đau khổ nàng ngồi khóc rồi hóa thành dòng thác trắng xóa. Thác Mơ có 3 tầng, để lên các tầng thác khá khó khăn bởi chưa có đường, phải bám vào cây, đá và theo các bậc thang đất thô sơ mà trèo lên, cũng mang đầy tính mạo hiểm. Tuy khá vất vả, nhưng thành quả thật xứng đáng: thác nước hùng vĩ tung bọt trắng, dưới chân thác là hồ nước nhỏ trong xanh với đàn cá nhỏ hàng ngàn con. Anh Bình khuyến khích mọi người lội xuống ngâm chân trong hồ cho đàn cá “massage”.
Ngâm chân cho cá “massage” ở chân thác Mơ |
Đã đến vùng Na Hang, thì có lẽ nên một lần bỏ qua các khách sạn sang trọng mà homestay cùng đồng bào để biết thêm về vùng văn hóa đa dân tộc có đến 12 dân tộc như: Tày, Dao, Mông... cùng sinh sống. Các điểm du lịch làng văn hóa Nà Tông ở xã Thượng Lâm (H.Lâm Bình), bản Phiêng Bung ở xã Năng Khả, bản Lục ở xã Đà Vị (H.Na Hang)... đều cung cấp dịch vụ homestay. Có gì thú vị bằng sau một ngày chơi nhởi, buổi tối được thưởng thức những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc, trong đó có món cá đặc sản của vùng hồ, nhấm nháp rượu ngô men lá. Chưa hết, nếu có nhu cầu người dân nơi đây sẽ chiêu đãi du khách “bữa tiệc” âm nhạc dân gian độc đáo với những làn điệu then, sli, lượn... cùng với tiếng đàn tính làm say đắm lòng người.
Vậy, còn chần chờ gì mà không xách ba lô lên và đến với Na Hang...
Đốt lửa trại, vui cùng đồng bào bản Nà Tông |
Hà Lam