Trong dự thảo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, liên danh đơn vị tư vấn đã đề xuất bổ sung thêm các dự án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị trên địa bàn tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để có thể hướng đến việc phát triển đô thị theo mô hình TOD.
Trong dự thảo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, liên danh đơn vị tư vấn đã đề xuất bổ sung thêm các dự án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị trên địa bàn tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để có thể hướng đến việc phát triển đô thị theo mô hình TOD.
TOD là mô hình phát triển đô thị gắn liền với hệ thống giao thông công cộng đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị. Ảnh: C.T.V |
TOD (Transit Oriented Development) là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng.
* Quy hoạch xây dựng nhiều tuyến đường sắt đô thị
Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là một trong những đột phá chiến lược của tỉnh. Với mục tiêu đó, Đồng Nai đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển với đầy đủ các loại hình. Trong quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh thời gian tới, các tuyến đường sắt đô thị cũng sẽ được quy hoạch để thực hiện đầu tư xây dựng.
Theo báo cáo giữa kỳ quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường sắt đô thị được đề xuất thực hiện đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh có 4 tuyến gồm: tuyến đường sắt đô thị ven sông Cái từ sân bay Biên Hòa kết nối tuyến metro số 1 tại khu quảng trường nhà ga Khu công nghiệp Biên Hòa 1; tuyến đường sắt đô thị Biên Hòa - Nhơn Trạch - Long Thành; tuyến đường sắt đô thị Biên Hòa - Trảng Bom - Long Khánh và tuyến đường sắt đô thị Long Khánh - Long Thành.
Hiện nay, TP.HCM đang đề xuất với Quốc hội thông qua một số cơ chế, chính sách thí điểm phát triển, trong đó đề xuất thí điểm mô hình phát triển đô thị TOD và tập trung phát triển hệ thống đường sắt đô thị tuyến số 1 và số 2 Bến Thành - Tham Lương. |
Cùng với 4 tuyến đường sắt đô thị trên, mới đây, tại hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ, Sở GT-VT TP.HCM cũng đã trình bày kế hoạch kéo dài tuyến đường sắt số 1 (metro số 1) về các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.
Theo đó, liên quan đến chủ trương nghiên cứu kéo dài tuyến metro số 1 về các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và các tỉnh, thành đã thống nhất về sự cần thiết đầu tư, phương án tuyến.
Cụ thể, về phương án tuyến đoạn 1 (đoạn chung) sẽ từ ga bến xe Suối Tiên (đã xây dựng, thuộc tuyến metro số 1 TP.HCM), tuyến tiếp tục đi trên cao bên phải quốc lộ 1 rồi vượt sang trái để về ga Bình Thắng trước nút giao Tân Vạn trên địa bàn P.Bình Thắng (TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương), đoạn này khoảng 1,8km.
Tại đây, tuyến sẽ đi theo 2 nhánh tuyến độc lập chạy về các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Tổng mức đầu tư đoạn 1 là hơn 2,9 ngàn tỷ đồng.
Đoạn 2 sẽ gồm 2 nhánh, trong đó nhánh 1 hướng về Đồng Nai có chiều dài khoảng 18,3km, đi trên cao, nối đến các điểm như ngã ba Vũng Tàu, chợ Sặt, khu vực xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom).
Theo Giám đốc Sở GT-VT Lê Quang Bình, việc quy hoạch, đầu tư hệ thống đường sắt đô thị kết nối với TP.HCM, Bình Dương sẽ giúp giảm tải rất nhiều cho hệ thống đường bộ.
* Lấy giao thông công cộng làm cơ sở phát triển đô thị
Mô hình TOD là mô hình phát triển đã có những thành công tại Nhật Bản gồm các hình thức: TOD khu vực tư nhân, TOD khu vực Chính phủ, phát triển tập trung quanh nhà ga, phát triển quảng trường ga với các chức năng trung chuyển không giới hạn đối với giao thông công cộng. Theo đánh giá, ưu điểm phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là tối đa hóa giá trị tăng thêm từ đất nhằm bù đắp vốn đầu tư cho đường sắt đô thị. Tối đa hóa lưu lượng hành khách sử dụng đường sắt đô thị nhằm giúp kinh doanh vận tải hành khách công cộng sinh lời. Đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận thuận tiện, thoải mái, an toàn của hành khách từ các không gian đô thị kiểu TOD tới các ga đường sắt đô thị và ngược lại, góp phần cải thiện điều kiện môi trường và xã hội tại địa phương.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, hệ thống đường sắt đô thị tại Nhật Bản là một trong những hệ thống hiếm hoi trên thế giới mà Nhà nước không phải bù lỗ.
Trên thực tế, phát triển đô thị và giao thông công cộng có mối liên hệ mật thiết. Khi thiết kế đô thị TOD, nên cố gắng bố trí hỗn hợp nhiều chức năng sử dụng đất vì như vậy sẽ tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn. Các ga đường sắt không chỉ là nơi hành khách lên tàu đi nơi khác mà còn là nơi người từ nơi khác xuống tàu trong giờ cao điểm để đến chỗ làm. Do vậy, bố trí hỗn hợp các chức năng sử dụng đất sẽ tạo ra luồng giao thông hai chiều, tăng được hiệu quả vận hành của các đoàn tàu. Khi đô thị TOD tăng được sức hấp dẫn sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư kinh doanh hơn. Thu hút được nhiều dự án đầu tư kinh doanh có nghĩa là giá trị đất đô thị TOD sẽ tăng lên.
Tại hội nghị trao đổi, hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ lần thứ hai được tổ chức vào đầu tháng 7-2023, Sở GT-VT TP.HCM cũng đã kiến nghị các địa phương quan tâm nghiên cứu áp dụng mô hình TOD cho các vị trí xung quanh ga trên các địa bàn có tiềm năng, có điều kiện thực hiện, nhằm sử dụng hợp lý đất đai đô thị và tạo thêm nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng GT-VT. Đồng thời, tổ chức chia sẻ kinh nghiệm trong việc tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch địa phương, rà soát quỹ đất, nghiên cứu quy hoạch các tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn kết nối để thực hiện hiệu quả mô hình TOD.
Trước đó, tại hội thảo khoa học góp ý quy hoạch tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do UBND tỉnh tổ chức vào giữa tháng 6-2023, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, nếu Đồng Nai có thể đề xuất đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị cho trục TP.Biên Hòa - TP.HCM; TP.Thủ Đức - cảng hàng không quốc tế Long Thành thì đây sẽ là khu vực rất thuận lợi để phát triển đô thị theo mô hình TOD.
Phạm Tùng