Là địa phương có tiềm năng du lịch lớn, nhất là du lịch sinh thái nhưng quá trình phát triển du lịch ở Đồng Nai còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông PHAN BỬU TOÀN, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn, Đồng Nai cần có tư duy mới, bắt nhịp nhanh để phát triển du lịch bền vững.
Là địa phương có tiềm năng du lịch lớn, nhất là du lịch sinh thái nhưng quá trình phát triển du lịch ở Đồng Nai còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông PHAN BỬU TOÀN, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn, Đồng Nai cần có tư duy mới, bắt nhịp nhanh để phát triển du lịch bền vững.
Ông Phan Bửu Toàn |
Đồng Nai đã ban hành nghị quyết xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh đã quy hoạch một số dự án du lịch lớn với tổng vốn hơn 1 tỷ USD để mời gọi doanh nghiệp đầu tư.
Xu hướng du lịch đang thay đổi mạnh mẽ
* Thưa ông, xu hướng du lịch hiện nay, đặc biệt là sau thời kỳ dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến như thế nào?
- Xu hướng du lịch bây giờ khác với trước đây là có tiền, có thời gian rảnh mới đi du lịch nhưng nay du lịch như là một nhu cầu tất yếu. Du lịch có khi là bộc phát hôm nay muốn, mai đi luôn chứ không còn phải đắn đo, suy nghĩ. Điều đó tạo ra cho ngành du lịch cơ hội đón một lượng khách rất đông.
Có một điều lưu ý là lượng khách du lịch ngày xưa thường thông qua các công ty lữ hành nhưng giờ đây họ tự đi du dịch. Các điểm đến du lịch, có thể đón được khách mà không phụ thuộc vào công ty lữ hành nữa. Làm được điều này là do có sự phát triển công nghệ, các khu du lịch có thể tiếp cận, bán dịch vụ tới khách hàng thông qua nền tảng mạng xã hội, công nghệ...
Bên cạnh đó, du khách cũng thường trải nghiệm du lịch số trước rồi mới đi thực tế sau. Có nghĩa là những gì có thể có của bạn, dịch vụ mà khu du lịch, điểm đến có thể cung cấp thì khách cũng tìm hiểu trước, thông qua thông tin quảng bá và những nhận xét, đánh giá trên mạng của những người đã từng trải nghiệm.
* Như vậy là đầu tư cho công nghệ, số hóa trong phát triển du lịch là điều cần phải làm ngay?
- Trước hết, các doanh nghiệp, nhà vườn làm du lịch phải tự nâng cao kiến thức của mình ở một nền nhất định thì sản phẩm, dịch vụ sẽ có những thay đổi theo. Tôi ví von họ là những “máy cái” trong du lịch, từ những người này sẽ lan tỏa ra để có thể đưa du lịch phát triển bền vững.
Một điều nữa là xu hướng du lịch đang thay đổi và người làm du lịch cũng phải nhanh nhạy để nắm bắt thông qua hỗ trợ của công nghệ. Có kiến thức, có kỹ năng, lại được hỗ trợ bởi công nghệ, ứng dụng những giải pháp để số hóa du lịch, đưa lại dịch vụ tốt nhất cho khách hàng trong một khoản đầu tư hợp lý là điều rất đáng được lưu tâm.
Cần cho thấy một Đồng Nai rất khác
* Trở lại với vấn đề Đồng Nai, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng du lịch của tỉnh?
- Theo tôi, muốn du lịch Đồng Nai phát triển mạnh cần cho du khách thấy một Đồng Nai rất khác. Nếu so với một số tỉnh, thành trong khu vực, Đồng Nai cũng có những lợi thế để phát triển du lịch riêng của mình. Đó là diện tích rừng tự nhiên lớn, nhiều sông, hồ, thác, vườn cây ăn trái rất đẹp, phù hợp với phát triển du lịch sinh thái để tăng nguồn thu cho người dân và địa phương.
Tôi có một khoảng thời gian gắn bó với các anh em làm du lịch ở Đồng Nai và từng đi khảo sát nhiều điểm du lịch. Qua đó, tôi thấy nhiều người trẻ trong tỉnh đã chọn du lịch để khởi nghiệp. Và nhiều mô hình du lịch vườn trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút du khách do bạn trẻ quản lý.
Du khách hiện nay tìm hiểu điểm du lịch trước rồi mới đến khám phá. Vì thế, các điểm du lịch phải hấp dẫn, đem đến cho du khách sự thăng hoa cùng cảm xúc. |
* Thời gian qua, sự tự phát trong phát triển các mô hình du lịch sinh thái đã gây ra nhiều khó khăn, theo ông địa phương cần có chính sách như thế nào?
- Không phải riêng Đồng Nai mà nhiều nơi cũng gặp khó khăn. Theo tôi thấy, tỉnh cũng đang tích cực để giải quyết, trong đó có việc xây dựng cơ chế tạm nào đó để giúp cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong quản lý nhà nước, nếu để cho phát triển quá mức, thiếu kiểm soát sẽ để lại nhiều hệ lụy, đặc biệt là trả giá về môi trường rất cao. Doanh nghiệp làm du lịch muốn phát triển bền vững trước hết phải làm cho đúng quy định. Trong đó, các địa phương phải kịp thời nắm bắt những phát sinh, khó khăn của doanh nghiệp, cơ sở làm du lịch từ đó hỗ trợ, hướng dẫn họ làm đúng từ đầu, nếu có sai thì cũng có cơ hội chỉnh sửa ngay, không nên để “vỡ’ ra khó giải quyết.
Nông nghiệp thì có khuyến nông, tại sao du lịch lại không có “khuyến du”, phải tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hiểu và thực hiện đúng. Khi người ta hiểu, tôi nghĩ họ sẽ làm khác đi, các nhà đầu tư ai dại gì bỏ tiền ra làm để rồi phải lo lắng.
* Ông có lời khuyên nào cho những người trẻ làm du lịch trong bối cảnh “trăm hoa đua nở” nhưng thiếu sự bền vững như hiện nay, nhất là trong lĩnh vực du lịch sinh thái, thế mạnh của địa phương?
- Thực ra, các bạn trẻ có ý tưởng rất tốt, tôi nghĩ rằng trong khởi nghiệp ở lĩnh vực nào cũng đều có những khó khăn nhất định. Tất nhiên là phải nỗ lực, kiên trì để đi tới thành công. Vấn đề là phải có sự sáng tạo và lựa chọn phù hợp, không nhất thiết phải xây dựng mang tính chất đồ sộ trên một khu đất nào đó mới là làm du lịch. Trong du lịch luôn có phần cứng và phần mềm, có nghĩa là dù chúng ta có xây sang trọng thì so với các điểm đã nổi tiếng khác khó bì kịp, chúng ta phải chăm chút cho phần mềm tức là chiều sâu về văn hóa, tính bản địa và sự phục vụ.
Đối với Đồng Nai thì du lịch sinh thái, du lịch khám phá là lợi thế để phát triển của ngành |
Tôi đã rất ấn tượng với một điểm du lịch của bạn trẻ, dù không đầu tư cơ sở vật chất hoành tráng nhưng với những chi tiết nhỏ, đơn cử như một món ăn, qua sự khéo léo của dịch vụ, du khách cảm thấy bữa ăn được ngon hơn và hiểu thêm những nét đẹp xung quanh nó. Đó là chiều sâu về cảm xúc, nếu có một định nghĩa về du lịch thì đó là sự tổng hòa của vật chất, của sự trải nghiệm và của cảm xúc.
Vật chất chỉ là phương tiện để phục vụ tối thiểu cho người dân đi tới, nhưng người ta đến đây không chỉ để sử dụng dịch vụ mà sau đó là tinh thần, văn hóa, ẩm thực, tính bản địa... Quan trọng là câu chuyện ấy được các bạn kể như thế nào để có thể hấp dẫn du khách.
* Xin cảm ơn ông!
Vương Thế (thực hiện)