Báo Đồng Nai điện tử
En

Sáng tác

09:07, 22/07/2023

"Khói hương chảy ngược lên ngày tháng bảy/ Người lính già gọi tên đồng đội / Tôi thấy mình là tia nắng nhỏ/ Chảy về tháng bảy vô ưu…" ( Đào An Duyên). "Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc"" (Thanh Thảo). Tổ quốc, nhân dân ngàn đời mãi mãi tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cả tuổi xuân, cả cuộc đời mình cho độc lập, tự do và vẹn toàn Tổ quốc.

“Khói hương chảy ngược lên ngày tháng bảy/ Người lính già gọi tên đồng đội / Tôi thấy mình là tia nắng nhỏ/ Chảy về tháng bảy vô ưu…” ( Đào An Duyên). “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc”“ (Thanh Thảo). Tổ quốc, nhân dân ngàn đời mãi mãi tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cả tuổi xuân, cả cuộc đời mình cho độc lập, tự do và vẹn toàn Tổ quốc.

Đồng Nai cuối tuần

Vũ Xuân Hương

Những người mẹ miền Đông

Những người mẹ miền Đông tôi gặp

Việt, S’tiêng hay Mạ, Chơro

mẹ miệt vườn, cù lao hay nương rẫy xa xôi hay lầm lũi giữa ồn ào phố chợ

hay lặng lẽ giữa rừng cao su xách thùng cạo mủ

Những người mẹ Chiến khu Đ

hay rừng Sác, Bình Đa hay Minh Đạm, Lộc An, thế chân kiềng Hắc Dịch

những người mẹ tóc còn xanh hay mái đầu đã bạc

cho tôi được cúi đầu cảm phục

được hôn mỗi bàn chân lấm lem gầy guộc

mỗi bàn chân như bệ tượng đài!

 

Tất cả những anh hùng

đều nhỏ bé vô cùng trước mẹ

tất cả các chiến công

đều thai nghén, đều bắt đầu từ mẹ

Người mẹ miền Đông sinh con trong lửa bỏng

và nuôi con trong bom đạn xé trời…

Tình nghĩa mẹ không thể đem sông Đồng Nai hay bất cứ dòng sông, ngọn suối nào để sánh

không thể đem núi Bà Đen, núi Chứa Chan hay bất kể

núi non nào để đo!

Cho tôi được cúi đầu cảm phục

Người mẹ miền Đông sừng sững tượng đài…

 

Xin hình dung dưới căn hầm của mẹ

yên tĩnh hơn nhà lầu, an toàn hơn vỏ thép xe tăng

bàn tay mẹ bón cơm, đưa thuốc

đời hy sinh đem chắn trước cửa hầm

Hầm như một chiến khu bám dân về trụ phục

dưới bóng vườn lòng mẹ chở che

bao căn hầm trong lòng đất miền Đông

nuôi cách mạng qua mấy thời trứng nước…

 

Xin hình dung chốn lao tù sau hàng song sắt

mẹ như chiếc lá khô sau bão gió tơi bời

thêu tình yêu bằng mũi chỉ đường kim

con chim phượng mang thời xưa của mẹ

con bồ câu mang khát vọng hòa bình

lòng kiên trung hóa đóa sen hồng

trước những trận đòn thù tra tấn…

 

Xin hình dung trước hàng mũi súng

mẹ vẫn đi giương thẳng cánh tay gầy

lấy chân tình nhỏ nhẹ những lời ngay

quay mũi súng lầm đường về phía giặc

Mẹ không chỉ tiếp đồ, liên lạc,

tự mình làm chiến sĩ trước hàng quân

thân hình kia thương tích đầy mình

mái tóc bạc thêm mấy vòng khăn trắng

mẹ thế đấy - những chiến công thầm lặng

cái anh hùng vượt qua bao đau đớn

cũng âm thầm chẳng dễ nhận ra đâu!        

 

Những người mẹ miền Đông tôi gặp

người đã già, người tóc còn xanh

người ru cháu ầu ơ, người vò võ một mình

sống trở lại những đời thường dân dã

chẳng ngắm nghía, so đo những gì đã có

 tấm khăn rằn vẫn vắt chéo qua vai…

 

Ngày mai, trong văn bia, sách sử,

sẽ ghi nhận ra sao những người mẹ anh hùng?

tôi chỉ biết giờ đây

xin tất cả bắt đầu từ mẹ!

 

Những người mẹ của miền Đông đất lửa

cứ mỗi ngày thêm sừng sững trong tôi…

 

Trần Thế Tuyển

Long Khốt nồng nàn

Không ai khoác lên vòng nguyệt quế

Mà hương thơm cứ ngát dâng đầy

Dòng Long Khốt trăm năm chảy mãi

Đồng đội ơi, đang nằm đâu đây?

 

Đêm hoa đăng như cây cầu kết nối

Người thiên thu và người hôm nay

Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc

 Hồn bay lên, linh khí mãi tỏa bay

 

 Không ai khoác lên vòng nguyệt quế

Trận địa xưa vẫn nồng ấm men say

 Bến sông này phân đội nào mở cửa

 Áo lính phơi nhuộm đỏ cánh phượng bay

 

Tôi trở về trận địa xưa Long Khốt

Đêm biên cương nghe trời đất chuyển xoay

Vẫn còn mãi một thời đánh chốt

Đồng đội tôi nằm lại nơi này

 

Không ai khoác lên vòng nguyệt quế

Mà dòng sông Long Khốt hương đầy

Lục bình ơi hãy trôi nhè nhẹ

Đồng đội tôi, giấc ngủ đang say.

 

Nguyễn Đức Mậu

Người ấy

Mười năm người ấy yêu anh

Tình yêu suốt cuộc chiến tranh thật dài

Yêu từ tóc xõa ngang vai

Hoa cau thơm suốt những lời tiễn đưa

 

Mười năm vần vũ nắng mưa

Chiến tranh qua, bóng người xưa chẳng về

Rối bời mái tóc chiều quê

Một ai đứng ở bờ đê mỏi mòn

 

Xưa nàng Tô Thị lên non

Xa chồng nhưng đã có con bế bồng

Bây giờ người ấy tay không

Con thuyền góa bụa trên dòng sông sâu

 

Chiến tranh đã tắt từ lâu

Cau vàng trái rụng, giàn trầu héo hon

Nửa đêm gió lạnh, trăng mòn

Có người nghe tiếng ru con… khóc thầm.

 

Đàm Chu Văn

Những ánh nến ở nghĩa trang liệt sĩ

Tay các em run run thắp những ngọn nến trong đêm

thắp lên thứ ánh sáng trong lành, mộng mơ, thành kính

những đốm sáng lung linh như những viên kim cương

soi rạng ngời từng ngôi mộ

những người trong mộ còn trẻ lắm, khi ngã xuống vì Tổ quốc

họ cũng xấp xỉ tuổi các em

mười chín, đôi mươi trong veo, hăm hở…

 

Đêm nghĩa trang

mang mang mùi cỏ

những người trai năm xưa dàn trận công đồn

ngực ghì bộc phá

súng trường, mã tấu xông lên

những anh hùng chưa hết tuổi thiếu niên

ngùn ngụt hờn căm

tuổi trưởng thành kê thêm bằng tang tóc

những người trai xứ Bắc

theo lời kêu gọi của Bác Hồ

hừng hực bước chân Nam Tiến

“máu của máu Việt Nam

thịt của thịt Việt Nam

Nam bộ phải trở về vẹn nguyên nước Việt!”

 

***

Trận mạc, bão dông mấy chục năm trời

mấy thế hệ nối nhau xung trận

mấy thế hệ vọng phu

mấy thế hệ góa chồng

mấy thế hệ mồ côi

bao lòng mẹ, lòng cha bầm đau, quặn thắt

 

Tuổi trẻ hôm nay thắp lên ánh sáng mình ngưỡng vọng

vầng sáng giao hòa

tâm hồn những người trẻ tuổi gặp nhau.

Tin xem nhiều