Bước vào nghĩa trang liệt sĩ ta như chạm đến những cung bậc nhớ thương. Được nghe nhiều câu chuyện xúc động, rưng rưng nhớ các anh.
Bước vào nghĩa trang liệt sĩ ta như chạm đến những cung bậc nhớ thương. Được nghe nhiều câu chuyện xúc động, rưng rưng nhớ các anh.
Trong Nghĩa trang liệt sĩ Đồng Nai, những ngôi mộ được xây cất thành từng hàng dọc, ngang thẳng tắp như đội ngũ chỉnh tề ngay ngắn của người lính. Bên cạnh khu mộ liệt sĩ, có một khu dành cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Những người mẹ đã sinh thành các liệt sĩ, nay cũng về nằm kề bên bao bọc, an ủi cho những đứa con đã hy sinh vì Tổ quốc.
Hàng ngày, vẫn có người đến lau chùi, quét dọn sạch sẽ từng dãy mộ. Được biết các ngôi mộ không để cây to mọc cạnh. Vì không ai muốn những chiếc rễ cây chạm vào hài cốt liệt sĩ. Các anh đã bị bom đạn làm đau đớn, giờ về đây yên nghỉ không để rễ cây làm các anh đau đớn lần nữa. Một sự yêu thương từ ý nghĩa tâm linh của người sống.
Đi giữa nghĩa trang, nơi yên nghỉ của hàng trăm chiến sĩ trên mảnh đất giàu truyền thống anh hùng “Miền đông gian lao mà anh dũng”, tôi chợt nhớ đến những câu chuyện kể về Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Có những đêm khuya, người quản trang còn nghe được bước chân chạy rầm rập như tập hợp đội ngũ. Văng vẳng trong tiếng gió, tiếng mưa vọng lại tiếng đàn hát như khi các anh còn sống.
Như điểm hẹn của lòng người, tôi có dịp gặp hai chú cháu ông Trần Xuân Hưng, giảng viên trường đại học tại TP.HCM có mặt tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồng Nai. Bên ngôi mộ có tên liệt sĩ Phạm Văn Cầu nhưng vẫn còn khuyết địa chỉ quê quán của liệt sĩ, hai chú cháu sửa soạn mâm cúng đặt trước ngôi mộ. Ông Hưng rót ra ba ly rượu. Một ly cho liệt sĩ Phạm Văn Cầu, một ly mời tôi cùng uống. Tôi cầm ly rượu chia làm ba cho hai ngôi mộ kề bên. Bởi thói quen người lính, xẻ chia lúc vui buồn.
Ông Trần Xuân Hưng và gia đình đã lặn lội đến nhiều nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh phía Nam, để tìm ngôi mộ người thân là liệt sĩ Phạm Văn Cầu hy sinh năm 1970. Gia đình đã bỏ nhiều công sức nhưng vẫn tuyệt vọng. Một lần, trên đường trở về TP.HCM ông Hưng đã tìm đến Nghĩa trang liệt sĩ Đồng Nai. Ông thắp nhang tại đài liệt sĩ cầu khấn mong tìm được người thân đã hy sinh. Khi nén nhang chưa tàn, những vòng khói trắng còn cuộn tròn trên bát nhang, ông bước xuống dãy mộ gần nhất và bỗng sững người, trước mặt ông là ngôi mộ có tấm bia ghi tên liệt sĩ Phạm Văn Cầu. Đứng trước ngôi mộ, ông vỡ òa những giọt nước mắt xúc động. Ông khóc vì mừng và vì thương nhớ trào dâng.
Kể từ ngày ấy, hàng năm ông Trần Xuân Hưng và đứa cháu vẫn từ TP.HCM đến Nghĩa trang liệt sĩ Đồng Nai thay mặt gia đình thắp nhang phần mộ liệt sĩ Phạm Văn Cầu như gặp lại người thân đã hy sinh.
Cuộc đời ai rồi cũng thay đổi. Thời gian sẽ bôi xóa nhiều dấu vết cuộc sống. Nhưng sự hy sinh của các liệt sĩ sẽ vĩnh hằng trong lòng nhân dân. Đến nghĩa trang liệt sĩ cho ta nhiều cung bậc cảm xúc, trong lòng ta rưng rưng nhớ tới các anh.
Vũ Đức Vinh