Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyên đề: Kỹ năng nghề cho người lao động:
Để người lao động làm chủ công nghệ sản xuất

Lan Mai
19:34, 11/08/2023

Hiện nay, việc đổi mới sản xuất và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất tại các doanh nghiệp (DN) đang đòi hỏi người lao động (NLĐ) phải có kỹ năng nghề và đảm nhận nhiều vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.

Lao động kỹ thuật cao làm việc tại Công ty hữu hạn Động lực Toàn Cầu (H.Trảng Bom)

Nhiều DN cho biết việc tuyển dụng lao động có tay nghề hiện rất khó khăn. Các DN đã liên kết với các trường đại học, trường nghề hoặc tự tổ chức đào tạo để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ.

* Nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ

Với mục tiêu nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ, Công ty TNHH Đông Phương (H.Trảng Bom) đã liên kết với Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi đào tạo nghề cho cán bộ, nhân viên, NLĐ của công ty với ngành nghề thiết kế và may thời trang. Nhiều NLĐ được chọn đi học đã tốt nghiệp và ứng dụng tốt những kiến thức, kỹ năng có được vào sản xuất tại DN. Đây là hướng đi mới của DN nhằm tạo nguồn lực có tay nghề, chất lượng, góp phần tăng năng suất lao động.

Bà Trần Thị Duyên, Tổng giám đốc hành chính công ty cho hay, việc chuyển đổi số, phát triển công nghệ vào sản xuất đang đòi hỏi kỹ năng, tay nghề của NLĐ để tạo ra những sản phẩm chất lượng và không bị lạc hậu. Vì vậy, DN khuyến khích cán bộ, NLĐ đi học nâng cao tay nghề để đáp ứng yêu cầu công việc. Trong lớp đầu tiên liên kết với trường nghề, DN chọn lựa những lao động đang làm quản lý đi học và về đào tạo lại cho nhân sự trẻ. Tới đây, DN tiếp tục tạo điều kiện cho NLĐ trực tiếp sản xuất đi học để họ có kỹ năng nghề phù hợp với thực tiễn hoạt động sản xuất tại công ty.

Để đào tạo, cung ứng lao động cho DN theo nhu cầu tuyển dụng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần thường xuyên gửi phiếu khảo sát đến DN để biết nhu cầu tuyển dụng của họ; đồng thời, điều chỉnh phương án đào tạo, nhất là các ngành nghề chủ lực mà các DN đang cần.

Tại Công ty CP Công nghiệp chính xác VPIC (H.Trảng Bom), ngoài thành lập nhóm đào tạo nghề cho NLĐ, DN còn mời các chuyên gia nước ngoài về hướng dẫn, đào tạo nghề trực tiếp cho NLĐ tại xưởng sản xuất. Đa số NLĐ tham gia lớp đào tạo này đều vận hành máy CNC hiện đại được DN đầu tư mới vào sản xuất. DN đang liên kết với Trường đại học Công nghệ Đồng Nai nhận sinh viên vào thực tập và hỗ trợ tất cả chi phí. Nhiều sinh viên làm tốt sẽ được trả lương như lao động bình thường và được DN nhận vào làm việc nếu có nhu cầu.

Theo ông Đỗ Đình Hiệp, Giám đốc sản xuất công ty, NLĐ để không bị lạc hậu khi DN ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất thì cần ý thức nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Sự hỗ trợ của DN quan trọng nhưng trên hết là sự nỗ lực, cố gắng của mỗi người để tìm tòi, sáng tạo, nghiên cứu, nâng cao tay nghề. Nếu NLĐ tiếp nhận nhanh công nghệ hiện đại mới vào sản xuất và tham gia cải tiến, mức thu nhập sẽ tăng lên. Ngoài ra, nhiều lao động có chỗ đứng vững hoặc ở các vị trí chủ chốt tại DN với thu nhập tương xứng tay nghề.

Hiện lao động có tay nghề cao luôn được các DN trọng dụng và cất nhắc lên làm các vị trí chủ chốt tại DN. Anh Phạm Văn Hùng, Tổ trưởng cơ khí tại Công ty TNHH Hirota  Precision Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1) chia sẻ: “Các DN nước ngoài rất chú trọng đến cách làm việc nghiêm túc, sáng tạo và kỹ năng nghề của NLĐ. Việc tiếp nhận công nghệ hiện đại một cách hiệu quả, khoa học sẽ là điều mà nhiều lao động nên học tập, vì một khi làm chủ công việc, không chỉ được DN coi trọng mà NLĐ sẽ không lo bị mất việc hoặc bị sa thải”.

* Lao động có tay nghề vẫn còn hạn chế

Tham gia các sàn giao dịch việc làm gần đây, nhiều DN cho biết, họ gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động tay nghề, kỹ thuật cao, nhất là lĩnh vực cơ khí, điện tử, điện công nghiệp… Một số DN buộc tuyển dụng lao động phổ thông và mất quá trình đào tạo dài NLĐ mới tiếp nhận được với công việc.

Trong khi đó, một nghịch lý là rất ít DN liên kết với trường nghề để đào tạo nghề cho NLĐ hoặc đặt hàng nguồn lực có tay nghề cao mà chỉ hợp tác để nhận học viên thực tập, kiến tập tại DN.

Theo Sở LĐ-TBXH, hiện toàn tỉnh có 57 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư phát triển và đổi mới theo hướng hội nhập tiếp cận công nghệ 4.0. Đồng thời, phối hợp với các DN xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tạo điều kiện cho học viên đến thực tập và tiếp nhận học viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số ngành, số học viên chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề cao của DN. Chính vì vậy, đòi hỏi sự tham gia tích cực hơn nữa của DN trong quá trình đào tạo lao động kỹ thuật cao.

Thời gian qua, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đã hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Đồng Nai về công tác phát triển kỹ năng nghề cho NLĐ trong tình hình mới. Đại diện Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành) cho hay, từ khi GIZ hỗ trợ trường trong các mô hình đào tạo kỹ năng nghề cho NLĐ tại DN, lao động tiếp thu nhanh kiến thức, tay nghề kỹ thuật cao và ứng dụng vào làm việc thực tế tại DN. Từ đó cho thấy việc liên kết đào tạo nghề đã mang lại hiệu quả, nâng tầm chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu việc làm.

Thực tế hiện nay, sự bùng nổ ứng dụng công nghệ số và xu hướng ứng dụng robot vào sản xuất của nhiều DN đang đặt ra thách thức đối NLĐ. Nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng robot vào sản xuất để thay thế NLĐ. Trong khi đó, nguồn lao động dồi dào, giá rẻ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế mà quan trọng là kỹ năng nghề nghiệp của NLĐ. Hơn lúc nào hết, NLĐ cần trang bị cho mình nhiều kỹ năng cần thiết để có thể tạo công việc ổn định, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của DN. Ngoài ra, cần có kiến thức về ngoại ngữ, thái độ làm việc, tính kỷ luật… để vận dụng hiệu quả vào
công việc.

Theo ông Quách Thuận Đức, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt nhãn Junmay (H.Trảng Bom), việc đầu tư các công nghệ hiện đại và tự động hóa vào sản xuất là xu thế mà các DN đã ứng dụng và mang lại hiệu quả cao. Khi dây chuyền sản xuất hiện đại đi vào hoạt động, DN sẽ lựa chọn lao động có tay nghề cao, kỹ năng tốt và nhanh nhạy để vận hành. Mỗi dây chuyền chỉ cần 2 lao động điều khiển nhưng sự sáng tạo, kỹ năng của họ đóng vai trò quan trọng ở những bộ phận sản xuất quan trọng của DN.


Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh NGUYỄN THỊ NHƯ Ý: Công đoàn đẩy mạnh nâng cao kỹ năng nghề cho NLĐ

Trong 5 năm qua, tổ chức Công đoàn đã tham gia tuyên truyền giáo dục, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên, NLĐ trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của DN hiện nay. Vì thế, đây là nhiệm vụ cấp bách của tổ chức Công đoàn trong nhiệm kỳ tới nhằm xây dựng đội ngũ NLĐ vững tay nghề, chuyên nghiệp, sáng tạo.

Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH NÔNG VĂN DŨNG: Phát triển công tác đào tạo nghề nghiệp

Giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sở LĐ-TBXH sẽ có sự đầu tư mạnh mẽ về nguồn lực phục vụ cho công tác đào tạo nghề chất lượng cao. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với DN trong đánh giá chất lượng dạy nghề, bổ sung và điều chỉnh chương trình dạy nghề phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động. Từ đó, từng bước phát triển công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm ổn định cuộc sống, tăng thu nhập cho NLĐ.

Thảo My (ghi)


Lan Mai

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
cập nhật tin tức AI cập nhật nhanh Purple Screen Thuê máy photocopy màu đồng phục Cách tìm việc làm chất lượngNhà phân phối ups delta VIET NET khóa cửa điện tử vinlockDịch vụ Cloud Server NPU chất lượng cao Thuê Hosting InterData với CPU AMD EPYCTư vấn mua Máy quét 3D cao cấp iphone 15 pro max hướng dẫn đăng ký gói vina tháng cực rẻ