Mỏ đá Tân Vạn (thuộc địa bàn giáp ranh 2 phường: Bửu Hòa và Tân Vạn, TP.Biên Hòa) đã ngừng hoạt động. Theo quy hoạch, sau khai thác sẽ phát triển du lịch sinh thái, cây xanh. Song, một phần mỏ đá đang là điểm tiếp rác thải sinh hoạt của thành phố nay có tình trạng đổ trộm rác thải công nghiệp khiến khu vực thành “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường.
Người dân tranh thủ phân loại rác thải, lượm lặt ve chai tại điểm tiếp rác thải sinh hoạt tại khu vực mỏ đá Tân Vạn. Ảnh: P.Liễu |
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không quản lý tốt, để tình trạng rác đổ tràn lan, đốt rác bừa bãi sẽ gây ô nhiễm môi trường chung và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân quanh khu vực.
* “Bãi rác” ngày một phình to
Sau khi đóng cửa, mỏ đá Tân Vạn được giao về Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý. Trước thực trạng TP.Biên Hòa khan hiếm các điểm tiếp rác sinh hoạt nên UBND tỉnh đã thống nhất cho Công ty CP Môi trường Sonadezi mượn tạm 150m2 đất ở khu mỏ đá để làm điểm trung chuyển rác sinh hoạt tạm thời. Lợi dụng điểm tiếp rác này, nhiều đối tượng đã đưa rác thải công nghiệp đến đổ trộm.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai ngày 22-8, trong khu vực mỏ đá, ngoài sình lầy, ngập ngụa nước rác, còn tràn lan rác thải sinh hoạt lẫn rác thải công nghiệp. Nhiều đống rác công nghiệp còn bị đốt cháy nham nhở, khói mù mịt bốc mùi rất khó chịu. Ông T.V.M. (ngụ KP.3, P.Bửu Hòa) cho biết, ngoài những xe chuyên dụng chở rác thải sinh hoạt ra vào khu vực này, thì vào sáng sớm, buổi trưa, chiều tối vắng vẻ hoặc lợi dụng trời mưa lớn, một số xe chở rác thải công nghiệp chạy đến đổ rồi đốt ngay tại chỗ khiến khói bốc lên khét lẹt.
Một số người dân 2 phường: Bửu Hòa, Tân Vạn kiến nghị, tỉnh cần có thêm chính sách ưu tiên thu hút nhà đầu tư vào khu vực mỏ đá, để vừa quản lý đất đai vừa phát triển du lịch sinh thái, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh và cải thiện mỹ quan cho đô thị Biên Hòa.
Một hộ dân sinh sống sát bên bãi rác cho biết, trước đây khi mỏ đá hoạt động thì chịu đựng tiếng ồn, bụi bặm; nay mỏ dừng khai thác thì lại chịu ô nhiễm từ rác… Khu bãi rác tạm này tuy rộng lớn, nằm cách khu dân cư khá xa nhưng không thể khống chế được mùi hôi và khói, vẫn ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân xung quanh.
Tình trạng đối tượng đổ trộm, đốt rác thải công nghiệp diễn ra thường xuyên, UBND 2 phường: Bửu Hòa và Tân Vạn từng bắt quả tang một số xe đến đổ trộm rác thải công nghiệp, lập biên bản và đề nghị thành phố xử lý, song tình trạng này vẫn tái diễn. Hơn nữa, địa phương không đủ lực lượng để làm nhiệm vụ canh chừng các phương tiện đổ trộm rác thải công nghiệp tại khu vực này.
* Ngăn chặn tình trạng đổ trộm rác thải công nghiệp
Để ngăn chặn tình trạng đổ trộm rác thải công nghiệp, hiện UBND TP.Biên Hòa đã giao UBND 2 phường: Bửu Hòa, Tân Vạn luân phiên bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, giám sát tuyến đường vào mỏ đá, khi phát hiện các phương tiện không phải của công ty môi trường thì kiểm tra và xử phạt theo quy định. Thành phố đề nghị Công ty CP Môi trường Sonadezi chủ động phối hợp với 2 phường nói trên ngăn chặn xe lạ vào đổ rác, cung cấp danh sách biển số xe của công ty, lắp đặt camera giám sát và đảm bảo môi trường bãi tiếp rác, khu vực xung quanh…
TP.Biên Hòa có 9 khu mỏ sau khai thác bị bỏ hoang nhiều năm. Trong đó, 4 khu mỏ (tổng cộng khoảng 290ha) tại các phường: Hóa An, Tân Hạnh, Bửu Hòa và Tân Vạn được quy hoạch thành 4 khu gồm: công viên giải trí; nhà phố biệt thự cao cấp ven hồ; khu chăm sóc sức khỏe, trị liệu, nghỉ dưỡng; khu hội nghị, trung tâm thương mại với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 9 ngàn tỷ đồng. Trong đó, mỏ đá Tân Vạn rộng 39ha dự kiến dùng phát triển du lịch sinh thái, cây xanh, tổ chức hội nghị và trung tâm thương mại. |
Về vấn đề này, Phó tổng giám đốc Công ty CP Môi trường Sonadezi Trần Võ Hoài Hương cho biết, sau khi làm việc với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh vào tháng 7-2023, công ty đã khảo sát, thiết kế và lập dự toán kinh phí làm điểm tiếp rác mới quy mô 1 ngàn m2. Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trong tháng 7-2023, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đã làm việc với Công ty CP Môi trường Sonadezi tạm giao 1 ngàn m2 đất phần ngoài cổng của khu vực mỏ cho Công ty CP Môi trường Sonadezi làm điểm tiếp rác mới.
Tuy nhiên theo bà Hương, lý do tiến độ triển khai xây dựng chậm là vì thời điểm kiểm tra thực địa để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, khu vực này còn nhiều đống rác thải công nghiệp đang cháy. Công ty chưa có được mặt bằng sạch và chưa nhận được quyết định giao đất của UBND tỉnh. Công ty đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai làm điểm tiếp rác mới và làm thanh chắn để ngăn không cho các đối tượng vào đổ trộm rác thải công nghiệp.
Nhiều người dân bày tỏ, thời gian qua mới chỉ giao 150m2 đất để làm điểm tiếp rác công ty đã không quản lý được, để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường và để các đối tượng xấu lợi dụng đổ trộm chất thải công nghiệp… Nay lại quyết định giao cho đơn vị này 1 ngàn m2 đất cũng ở khu mỏ này để tiếp tục làm bãi chuyển tiếp rác thải sinh hoạt thì liệu có quản lý được hay lại khiến bãi rác ngày một phình to, gây ô nhiễm nặng hơn?
Nhiều ý kiến cho rằng, tỉnh cần quyết liệt, chỉ đạo tăng cường quản lý, theo dõi doanh nghiệp được cho mượn đất làm điểm tiếp rác. Nếu quá trình hoạt động không đảm bảo môi trường thì nên cho đóng cửa bãi rác để chấm dứt tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống người dân.
Phương Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin