Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn “hội chứng” chỉ trích, chê bai trên mạng xã hội

Phương Liễu
10:29, 12/08/2023

Dù chưa nắm được bản chất của sự việc, không biết rõ đối tượng đúng sai, hay dở thế nào, nhưng nhiều cư dân mạng xã hội (MXH) vẫn thích “đu” trend công kích người khác…

Sau một số phát ngôn của tân hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi, các group anti-fans mọc lên như nấm. Ảnh: P.LIỄU

Nhiều ý kiến cho rằng, thói quen hùa nhau chỉ trích, chê bai người khác trên MXH mà không cần suy xét, không cần đúng sai là một tính xấu, thể hiện tư duy, lối sống tiêu cực, ứng xử thiếu văn minh của một bộ phận người dùng MXH. Chưa kể, hành vi bêu xấu, công kích người khác còn vi phạm pháp luật.

* Vô tư công kích người khác trên MXH

Những ngày qua, một số phát ngôn gây tranh cãi của tân Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Một trong những phát ngôn khiến người đẹp bị công kích đó là: “Trong khi bạn bè đồng trang lứa với tôi chỉ dành thời gian để ngủ, để chơi, để uống trà sữa thì tôi đã tham dự cuộc thi hoa hậu. Tôi nghĩ mình trưởng thành hơn các bạn, khi mà các bạn vừa đi học vừa đi làm thì tôi đã là một hoa hậu…”.

Thay vì góp ý trên tinh thần xây dựng, tạo điều kiện cho người đẹp có cơ hội sửa sai trong ôn hòa, cảm thông thì ngay lập tức, người đẹp bị cộng đồng mạng chê là ứng xử kém tinh tế, ảo tưởng và mắc bệnh ngôi sao. Không ít người còn đua nhau lập các group “antifan” để bóc phốt và tẩy chay nàng hậu, thậm chí còn yêu cầu Ban tổ chức tước vương miện của hoa hậu này.

 Trước sức ép của dư luận, mặc dù hoa hậu này đã đăng đàn xin lỗi và tự nhận bản thân chưa đủ chín chắn, thiếu kinh nghiệm trong ứng xử, nhưng ngày 5-8 vừa qua tại Hà Nội, một group anti-fans còn tổ chức gặp mặt, căng băng-rôn với dòng chữ “Off anti Ý Nhi. Hãy trả lại vương miện”.

Bà Trần Thị Kim Lãng, cựu giáo viên một trường THPT (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết: “Nghe người ta nói nhiều về phát ngôn của tân hoa hậu, tôi cũng tò mò xem lại thì thấy nội dung cô ấy nói cũng không có gì sai, chỉ là cách nói chưa khôn khéo, còn vô tư kiểu học trò. Đây cũng là bài học cho hoa hậu Ý Nhi trong việc tinh tế hơn lúc phát ngôn khi đã là người của công chúng”.

Tương tự, bà Trần Thị Thu Hoài (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho rằng, tình trạng sử dụng MXH để chê bai, công kích, thóa mạ người khác không chỉ phản văn hóa, không có tác dụng xây dựng đời sống tốt đẹp hơn, có ích hơn mà còn là hành vi vi phạm pháp luật về quyền con người. Bởi những lời công kích trên MXH là “vũ khí” tuy vô hình nhưng lại mang tính sát thương cao trong thực tế. Trong một số trường hợp sự bêu rếu trên MXH đã gây tổn thương, thậm chí gián tiếp khiến nạn nhân trầm cảm, có hành động tiêu cực.

Còn nhớ năm 2019, một nữ sinh học lớp 11 (ở H.Xuân Lộc) đã uống thuốc ngủ tự vẫn nhưng may mắn được cứu sống. Nguyên nhân là nữ sinh này không chịu nổi sự chê bai, miệt thị của bạn bè trước những thông tin, hình ảnh của mẹ em bị một người quen bêu trên MXH cùng những lời lẽ cay độc khiến em bị trầm cảm.

Trò chuyện với chúng tôi về hội chứng chỉ trích, chê bai trên MXH, Trần Hoàng Thảo Nguyên, sinh viên Trường đại học Lạc Hồng (TP.Biên Hòa) cho rằng: “Khi một người lợi dụng MXH để buông lời cay nghiệt, “khủng bố” tinh thần, dùng ngôn từ để “tấn công”, “bạo lực” người khác, cố ý gây tổn thương đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác cũng là hành vi hạ thấp giá trị của chính mình”.

Thảo Nguyên chia sẻ thêm, trong đời ai cũng có thể mắc những sai lầm. Hôm nay mình ngồi lướt trên bàn phím để công kích người khác thì biết đâu ngày mai mình cũng có thể trở thành nạn nhân của chính sự công kích đó. Thế nên, ai đó mắc lỗi cũng cần được cảm thông, chia sẻ, động viên và tha thứ. Mỗi người nên chọn giới hạn để dừng lại, đừng cố đẩy mọi chuyện đi quá xa, đừng biến khuyết điểm của người khác thành trò cười và đừng tự cho mình cái quyền dạy dỗ người khác, bởi chưa chắc mình đã giỏi hơn người ta.

* Cần phạt nặng, xử nghiêm

Tiện ích của MXH là rất lớn, nhưng cũng có không ít người dùng MXH còn hạn chế về nhận thức pháp luật, kỹ năng ứng xử dẫn tới  phát ngôn tùy tiện, thiếu kiểm chứng, sai sự thật trên MXH. Các hành vi này đều bị xử lý nghiêm.

Mới đây, ngày 15-7-2023, ông H.T.T. (66 tuổi, ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) đã bị Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh xử phạt hành chính 5 triệu đồng về hành vi dùng MXH đăng tải thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Nhiều ý kiến đề nghị, các cơ quan chức năng cần có giải pháp quản lý, ngăn chặn và xử lý nghiêm những chủ tài khoản có hành vi bôi xấu, vu khống, công kích người khác trên MXH, để không gian mạng lành mạnh hơn, thực sự là nơi chia sẻ và lan tỏa những điều tốt đẹp.

Hiện công tác quản lý thông tin trên MXH được quy định tại Luật An ninh mạng năm 2018. Theo đó, các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật khi cung cấp, lưu trữ và truyền đưa thông tin trên mạng. Không được lợi dụng môi trường mạng để cung cấp, truyền đưa thông tin bị cấm như: đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; tuyên truyền, kích động bạo lực, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc…

Luật là thế, nhưng công tác quản lý MXH trên thực tế rất khó khăn; trong khi đó chế tài lại chưa đủ mạnh, thậm chí những vụ bị truy tố hình sự là rất hiếm hoi… nên không ít người còn xem thường pháp luật hoặc chưa nhận ra việc chỉ trích, công kích, chê bai người khác trên MXH là ứng xử kém văn minh.              

Phương Liễu


Phó giám đốc Sở TT-TT GIANG THỊ THU NGA:

Ý thức người dùng quyết định sự trong sạch của môi trường mạng

Hiện Bộ TT-TT đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên môi trường mạng. Bộ quy tắc này mang ý nghĩa lớn trong việc nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng MXH. Khi nhận thức đúng sẽ có hành vi đúng. Nếu tổ chức, cá nhân nào có hành vi vi phạm pháp luật tùy theo mức độ sẽ bị phạt tiền từ 2-30 triệu đồng, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, bên cạnh những quy định chế tài, để trong sạch môi trường mạng thì ý thức người dùng vẫn đóng vai trò quan trọng.

ThS tâm lý NGUYỄN CÔNG BÌNH, Phó giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức (TP.Biên Hòa):

MXH lan tỏa quá nhiều cái xấu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống

Trước một sự việc, hiện tượng trong xã hội, thay vì đưa ra những nhận xét, đánh giá thấu đáo, công tâm thì nhiều người dùng MXH để chỉ trích, chê bai, công kích sẽ khiến cho xã hội mất đi nguồn năng lượng tích cực, ảnh hưởng tiêu cực tới động lực làm việc, sáng tạo, cũng như khiến giảm sút niềm tin vào cuộc sống.

Do đó cần có những giải pháp chấn chỉnh, điều chỉnh kịp thời, đặc biệt là mỗi người sử dụng MXH nên có ý thức làm cho môi trường mạng trở nên lành mạnh, văn hóa hơn.

An Nhiên (ghi)


 

Tin xem nhiều