Báo Đồng Nai điện tử
En

Trăm năm vẫn đợi vẫn chờ

Nguyễn Thắm
19:25, 25/08/2023

Mỗi một lần đi xa trở về nhà, tôi đi bộ từ đường cái tắt ngang qua cánh đồng. Chẳng hiểu sao trong lòng  luôn trào dâng nỗi sợ mỗi khi đi qua gốc đa già. Nhưng có ma lực mãnh liệt, dù trái tim tôi đập loạn nhịp, một cảm giác sợ nhưng tôi vẫn muốn đi qua, và dừng lại ngồi bên gốc đa già thật lâu.

Hạnh phúc đơn sơ
Hạnh phúc đơn sơ. Ảnh minh họa: Nguyễn Bảo Sơn

Cây đa già ấy có từ bao giờ? Chẳng còn ai nhớ nổi, những người xưa cũ nay đã là thiên cổ, âm dương cách biệt biết hỏi ai. Cây đa trăm năm hay đã vài trăm năm với tấm thân lực lưỡng đứng trên gò đất cao, nơi đồng không mông quạnh. Tán lá xum xuê tỏa bóng mát che nắng cho những người nông dân lam lũ. Hay là ngọn hải đăng đưa đường dẫn lối những đứa con xa xứ như tôi trở về. Có người đi xa cả thập niên, khi trở về bỡ ngỡ với sự thay da, đổi thịt của vùng quê nghèo, nhưng không thể lạc lối vì cây đa vẫn sừng sững đứng đó như mời gọi, như đang vẫy tay sẵn sàng đón những người con đi xa trở về.

Gốc đa già ấy gần đường cái nên bỗng dưng trở thành bến đỗ, sân ga, là nơi biết bao cuộc chia tay đẫm nước mắt diễn ra. Sự dùng dằng của kẻ ở người đi, cái bóng lưng xa khuất, những bước chân nặng nề bịn rịn của người ra đi, nước mắt của người ở lại. Cây đa đứng đó mà chứng kiến tất thảy, mà cảm thông cho biết bao cuộc chia ly chẳng hẹn ngày về.

Ngày xưa, các bà các mẹ đi làm đồng về, tranh thủ ngồi dưới gốc đa hóng mát, mời nhau bát nước chè xanh. Lũ trẻ chăn trâu ghé vào chơi, nhặt chiếc lá đa, buộc cọng rơm thơm thành con nghé ọ, rỏng tai lên nghe câu chuyện làng. Ngày xửa, ngày xưa… ở trong làng có người con gái tên Xuyên, xinh đẹp, duyên dáng là con gái út của gia đình ông Ấm. Cô Xuyên và chú Mão thường hẹn hò nhau dưới gốc đa. Vì chiến tranh ác liệt, những thanh niên trai tráng trong làng đều lên đường tham gia chiến đấu vì hai tiếng Tổ quốc thiêng liêng. Ngày chú Mão lên đường, cô Xuyên tặng chú chiếc khăn thêu đôi uyên ương. Chú ra đi vào ngày mưa sụt sùi, và cứ thế đi mãi mà không ngày trở lại. Khi đồng đội báo tin chú đã ngã xuống ở nơi chiến trường, cô hóa điên hóa dại, cười cười nói nói, ngày ngày đứng dưới gốc đa mà chờ đợi đến héo mòn và ra đi vào một ngày mưa ngâu tháng bảy. Mọi người kháo nhau linh hồn người con gái trẻ tên Xuyên vẫn lẩn khuất ở trên vòm lá, tối “kẽo cà kẽo kẹt” đánh võng trên cành cây cao, bao nhiêu người ở làng thần hồn nát thần tính đã gặp bóng màu trắng bay phất phơ giữa những đêm u minh tịch mịch.

Những người mẹ già trong làng, tiễn đưa biết bao đứa con dưới gốc đa già. Biết bao người đàn bà đã dành cả tuổi trẻ, cả thanh xuân, cả cuộc đời mưa nắng, dông bão để đợi chờ mỏi mòn từ hạ sang đông. Bao nhiêu mùa lá rơi, mà mãi chưa thấy đứa con yêu trở về. Ngày chiến thắng, có biết bao nhiêu người mẹ khóc trong đớn đau, bởi xương máu các anh mãi mãi nằm ở vùng đất xa xôi nào đó mà không thể trở về với quê hương. Dù nhận giấy báo tử, những người mẹ ấy vẫn kiên định đợi từ lúc đầu xanh đến khi tóc đã bạc phơ bay trong chiều đông lạnh lẽo. Có người nói đợi hoài đâu thấy người về, có phải là cố chấp không? Tôi nghĩ không, bởi trong họ hạt mầm hi vọng vẫn nảy nở, như gốc đa già vẫn bao dung, vẫn kiên định chờ người đến mãi trăm năm hẳn sẽ vẫn chờ.

Khi tôi còn là đứa bé, bước thấp bước cao lẽo đẽo xách cái làn theo sau bà đi chợ huyện sáng sớm. Mỗi lần đi qua gốc đa, bà tôi đều dừng lại, lấy trong túi áo ra mấy miếng trầu têm sẵn để bên tảng đá. Bà bảo: “Biết đâu vẫn đang có những người đàn bà mãi mãi ngóng trông, chờ đợi điều gì đó thật mong manh, nhưng cũng vĩ đại lắm”. Như chuyện bà Hiền ấy, chỉ lời hứa hẹn của ông Hiển trước khi nhập ngũ, bà đợi cả thanh xuân, ai cũng nói bà dại khờ. Thế mà ngày ấy ông Hiển trở về với bao nhiêu vết thương và di chứng chiến tranh còn hằn in dấu vết trên cơ thể gầy gò, nhưng lại xoa dịu những vết thương lòng của những người đàn bà nơi hậu phương. Để những ngọn lửa của chiếc đèn dầu gần tắt kia lại được thắp lên những hi vọng dù mong manh quá. “Ở đời chỉ cần có người để yêu, có điều để hy vọng, thì người ta vẫn phải sống tiếp con ạ”.

Một chiếc lá đa già rơi về cội, xoay xoay trong gió đáp đất thật nhẹ nhàng. Tôi thương nhớ những người đàn bà đã dành cả cuộc đời mà đợi mà chờ. Tôi sực nhớ ra, mở chiếc ba lô lấy ra hộp bánh bích quy. Tôi cũng bắt chước bà tôi, vẫn luôn tin rằng những người đàn bà đã từng đưa chồng, tiễn con ra chiến trường, linh hồn vẫn đang ở đây, ngóng trông những người đàn ông trở về. Tôi đặt bánh ở tảng đá, ngẩng mặt lên ngắm những vòm lá xum xuê của cây đa già. Những chiếc lá xanh tươi đang rung rinh trong gió như mỉm cười chào đón tôi trở về với quê nhà yêu dấu. Đúng rồi, ở đời chỉ cần có người để yêu, có chốn để về và có điều để hi vọng… đó chính là cuộc sống. Như gốc đa già trăm năm vẫn chờ ai, đợi ai…          

Nguyễn Thắm

Tin xem nhiều