Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vừa khai mạc triển lãm tranh kính dân gian Việt Nam, tôi nghe mà cứ bồi hồi đến không ngủ được. Cả một ký ức tuổi thơ cứ tràn về trong tôi.
Tranh kiếng vẽ trên xe mì về tích Hứa Chữ lỏa y chiến Mã Siêu trong Tam Quốc chí |
Hồi tôi còn nhỏ, khoảng thập niên 60-70 của thế kỷ trước, ở Biên Hòa rất thịnh hành tranh kính, người Nam bộ gọi là tranh kiếng. Nghe người lớn kể, nghệ thuật tranh kiếng theo chân người Hoa di cư có mặt ở Nam bộ rất sớm, khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX nhưng rất đắt tiền, chỉ có người giàu có, quyền quý mới “chơi” nổi. Sang giữa thế kỷ XX, nghệ nhân làm tranh kiếng ngày càng nhiều, chất liệu sản xuất ngày càng đa dạng, phong phú dẫn đến sản phẩm, giá thành ngày càng rẻ, dòng tranh kiếng bình dân ra đời thì người lao động bình thường mới sắm nổi. Biên Hòa là vùng đất có người Hoa định cư từ rất sớm, vì vậy với sự giao thoa về văn hóa, một thời người dân Biên Hòa cũng thịnh hành sử dụng tranh kiếng.
* Trang trí, làm đẹp
Một trong những ký ức vui sướng của tuổi thơ tôi đó là cứ đầu tháng khoảng 2-3 tây (tức ngày 2-3 của tháng), má tôi lãnh lương xong là dắt hết mấy đứa con đi ăn tiệm. Tôi thích nhất là đi ăn mì hoành thánh của chú Tàu ở Biên Hùng, đầu đường vô ga xe lửa, lý do rất đơn giản: xe mì của chú có tranh kiếng vẽ các tích xưa như Hằng Nga bôn nguyệt, Tiên nữ hiến đào… Thú vị không kém là ở xe bán sâm bổ lượng (một thức uống của người Hoa) kế bên vẽ toàn là các tích trong Tam Quốc chí: Lữ Bố hí Điêu Thuyền, Hứa Chữ lỏa y chiến Mã Siêu (Hứa Chữ cởi áo đánh Mã Siêu; Hứa Chữ là viên đại tướng của Tào Tháo, còn Mã Siêu là một trong Ngũ hổ tướng của Lưu Bị)...
Tay nghề họa sĩ tranh kiếng dù là vẽ cho xe mì, xe sâm bổ lượng nhưng thuộc hàng “cao thủ”, Hằng Nga tha thướt, Điêu Thuyền yểu điệu và các nàng tiên nữ với những dải lụa vờn bay, phía sau Ngọc Hoàng và Tây Vương Mẫu có các tiên nữ cầm quạt hình dạng như chiếc quạt ba tiêu; Lữ Bố tay cầm phương thiên họa kích, đầu đội mũ trĩ, oai phong lẫm lẫm... tất cả như trong một thế giới khác đầy kỳ ảo. Mì của chú Tàu ngon là chắc rồi, nhưng ngoài phần ăn, xe mì của chú còn ngoài ý muốn là phục vụ thêm phần nhìn. Chú Tàu tự hào nói, tranh kiếng xe mì của chú mua của tiệm kiếng Tân Huê, ở tận Chợ Lớn (nay thuộc TP.HCM), trên tranh cũng có ấn ký của Tân Huê.
Bây giờ, nhà hiện đại mọc lên ngày càng nhiều, gu trang trí nhà cũng khác xưa, tranh kiếng xanh đỏ bị chê là “nhà quê”, dần biến mất nơi phố thị. Về miệt Nhơn Trạch, thỉnh thoảng thấy vài nhà vẫn giữ được bộ tranh kiếng xưa, như nhà của anh Phạm Sỹ Linh, Trưởng ban Dân vận huyện. Nhìn cứ thấy rưng rưng! |
Ba tôi cũng hay chở các con đi ăn hủ tiếu bò viên ở bờ sông Đồng Nai, đoạn gần trụ sở UBND tỉnh hiện nay. Tôi nhớ hồi xưa đoạn này có ngôi nhà lớn, trong sân có cây xoài, dân xung quanh gọi là cây xoài Trần Lâm, buổi trưa người ăn xin hay tụ ở cây xoài này nghỉ ngơi. Xe hủ tiếu bò viên ở đây cũng có tranh kiếng, vẽ hình Bát Tiên quá hải. Ba tôi chỉ vào từng vị, giải thích cho chúng tôi về Bát tiên, cách phân biệt các vị: Hà tiên cô là người phụ nữ duy nhất, Lã Đồng Tân là người mang kiếm, Lý Thiết Quài mang hồ lô, Hán Chung Ly cầm quạt, Trương Quả Lão mang trống, Hàn Tương Tử cầm sáo, Lam Thái Hòa xách chiếc giỏ… Tranh không lớn, nhưng thể hiện thần thái nhân vật rất có nét riêng. Vì thế, tranh kiếng không chỉ phục vụ phần nhìn, còn góp phần nâng cao, tích lũy kiến thức cho người xem.
Nói về tranh kiếng, bà cố ngoại tôi là “fan cứng”. Bà là địa chủ thuộc hàng giàu có nên không tiếc tiền để trang hoàng, nhà bà khắp nơi đều treo tranh kiếng. Ngay phía sau bàn thờ gia tiên, bà treo bộ tranh thờ Cửu huyền thất tổ to đùng, cẩn xà cừ lóng lánh, ai bước vào nhà là thấy ngay. Trên vách hông nhà, bà trang trí bằng bộ tranh Mai - Lan - Cúc - Trúc, còn vách đối diện là bộ Tứ đại mỹ nhân (Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền, Dương Quý Phi) bức nào cũng vẽ tinh xảo, rất đẹp. Nghe kể, khoảng năm 1952, bà mua mấy bộ tranh kiếng này tận dưới Gò Công với giá hơn 10 ngàn đồng, mà vàng lúc đó chỉ gần 3 ngàn đồng/lượng, tính ra mấy bộ tranh hơn 3 lượng vàng.
* Tác dụng giáo dục
Ông Tư hàng xóm nhà tôi có mấy bộ tranh kiếng mà ông cất công qua tận Lái Thiêu (nay thuộc Bình Dương) tìm mua đem về trang hoàng nhà mới. Lái Thiêu thời đó nghề làm tranh kiếng rất phát triển. Tôi thường ngẩn người ngắm bức tranh kiếng dạng liên hoàn vẽ một chàng thư sinh chắp tay từ biệt hai người phụ nữ một già một trẻ, kế đến là cảnh hai người phụ nữ ấy ngồi trên lưng con cọp, xung quanh là rừng núi, cuối cùng là cảnh vẽ người phụ nữ trẻ cầm dao lóc thịt cánh tay, kế bên là bà già nằm thoi thóp. Tranh vẽ kiểu minh họa, không sắc xảo lắm, nhưng màu sắc xanh đỏ rực rỡ khá thu hút. Má tôi giảng giải, đấy là tích Thoại Khanh - Châu Tuấn. Châu Tuấn lên kinh ứng thí, mẹ già ở nhà giao cho vợ là Thoại Khanh; Thoại Khanh hết lòng chăm sóc mẹ chồng, lóc thịt tay mình cho mẹ ăn khi mẹ đói, hy sinh đôi mắt để cứu mẹ, tấm gương hiếu thảo động cả lòng trời (con cọp cõng ra khỏi rừng). Tranh kiếng nhà ông Tư còn có bộ Lưu Bình - Dương Lễ, đề cao tình bạn. Chức năng tranh kiếng không chỉ đơn thuần là trang trí, còn mang ý nghĩa giáo dục.
Tranh kiếng Cậu Tài - Cậu Quý, ở xã Phú Thạnh (H.Nhơn Trạch) |
Bà nội tôi ngày xưa bán hàng ở chợ Kỷ Niệm (nay thuộc P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa). Gần sạp hàng của bà có gian miếu thờ Thổ Địa, mấy bà mấy cô buôn bán trong chợ nói Ông Địa rất thiêng nên sáng nào cũng mang đồ cúng ông, thắp nhang nghi ngút. Tôi hay mò ra miếu Thổ Địa để “xin” đồ cúng, phát hiện trong gian miếu nhỏ chồng chất những bức tranh kiếng hư cũ, có bức vẽ Ông Địa cưỡi con cọp, có bức hình 3 ông, có bức hình 5 ông, lại có bức vẽ hình 2 người đàn ông, một người ôm thỏi vàng, người kia ôm con gà trống... Tôi tiếc của, hì hục chọn những bức còn đẹp ôm về nhà.
Ba tôi phì cười, giải thích đấy là tranh thờ trong nhà của dân ở gần đó, vì là đồ đã thờ nên khi hư hỏng người ta không dám vứt vào thùng rác mà đem ra “gửi” ở nơi linh thiêng khác như đình, miếu. Bức vẽ Ông Địa cưỡi cọp thể hiện hình tượng hào hùng bắt nguồn từ lịch sử khẩn hoang vùng đất mới phương Nam, cưỡi cọp có ý nghĩa rằng người dân đất (địa) này đã diệt hoặc thuần phục được vị chúa tể sơn lâm, xóm làng bình yên. Bức vẽ 3 hoặc 5 ông đều là Ông độ mạng, trong đó ông ở giữa là Quan Công, hai bên là Quan Bình là Châu Xương - đều là những vị tướng tài giỏi thời Tam Quốc, còn 5 ông thì có thêm Trương Tiên và Vương Thiên Quân, dân gian gọi là Ngũ công vương phật, thờ phụng 5 vị này chính là nhằm giáo dục cho con cháu về chữ “trung”, chữ “nghĩa”. Riêng bức vẽ hai vị ôm vàng, gà thường gọi là Nhị vị công tử, hoặc theo dân gian gọi là Cậu Tài - Cậu Quý, tượng trưng cho ước mơ được vinh hoa phú quý.
Vậy đó, tranh kiếng một thời gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần của người Nam bộ, trong đó có Biên Hòa. Giàu nghèo gì chí ít cũng có thể sắm được tấm tranh kiếng treo trong nhà. Tôi vẫn nhớ mấy ngày cuối năm, bà nội tôi hối bọn nhỏ đem tranh kiếng ở bàn thờ Ông Táo xuống lau rửa, một năm trời nằm gần bếp lò hết than lại củi, tranh Ông Táo ám khói đen thùi nhưng chỉ cần lau rửa qua nước xà bông, tranh lại như mới, đưa lên bàn thờ cúng kiếng tiếp thêm một năm nữa, tiện lợi vô cùng. Có điều, mấy bức tranh kiếng vẽ phong cảnh treo ở phòng khách nhà tôi thì không được may mắn như vậy, mấy anh em nhà tôi cứ đá banh ầm ầm cả ngày, không tránh được có một, hai cú sút vào tranh, thế là vỡ toang. Đó là cái nhược của tranh kiếng: dễ bể, khó vận chuyển. Nhưng có gì tồn tại mãi với thời gian đâu…
Hà Lam
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin