Báo Đồng Nai điện tử
En

Anh Lê Trung Thông - Giám đốc Công ty Lagom Việt Nam::
Có quyết tâm, rác thải sẽ thành vàng!

07:20, 02/09/2023
Anh Lê Trung Thông

Hiện là Giám đốc Công ty Tái chế rác Lagom Việt Nam, anh LÊ TRUNG THÔNG được ví như là người “biến rác thành vàng”. Công ty của anh đang thu gom vỏ hộp thức uống giấy tại hơn 4 ngàn trường học, nhà máy, siêu thị… trên cả nước. Đặc biệt các sản phẩm này được tái chế xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Mỹ. Nguồn rác thải này đang được biến thành nguồn tài nguyên có giá trị. Anh Thông đã có cuộc trò chuyện với Đồng Nai cuối tuần.

Lan tỏa lối sống cống hiến

 Xin chào anh, được biết anh tốt nghiệp Kỹ sư thiết bị đo và điều khiển công nghiệp tại Đại học Bách khoa Hà Nội và đã có nhiều năm nghiên cứu về nhân tướng học và nhân sự, Phật giáo, Kinh dịch, triết học Phương Đông, tâm lý và quản trị, nhưng sao lại chọn lối đi của mình là sống vì môi trường,vì cộng đồng?

- Tôi vốn là dân kỹ thuật, học chuyên toán, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2008. Bản thân vốn thích các giải pháp kỹ thuật ứng dụng để giải quyết những nan đề của xã hội. Từ lúc còn trên ghế đại học, tôi đã luôn tìm tòi suy nghĩ trả lời các câu hỏi về cuộc sống. Bản thân chọn nghiên cứu sâu các lĩnh vực xã hội, bởi tôi nghĩ đó là xu hướng tất yếu, càng hiểu biết về nhân loại học thì càng làm được những điều hữu ích cho xã hội cũng như cho cuộc sống của mình.

Trước kia, tôi vẫn mang trong người tinh thần làm việc với mục tiêu ưu tiên nhất trong công việc là tìm cách tăng trưởng và lợi nhuận. Tuy nhiên công việc càng phát triển, tôi càng thấy không đủ, nhiều sức ép và đã nhận ra, mình đã không hạnh phúc với những mục tiêu mình đạt được, và tôi như mất định hướng. Qua thời gian tôi hiểu rõ bản thân mình cần phải vượt qua cám dỗ của cuộc sống, và quan trọng nhất là phải chiến thắng chính bản thân mình.

Năm 2019, Doanh nghiệp Lagom Việt Nam ra đời. Lagom hoạt động chính trong lĩnh vực giáo dục, thu gom và tái chế rác thải. Tôi và cộng sự đã bắt đầu công việc từ việc đi thu gom rác là những vỏ hộp sữa từ hơn 4 ngàn trường học trong khắp cả nước và đem về tái chế những vỏ hộp sữa tưởng chừng vô dụng này thành những bộ trò chơi dành cho giáo dục kiến tạo, những vật dụng nội ngoại thất hữu ích...

Đến giờ thì tôi hiểu, dù chúng ta làm nghề gì đi chăng nữa thì chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống. Vì vậy chọn sống một cuộc đời như thế nào là do mình.

 Anh từng là một giáo viên dạy kỹ năng sống; thành viên các nhóm tình nguyện xây trường cho trẻ em vùng cao và quỹ từ thiện lắp máy lọc nước cho các địa phương vùng lũ. Anh cũng là sáng lập viên của Quỹ Tìm lại màu xanh hoạt động nhằm tái tạo rừng và giáo dục thay đổi nhận thức của cộng đồng về lối sống cân bằng với tự nhiên, điều gì khiến anh đến với công việc này?

- Trước khi thành lập Doanh nghiệp Lagom để xử lý vấn đề rác thải, thì tôi cũng có những hoạt động thiện nguyện nhỏ, mang tính cá nhân hoặc hội nhóm. Năm 2015, tôi tham gia nhóm “Ngôi trường ước mơ”, nhóm quy tụ nhiều thành viên trên khắp mọi miền Tổ quốc với tâm niệm “Cho đi là nhận lại”. Sau 8 năm, nhóm đã làm 96 điểm trường kiên cố dành tặng cho cô và trò ở bản vùng cao. 

Anh Lê Trung Thông trong một hoạt động xã hội
Anh Lê Trung Thông trong một hoạt động xã hội

Cũng như những bậc phụ huynh có trách nhiệm khác, tôi luôn muốn dành điều tốt nhất cho con cái của mình: giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nghệ thuật, thể thao… 

Vì thế tôi có suy nghĩ mình phải đứng ra với vai trò là một người cha, phải bắt tay vào hành động vì tương lai của con mình. Cũng chính là giải quyết vấn đề mà thế hệ mình đang gây ra, không thể để lại nan đề đó cho thế hệ sau phải gánh chịu. Với tôi, đó là trách nhiệm người đàn ông phải gánh vác, không thể lẩn tránh.

Vì vậy tôi đã lập Quỹ Tìm lại màu xanh hoạt động nhằm tái tạo rừng và giáo dục thay đổi nhận thức của cộng đồng về lối sống cân bằng với tự nhiên.

 Làm công tác cộng đồng, chắc anh có nhiều kỷ niệm đáng nhớ ?

- Kỷ niệm thì nhiều nhưng đáng nhớ là trong một chuyến đi khánh thành một ngôi trường ở Hà Giang, một chiếc xe của đoàn tôi bị mất lái và lao xuống vực. Điều đáng nói là trong xe có cặp vợ chồng người bạn đang gặp trục trặc lớn trong cuộc sống hôn nhân và một người con nhỏ của họ. Tôi là người đã khuyên anh ấy đưa vợ đi như là một cơ hội cuối để tìm kiếm lại sự kết nối. Trong giây phút sinh tử đó, mọi người đều nhận ra sự quan tâm sâu sắc, tình yêu với nhau, với cuộc sống. Những khúc mắc, khó khăn trong cuộc sống không ghê gớm như mình tưởng, rất may mắn dù xe bị hư hỏng hoàn toàn nhưng người trên xe không việc gì. Sau khi thoát tai nạn hai người bạn lại tiếp tục cuộc hôn nhân với thêm một thành viên mới và nhiều niềm vui mỗi ngày.

“Giáo dục môi trường gắn liền với cuộc sống ở mọi khía cạnh: sản xuất, tiêu dùng, ăn, mặc, ở, vui chơi, giải trí… Nếu mọi người hiểu biết về cách sống cân bằng thì sẽ hiểu và có trách nhiệm với môi trường sống của mình cũng như những sinh vật khác”.

Ngoài ra, trong quá trình làm việc cho cộng đồng, thấy được những mảnh đời khó khăn thiếu thốn của bà con dân tộc vùng cao, cũng như sự hy sinh phi thường của thầy cô giáo cắm bản khiến bản thân tôi và mọi người luôn cảm thấy cảm phục, luôn là động lực để chúng tôi tiếp tục, không tự cao với những gì nhỏ bé mình đang làm được.

Mong có một thế hệ trẻ sống xanh và bền vững

 Anh có gặp khó khăn khi hoạt động chuyên về thu gom rác thải? Được ví là người “biến rác thành vàng” anh nói gì về việc này?

- Từ khi thành lập Lagom năm 2019, tôi nhận thấy, xét về khía cạnh kinh tế, nếu rác thải được phân loại và xử lý đúng cách, sẽ là tài nguyên có giá trị. Tôi luôn hy vọng Lagom cũng như các doanh nghiệp môi trường khác có thể có lợi nhuận tốt từ các giải pháp hữu ích, từ đó có thể ngày càng mở rộng hiệu quả hoạt động để xử lý vấn đề lớn hơn.

Với bất cứ start-up nào, nhất là trong lĩnh vực trách nhiệm xã hội cũng gặp nhiều khó khăn, tôi đã xác định trước đó là điều bình thường trước khi khởi nghiệp.

Qua công việc, tôi có thêm rất nhiều bạn tốt, đồng nghiệp tốt từ khi chúng tôi có chung quan điểm sống cống hiến cho xã hội. Tôi cũng tìm được nhiều vị thầy, nhiều kiến thức mới, nhiều hiểu biết mới trong quá trình đi tìm lời giải cho trách nhiệm xã hội; mối quan hệ gia đình tôi cũng cải thiện tốt và sâu sắc - đó là những báu vật trong cuộc đời.

 Việc Lagom đưa sản phẩm tái chế ra nước ngoài là cơ duyên hay là hướng đi anh xây dựng từ trước?

- Ngay từ khi thành lập Lagom, tôi đã nhận được nhiều sự quan tâm và ủng hộ của bạn bè quốc tế; và sau đó Lagom cũng đạt nhiều giải thưởng quốc tế (Giải thưởng cho sản phẩm sáng tạo ở Đức, giải thưởng cho doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Hà Lan, Malaysia, Canada…). Tôi tin rằng, mọi thứ xảy ra đều có lý do và không có gì ngẫu nhiên cả. Rằng có những điều nhỏ nhoi có thể tạo nên thay đổi lớn lao. “Chỉ cần một con bướm đập cánh ở Brasil có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas” - hiệu ứng cánh bướm. Việc mình xả rác ở Việt Nam đã góp phần tạo ra một đảo rác ngoài Thái Bình Dương, thì việc mình giảm phát thải rác ở Việt Nam cũng có tác dụng tốt với môi trường ở những khu vực địa lý khác. Tôi luôn muốn tư duy của mình thoát khỏi những giới hạn để đạt hiệu quả cao nhất.

  Theo anh để mọi người có trách nhiệm với môi trường sống thì cần gì?

- Trước hoạt động thu gom và tái chế, chúng tôi làm giáo dục nâng cao nhận thức về phân loại rác, bảo vệ môi trường và xây dựng lối sống xanh với hơn 1 triệu học sinh tiểu học mỗi năm, và hy vọng sau 10 năm Việt Nam sẽ có một thế hệ trẻ sống xanh và bền vững.

Giới trẻ hiện nay đã có sự hiểu biết tốt; có nhiều điều kiện, công cụ và năng lượng để tham gia nhiều hoạt động xanh, đó là điều thực sự đáng mừng. Có nhiều hoạt động thu gom rác được các bạn trẻ tham gia, ủng hộ và lan tỏa. Chúng tôi nhận được nhiều lời đề nghị làm tình nguyện viên cho các chương trình hoạt động. Điều này khích lệ chúng tôi rất nhiều trong hành trình nhiều gian nan này.

 Xin cảm ơn anh!

Lê Việt Nhân (thực hiện)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích
Mua thùng rác hdpe tại Hà Nội