Báo Đồng Nai điện tử
En

Bùi Thế Bảo, founder VECA-Ve chai công nghệ Việt Nam:
“Ve chai không chỉ là nghề thu mua rác”

Lê Việt Nhân
07:40, 30/09/2023
Anh Bùi Thế Bảo

Các nhà máy tái chế rác tại Việt Nam luôn thiếu nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài, trong khi rác thải trong nước thì thừa do không được phân loại, thực tế ấy khiến anh Bùi Thế Bảo sáng lập nên app (ứng dụng) VECA-Ve chai công nghệ đầu tiên của Việt Nam.

Sản phẩm không chỉ nhằm tối ưu việc thu gom rác thải mà còn giúp mọi người có thể phân loại rác dễ dàng. Tháng 9 vừa qua tại Thái Lan, anh Thế Bảo đã giới thiệu với cộng đồng thế giới về app ve chai công nghệ Việt Nam này. Anh cũng đã có cuộc trò chuyện với Đồng Nai cuối tuần về mục tiêu trở thành một thành phần của hệ sinh thái tái chế tại Việt Nam.

Mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái tái chế

 Chào anh, xin được bắt đầu câu chuyện từ chuyến xuất ngoại ngày 13-9 vừa qua của anh để giới thiệu app VECA với bạn bè nước ngoài. Anh đã học được gì từ chuyến đi này?

- Đây là cuộc giao lưu kinh nghiệm giữa 4 quốc gia: Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam với mục đích chia sẻ về định hướng xây dựng một nền tảng (Platform) dữ liệu của 4 quốc gia hướng đến kinh tế tuần hoàn và định hướng giải pháp cho chính sách EPR trong tương lai. Việt Nam tham gia với 3 đơn vị gồm: GreenHub, AnPhat Holding và VECA. Tại đây, mọi người chia sẻ, giới thiệu về giải pháp, hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức đang tham gia. Dịp này giới thiệu VECA với cộng đồng ngoài nước, tôi muốn được học hỏi những kinh nghiệm từ kiến thức, kinh nghiệm của Thái Lan, đơn vị tổ chức và họ đã có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý chất thải rắn để áp dụng trong công việc xây dựng và vận hành app VECA tại Việt Nam.

 Nói tới nghề thu mua ve chai, lâu nay người ta thường nhớ ngay tới những cô chú có tuổi đẩy xe cút kít hay xe đạp cũ, chở các bịch ny-lông lớn nhỏ buộc lẫn các loại phế liệu. Từ khi app VECA ra đời thì hệ sinh thái thầm lặng này đã dần thay đổi. Anh nói về lý do đến với app VECA?

- Tôi tốt nghiệp ngành kỹ thuật môi trường của Trường đại học Bách khoa TP.HCM, có hơn 10 năm công tác trong lĩnh vực vận hành quản lý hệ thống môi trường doanh nghiệp và 5 năm với vai trò quản lý nhà máy tái chế giấy. Tôi nhận thấy có một vấn đề rất phi lý đang diễn ra, đó là việc phân loại rác tái chế của chúng ta chưa tốt dẫn đến các nhà máy tái chế luôn ở trong tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu để sản xuất. Chúng ta phải nhập rác từ nước ngoài để đảm bảo nguồn nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy, trong khi nguồn nguyên liệu đó phần lớn đến từ ve chai. Điều đó khiến tôi và các cộng sự suy nghĩ và cho ra đời app VECA để giúp tối ưu việc thu gom rác thải tại nguồn hiệu quả, minh bạch về giá cả, tiết kiệm thời gian.

Năm 2019, tôi bắt tay vào thiết lập VECA với những việc đầu tiên là khảo sát thị trường, định hướng mô hình kinh doanh và xây dựng nền tảng ứng dụng để phân loại rác tại nguồn. Tháng 4-2021, chúng tôi cho thử nghiệm 2 app VECA và
VECA-thu gom tại Q.Phú Nhuận. Trong thời điểm đó thì dịch Covid-19 bùng phát tại TP.HCM, phải đến ngày 13-12-2021, VECA mới hoạt động trở lại đến hôm nay.

 App VECA ra đời đã tạo ra sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng mua bán ve chai và là app tiên phong trong nghề mua bán rác thải tại nước ta, anh có thể giới thiệu về sản phẩm này?

- Về cơ bản, VECA hoạt động như một mô hình gọi xe công nghệ. Người có nhu cầu bán phế liệu sẽ đăng lên ứng dụng để tìm người thu gom đến mua. Trong đó, giá các phế liệu sẽ được tổng hợp và điều chỉnh dựa theo giá thu mua của vựa và theo khu vực. Giá hiển thị trên ứng dụng không do công ty đặt ra, được công khai và điều chỉnh cân bằng giữa lợi ích của người mua - người bán. VECA cho biết có thực hiện khảo sát với vựa và người thu mua về mức giá. Hiện, có hai hình thức thanh toán là tiền mặt và ví Momo.

Thời gian đầu, các tình nguyện viên VECA sẽ hỗ trợ người mua ve chai làm quen với cách làm mới. Khi khối lượng phế liệu qua vựa trong hệ thống đủ lớn, đơn vị sẽ thu mua phế liệu lại từ các vựa và kinh doanh đến các nhà máy tái chế. Để phát triển mạnh hơn, VECA vẫn đang tìm kiếm nhà đầu tư, hướng đến mục tiêu trở thành một thành phần của hệ sinh thái tái chế tại Việt Nam.

Hiện tại, app VECA đang hoạt động tại 3 quận của TP.Thủ Đức và 16 quận của TP.HCM. Mục tiêu của VECA là mong muốn lan tỏa ý thức phân loại rác tại nguồn đến mọi người trên toàn quốc.

Để mua bán ve chai không chỉ là thu mua rác

 Khởi đầu khiêm tốn với vài thành viên, app ve chai đã được nhiều người biết đến. Anh đặt mục tiêu gì cho app ve chai Viêt Nam?

- Với nguồn lực nhỏ của mình, VECA vẫn cố gắng bước đi trên con đường của riêng mình. Công việc không hề dễ dàng, nhưng đội ngũ VECA luôn đề cao tinh thần sáng tạo và kiên trì trong việc đổi mới. Chúng tôi không ngừng phát triển các tính năng hiện có, tìm kiếm những cách tiếp cận mới để thu hút người dùng và mở rộng cộng đồng bảo vệ môi trường. VECA đã không ngừng mở rộng quy mô hoạt động và phạm vi tác động. Từ việc kết nối với nhóm người thu gom ve chai, chúng tôi đã mở rộng kết nối với các nhóm đối tượng khác như các nhà máy tái chế.

“Người dân Việt Nam không phải không có ý thức về môi trường, cái đang thiếu là giải pháp để đồng hành cùng với họ. Người dân đang thiếu giải pháp tốt hơn bên cạnh việc chỉ bỏ rác. Tình hình hiện tại, khiến chúng ta hình thành thói quen chưa tốt là vứt tất cả mọi thứ vào thùng rác”.

VECA mong muốn mở rộng kết nối với các nhóm đối tượng khác để xây dựng cộng động nhóm đối tượng trong hệ sinh thái tái chế. Hiện tai, VECA cùng với Greenhub, WINROCK và USAID, đang thực hiện dự án thí điểm tại TP.HCM, mong muốn mang đến giải pháp cho nhóm đối tượng vựa phế liệu. Trong dự án này, chúng tôi kỳ vọng tạo ra giải pháp app cho nhóm đối tượng vựa phế liệu, trở thành mô hình hoạt động bền vững trong tương lai. Thông qua các hoạt động: kết nối các vựa phế liệu đến nhà máy tái chế; đảm bảo đầu ra ổn định cho vựa phế liệu; xây dựng chính sách thu mua/đối tác cho vựa phế liệu và nhà máy tái chế; quản lý  số liệu thu mua đầu vào và đầu ra.

 Anh đã mất nhiều thời gian và tài chính cho sản phẩm này, liệu có liều lĩnh?

- Quá liều luôn chứ ạ, như chia sẻ từ đầu tôi không phải là dân công nghệ hoặc có kiến thức về doanh nghiệp như các “founding team” trong các doanh nghiệp hoặc startup khác. Tuy nhiên, gần 10 năm làm trong lĩnh vực môi trường và 5 năm trong lĩnh vực tái chế giấy cũng mang đến cho tôi những kiến thức nhất định trước khi bắt tay vào VECA.

Khó khăn thì rất nhiều, là kỹ sư môi trường, hoàn toàn không thiên về công nghệ, marketing hoặc liên quan đến quản trị doanh nghiệp nên khi xây dựng và thiết kế app vận hành doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Khi ý tưởng app VECA không thu phí của bất kỳ người sử dụng nào đã khiến rất nhiều người thắc mắc. VECA sống bằng gì? Kinh phí nào để vận hành? Điều đó cũng tốn không ít thời gian để chúng tôi hỏi ý kiến từ những người liên quan trong lĩnh vực này, từ người thu gom ve chai, người tiêu dùng, chủ vựa phế liệu... Tuy nhiên, tôi đã nhận lại rất nhiều kết nối, mối quan hệ từ những tổ chức, cá nhân có chung sư quan tâm về môi trường, định hướng kinh tế tuần hoàn đã ủng hộ. Chính điều đó đã giúp app được tiếp tục phát triển và hoàn thiện.

 Anh có kế hoạch đưa app VECA vào giáo dục môi trường?

- VECA viết tắt của 2 chữ ve chai. Chúng tôi định hướng từ đầu mong muốn thay đổi từ “rác tái chế” trở thành ve chai, để tránh đi chữ rác. Quan niệm chúng ta vẫn nghĩ rác là thứ không có giá trị. Chúng tôi xác định động lực để người dân phân loại rác tại nguồn là giá trị của ve chai bên cạnh ý thức về môi trường. Trên ứng dụng VECA, chúng tôi mong muốn mang đến hình ảnh trực quan về những gì có thể tái chế được trong kết nối hiện tại của VECA. Tất nhiên, chúng tôi mong muốn sẽ bổ sung danh mục có thể tái chế như: đồ điện tử, chai lọ thủy tinh… Tuy nhiên, nó phụ thuộc vào việc VECA có thể kết nối được với các nhà máy tái chế chính quy, phù hợp với định hướng hoạt động của doanh nghiệp và môi trường. VECA đang thường xuyên hoạt động, đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhãn hàng trong các chương trình Thu gom tái chế cùng các đối tác như Saigon Co.op, Tetra Park Việt Nam, Coca Cola....

Những gì VECA đang làm là tìm giải pháp để đồng hành với những ai đã có ý thức phân loại rác tại nguồn. Xã hội đang cần một giải pháp để ve chai đi theo con đường ve chai và rác đi theo con đường rác. VECA kết nối người mua ve chai với người đã thực hành việc phân loại rác tại nguồn. Ve chai sẽ đi theo con đường được tái chế không để lẫn vào rác. Thay đổi định kiến về nghề ve chai. Giảm tỷ lệ rác xử lý, vừa giảm áp lực đến môi trường và mang đến nguồn nguyên liệu tái chế cho các nhà máy tái chế. Bên cạnh đó là duy trì  ý thức của cộng đồng về phân loại rác tại nguồn.

 Xin cảm ơn anh!

Lê Việt Nhân (thực hiện)

Tin xem nhiều