Báo Đồng Nai điện tử
En

Chùa cổ Khánh Lâm và lịch sử khẩn hoang Nhơn Trạch

Hà Lam
09:12, 23/09/2023

Trong lịch sử khẩn hoang, mở đất của xứ Đồng Nai, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo luôn gắn liền với lịch sử phát triển của vùng đất. Chùa cổ Khánh Lâm (xã Phú Thạnh) chính là minh chứng cho quá trình khẩn hoang của lưu dân Việt xưa ở vùng đất Nhơn Trạch.

Chính diện chùa Khánh Lâm (xã Phú Thạnh, H.Nhơn Trạch). Ảnh: H.Lam
Chính diện chùa Khánh Lâm (xã Phú Thạnh, H.Nhơn Trạch). Ảnh: H.Lam

Như hầu hết những ngôi chùa cổ khác ở Đồng Nai, đến nay chưa có tư liệu văn bản chính thức nào về năm hình thành, nhưng theo các lạc khoản còn lưu giữ trong chùa thì Khánh Lâm cổ tự được xây dựng vào năm 1787 và có lẽ đây là ngôi chùa ra đời sớm nhất ở vùng Nhơn Trạch. Ngoài giá trị là cơ sở tôn giáo gắn bó lâu đời với đời sống tinh thần của cư dân địa phương, gắn liền với lịch sử khẩn hoang của vùng đất, chùa Khánh Lâm còn lưu giữ những giá trị mỹ thuật độc đáo.

* Đất xưa làng cổ

Xã Phú Thạnh nơi chùa Khánh Lâm tọa lạc là một trong những ngôi làng cổ của vùng Nhơn Trạch, với tên gọi xưa là thôn Phước Thạnh. Cũng chưa có tư liệu về năm hình thành của thôn. Chỉ biết, Gia Định thành thông chí của tác giả Trịnh Hoài Đức ra đời vào năm 1820 đã có nhắc đến địa danh này. Theo đó, thôn Phước Thạnh là 1 trong 29 thôn thuộc tổng Thành Tuy, huyện Long Thành. Điều này cho thấy thôn Phước Thạnh chắc chắn phải hình thành từ trước đó.

Một số người lớn tuổi cho rằng tên gọi Phú Thạnh hiện nay là do sáp nhập 2 làng Phước Thạnh và An Phú, mà chứng tích là đình thần của làng An Phú (đình Trung Cựu An Phú) hiện nay nằm ở ấp 1, xã Phú Thạnh. Làng xưa có diện tích khá lớn, theo thống kê năm 1878, Phước Thạnh lúc ấy có 4 ấp, gồm: Rạch Giồng, Bến Cộ, Cù Lao Ông Cồn (nay thuộc xã Đại Phước) và Bàu Sen.

Lịch sử hình thành làng cổ Phước Thạnh gắn liền với các cuộc di dân lớn của lưu dân chủ yếu là vùng Ngũ Quảng thời chúa Nguyễn, như hầu hết các làng cổ khác của xứ Đồng Nai. Khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh thiết lập hệ thống hành chính tại Đồng Nai vào năm 1698, cùng với những chính sách khuyến khích khẩn hoang mở đất, đã mở đầu cho các cuộc di dân có tổ chức vào miền đất mới mà Đồng Nai chính là điểm đầu của hành trình mở đất, khẩn hoang vùng Nam bộ. Xứ Nhơn Trạch do những đặc điểm thuận lợi về giao thông, đất đai thổ nhưỡng, khí hậu, sản vật… nên là một trong những địa điểm được lưu dân tìm đến và chọn làm nơi định cư.

Chùa Khánh Lâm hiện còn 11 long vị thờ các vị trụ trì, từ vị khai sơn là sư ông Tịnh Nhãn, dòng Lâm Tế đời 37 cho đến sư ông Quảng Nghiêm, thuộc dòng Lâm Tế đời 42. Cùng với lạc khoản thời điểm chế tác bộ cột đá, đây cũng là một trong những căn cứ để xác định thời điểm hình thành chùa.

Có dân là có thôn làng. Thôn làng hình thành, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cũng theo đó ra đời. Theo truyền thống của Việt Nam, quy mô của các cơ sở thờ tự thường phản ánh đời sống kinh tế của người dân địa phương. Tỳ kheo ni Thích Nữ Tắc Tâm (thế danh Lưu Thị Ba), trụ trì chùa Khánh Lâm, kể rằng năm 1787 có một sư ông gốc người Huế pháp danh là Tịnh Nhãn, húy Tiên Sắc, thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 37, vốn là vị quan của nhà Nguyễn về thôn Phước Thạnh ẩn tu. Do điều kiện thổ nhưỡng, thôn Phước Thạnh nằm ở vị trí cao, phần lớn là vùng đất giồng khô khan, chỉ có một số đất ruộng nằm ở Bến Cộ và Cù Lao Ông Cồn, vì thế đời sống lưu dân khẩn hoang nơi đây ban đầu khá khó khăn. Dân nghèo thì chùa cũng nghèo. Ban đầu, chùa xây dựng rất đơn sơ, chỉ là một am tranh nhỏ, xung quanh là rừng rậm mịt mù. Sau này khi cuộc sống người dân Phước Thạnh khấm khá hơn, chùa theo đó mà thay đổi, nhưng cơ bản vẫn là ngôi chùa đơn sơ.

* Độc đáo chùa cổ

Hơn trăm năm sau, vào năm 1904, sư ông Chơn Hạnh, húy Như Khải, thuộc dòng Lâm Tế thứ 39, đã vận động phật tử khắp nơi xây dựng chùa. Đây là đợt xây dựng lớn nhất, tạo ra dấu ấn độc đáo cho ngôi cổ tự và còn lưu giữ được đến ngày nay.

Kiến trúc chùa Khánh Lâm thiết kế theo lối truyền thống ba gian hai chái. Điểm nổi bật là hệ thống cột, móng, nền đều làm bằng đá xanh Biên Hòa, khung vì kèo bằng gỗ được chạm trổ, mái lợp ngói vảy cá. Nội thất chánh điện trang trí nhiều hoành phi, liễn đối, bao lam bằng gỗ chạm rồng, mây, dây hoa lá cách điệu. Tất cả đều được sơn son thếp vàng, tạo nét uy nghi lộng lẫy.

Bộ tượng La Hán tạc từ gỗ mít, có giá trị mỹ thuật dân gian
Bộ tượng Thập điện Diêm vương tạc từ gỗ mít, có giá trị mỹ thuật dân gian

Đặc biệt, một số phật tử đã phụng cúng cho chùa 22 cây cột đá, trong đó có 8 cột cao đến 4,5m, những cây còn lại thấp nhất cũng 3m. Cột được chế tác từ đá xanh Biên Hòa, một số thân cột được chạm khắc hoa văn tinh xảo. Số cột này được sư ông Chơn Hạnh cho người chế tác ở làng đá Bửu Long (nay thuộc P.Bửu Long, TP.Biên Hòa), sau đó dùng xe bò kéo về chùa. Cột rất nặng, lúc bấy giờ phương tiện vận chuyển còn thô sơ, chỉ có xe bò, muốn chở cột phải dùng 2 chiếc xe bò đâu lại mới kéo nổi một cây cột đá, một chuyến đi chỉ có thể vận chuyển được 4 cây cột. Tính ra, mất 6 đợt đi về mới vận chuyển hết được số cột đá nói trên. Giá mỗi cây cột ước khoảng trên 1 ngàn giạ lúa. Vào đầu thế kỷ 20, giá lúa ở miền Nam xấp xỉ khoảng hơn 3 đồng/giạ, bộ 22 cột đá nói trên trị giá khoảng gần 70 ngàn đồng - một số tiền rất lớn so với giá trị tiêu dùng thời điểm ấy. So với bộ cột đá cũng chế tác từ đá Biên Hòa tại Thất phủ cổ miếu (còn gọi là chùa Ông, tọa lạc tại TP.Biên Hòa, xây dựng vào năm 1684), bộ cột đá ở chùa Khánh Lâm hơn hẳn về độ cao và số lượng.

Đợt trùng tu này kéo dài từ năm 1904 đến 1909 mới hoàn thành, đã thay đổi hoàn toàn diện mạo, cấu trúc chùa, từ một gian mái lá đơn sơ đến kiến trúc gỗ và tường vôi như hiện nay.

Ngoài bộ cột đá nói trên, các phật tử còn đóng góp phụng cúng bộ tượng Phật tạc bằng gỗ mít, gỗ mun rất công phu, nghệ thuật. Bộ tượng gồm hơn 50 tượng, gồm: bộ tượng A Di Đà (3 tượng), tượng Địa Tạng Vương, Quan Âm Bồ tát, tượng Nam Tào - Bắc Đẩu, tượng Ngọc hoàng, tượng Bồ tát Đại Thế Chí, tượng Bồ tát Văn Thù, tượng Bồ tát Phổ Hiền, tượng Bồ tát Chuẩn Đề, tượng Hộ pháp, bộ tượng Thập bát La Hán (18 tượng), bộ tượng Thập điện Diêm Vương (10 tượng)… Có thể nói, hệ thống tượng ở chùa Khánh Lâm không chỉ phong phú về số lượng mà còn có giá trị nghệ thuật cao, phong cách tạo hình mang đậm nét truyền thống, tính dân gian.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, các vị trụ trì chùa Khánh Lâm luôn ủng hộ phong trào cách mạng của nhân dân. Năm 1968, quân đội Mỹ bắn pháo trúng ngay sân chùa Khánh Lâm, may mắn pháo lép không nổ. Cũng trong năm này, Hòa thượng Thích Trí Ngộ, trụ trì chùa Long Hương (xã Long Tân) nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng tham gia trận đánh Tết Mậu Thân, bị quân Mỹ phát hiện và đốt cháy chùa, nên hòa thượng tạm lánh về chùa Khánh Lâm. Tại đây, hòa thượng vẫn tiếp tục tiếp tế, ủng hộ cho cách mạng. Hòa thượng Thích Trí Ngộ có một người con trai tham gia kháng chiến chống Mỹ, hy sinh và được công nhận liệt sĩ.

Thời điểm mới xây dựng, đời sống người dân Phú Thạnh còn khó khăn trong quá trình khai khẩn, mở đất nên chùa chỉ là một chái am nhỏ lợp lá, nền đất. Nhưng đến năm 1904, sư ông Chơn Hạnh đã có thể huy động sức người, sức của để xây dựng ngôi chùa bề thế như trên, cho thấy đời sống người dân Nhơn Trạch thời điểm đó đã được nâng cao, một bộ phận có kinh tế khá giả. Cho nên, nói rằng cơ sở tín ngưỡng tôn giáo phản ánh đời sống kinh tế, văn hóa của người dân là vậy.

Những năm sau, vào các năm 1961, 1983, 1993, chùa cũng trải qua những đợt trùng tu nhỏ khác, như thay ngói, sửa vì kèo. Diện tích khuôn viên chùa hiện nay là 4.742m2, trong đó diện tích xây dựng là 1.590m2. Chùa Khánh Lâm trước đây sở hữu 1ha rừng, 3ha ruộng để sản xuất từ đó chăm lo việc phụng cúng, nhưng do một số biến động về lịch sử, thời gian, hiện nay những tài sản trên đã không còn...

Hà Lam

Tin xem nhiều