Báo Đồng Nai điện tử
En

Đi tìm câu trả lời

Đào Sỹ Quang
07:30, 30/09/2023

“Làm trai cho đáng nên trai/ Phú Xuân đã trải Đồng Nai cũng từng”. Đó là câu ca dao tôi đã thuộc lòng từ hồi còn trẻ chăn trâu. Và tôi cũng từng nghe nói tới mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai, nơi có Chiến khu Đ cùng những chiến công vang dội của quân và dân miền Nam trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Thị Minh Hoàng trao giải nhất cuộc thi Tìm hiểu Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm cho tác giả Đào Sỹ Quang tháng 12-1998. Ảnh: Kim Tuấn
Bí thư Tỉnh ủy Trần Thị Minh Hoàng trao giải nhất cuộc thi Tìm hiểu Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm cho tác giả Đào Sỹ Quang tháng 12-1998. Ảnh: Kim Tuấn

Biên Hòa - Đồng Nai: Xa mà gần

Biên Hòa - Đồng Nai ngày đó với tôi sao mà xa xôi đến thế! Ngồi trên lưng trâu nơi núi rừng Việt Bắc thổi sáo nhìn về phương Nam mà thấy xa cách ngàn trùng! Lớn lên đi học tôi cứ đau đáu trong lòng về câu hỏi: Có phải “Phú Xuân đã trải Đồng Nai cũng từng” thì mới xứng danh là đấng nam nhi? Mà sao lại chỉ là Phú Xuân với Đồng Nai? Chắc hẳn phải có nguyên nhân của nó? Thế là khát vọng đi tìm câu trả lời cứ nung nấu trong tôi từ đó!

Tôi mang theo bên mình tờ báo Đồng Nai in nội dung 26 câu hỏi cuộc thi Tìm hiểu về vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm, để từ đó mà đi tìm những địa chỉ cần thiết.     

Năm 17 tuổi khi đang ngồi trên ghế nhà trường tôi xung phong vào bộ đội, với hy vọng sẽ được “làm trai cho đáng nên trai”. Nhưng rất tiếc tôi không được vào chiến trường B2 (Nam bộ), mà lại vào chiến trường “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam” (Quảng Trị). Chiến trường Quảng Trị khi đó đang vô cùng ác liệt. Trong một trận đánh tôi bị thương nặng và không thể tiếp tục cầm súng chiến đấu. Khi vết thương ổn định, đơn vị cho tôi đi học văn hóa để rồi sau đó đi học ngành Sư phạm. Ra trường tôi về nơi chôn nhau cắt rốn dạy học hơn mười năm thì vào Đồng Nai dạy học ở Trường THPT Ngô Sĩ Liên (H.Trảng Bom) năm 1994. Thế là tôi đã có mặt ở Đồng Nai, điều mà xưa kia không bao giờ nghĩ đến!

Năm 1996 tôi phải trải qua một cơn đại phẫu thuật thay van tim ở Viện Tim TP.HCM. Ca phẫu thuật thành công mĩ mãn. Khi tôi ra viện thì cũng là lúc cuộc thi Tìm hiểu Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm do tỉnh Đồng Nai tổ chức phát động. Cầm 26 câu hỏi trên tay, tôi thật sự sung sướng. Đây là cơ may ngàn năm có một để tôi tìm hiểu về vùng đất mà mình mong đợi. Và, đây cũng là dịp để tôi được bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với  mảnh đất đã cưu mang mình, đã  cho mình cơ hội tốt nhất để làm những việc tốt nhất hiến dâng cho đời!

Theo dấu người xưa

Tôi bắt đầu đi tìm những “địa chỉ đỏ” để phục vụ cho bài làm thi bằng chiếc xe máy Honda 50 phân khối cũ mèm. Điểm đầu tiên tôi đến là Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, nằm bên chân cầu Ghềnh ở cù lao Phố - TP.Biên Hòa. Tôi đã đọc, đã biết khá nhiều tư liệu lịch sử về Đồng Nai qua nhiều kênh thông tin, để rồi viết đi viết lại không biết bao nhiêu lần lời mở đầu cho câu trả lời số 1. Ngày đó máy vi tính chưa phổ biến nhiều, nên phải viết bằng tay rất vất vả. Nếu có sơ suất bị lỗi ở một câu chữ nào đó là tôi thay luôn tờ giấy khác, viết lại! Tôi ra kỷ luật hà khắc với chính mình cho từng con chữ! “Mùa xuân Mậu Dần 1698, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã thừa lệnh Chúa Nguyễn Phúc Chu đem quân vào kinh lược xứ Đồng Nai, đưa vùng đất phương Nam vào cương thổ nước Đại Việt…”. Tôi đã viết những dòng đầu tiên như thế!

 Bao nhiêu tháng trời, chiếc xe máy đã đưa tôi đi khắp nơi trên mảnh đất Đồng Nai để  tìm “nguyên vật liệu lịch sử”. Trong những chuyến đi, không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhiều khi đi trong mưa gió và đói khát. Tôi cũng đã tiếp cận ông Phan Văn Trang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tại nhà riêng của ông để tìm hiểu thêm về Chiến khu Đ và các kỳ đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh. Ông Phan Văn Trang tặng tôi hai cuốn sách làm tư liệu và nhiệt tình cung cấp thêm những hiểu biết quý báu khác.

Tôi lang thang cù lao Phố để hình dung ra Trần Thượng Xuyên - một tướng dưới triều Minh, vì bất mãn với nhà Thanh bên Trung Quốc đã đem quân chạy về phương Nam và được chúa Nguyễn Phúc Tần tiếp nhận làm công dân nước Đại Việt. Chúa Nguyễn phong cho ông quan chức, rồi cử vào đất Nông Nại Đại Phố lập nghiệp. Tổng binh Trần Thượng Xuyên cũng là người có công đầu rất lớn mở mang vùng đất cù lao Phố thành một thương cảng sầm uất bậc nhất xứ Đàng Trong. Ngoài ra ông còn là một tướng tài cùng Nguyễn Hữu Cảnh luyện binh, dẹp loạn để ổn định biên cương. Chính vì vậy ông đã được chúa Nguyễn phong cho danh hiệu cao quý Nguyễn Vi Vương, Trần vi tướng, đại đại công thần bất tuyệt, được vua Minh Mạng, Thiệu Trị sắc phong “Thượng đẳng thần”! Đình Tân Lân thờ Trần Thượng Xuyên, thuộc P.Hòa Bình (TP.Biên Hòa) trên đường Nguyễn Văn Trị nhìn ra sông Đồng Nai thật tôn nghiêm và đẹp mắt. Vào chiêm bái nơi này, lòng bỗng dâng trào cảm xúc! Đồng Nai - đất lành ở đây chứ đâu! Chính Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Thượng Xuyên cũng như nhiều bậc hiền nhân khác đã dùng tài mưu, vượt qua nghìn trùng gian khó từ buổi sơ khai đánh đuổi thú dữ và giặc dã, xác lập biên cương để làm nên tên tuổi một vùng đất “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Há những con người lịch sử đó chẳng phải xứng “làm trai cho đáng nên trai” hay không?

Một ngày chủ nhật đang mùa tiếng ve ru, khi vạn vật còn chìm trong giấc ngủ, chiếc xe honda đã vội cất tiếng nổ cõng tôi và người cháu tìm về xã Phú Ngọc, H.Định Quán - nơi có di tích chiến thắng La Ngà. Thật sự hôm nay tôi mới gặp gỡ những gì từng nghe thấy: Dầu Giây; quốc lộ 20 từ Dầu Giây qua Định Quán tới Đà Lạt... Rồi địa chỉ cần tìm đã không phụ lòng người yêu mến. Trước mắt tôi, trên đồi cao là tượng đài chiến thắng La Ngà, sừng sững kiêu hùng mới được khánh thành. Tôi ngắm tượng đài cao hơn 15m trong khuôn viên rộng rãi, lúc nào cũng nghe vi vu gió thổi. Tôi nhìn tượng đài, rồi nói với người cháu: “Kia là những chiến sĩ thuộc Chi đội 10 của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ đạp lên bánh xe của địch…”. Đứng nơi tượng đài ta có thể ngắm dòng sông La Ngà buông trôi như thể nó cũng đang vui cùng mảnh đất này. La Ngà nơi mà năm 1948 đã xảy ra một trận đánh giao thông lớn nhất ở miền Đông Nam bộ do tướng Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy. Thất bại này của quân Pháp đã làm rung động thế giới! Và, cũng qua tìm hiểu này tôi biết thêm về “thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ với bài thơ Nhớ Bắc nổi tiếng từ lâu: Ai về Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…”.

Đồng Nai không những có những danh tướng tài mà còn là nơi hội tụ của nhiều nhà văn hóa lớn như Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh, Trịnh Hoài Đức. Họ đã được người đời xưng tụng là “Gia Định tam gia”. Tôi đi lòng vòng trong từng con ngõ hẹp tới lăng mộ Trịnh Hoài Đức “nằm giữa lòng dân” ở P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa. Trịnh Hoài Đức là một công thần - nhà thơ - nhà văn - sử gia với tác phẩm đồ sộ “Gia Định thành thông chí” - kho tư liệu về lịch sử và địa lý vùng đất phương Nam.

Đồng Nai không chỉ có trai anh hùng mà gái cũng “sánh ngang”. Trưởng nữ Nguyễn Thị Tồn (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) dám đích thân  ra tận triều đình Huế đánh ba hồi trống làm kinh động nơi Tam cung lục viện để kêu oan cho chồng là tri huyện Phước Long Bùi Hữu Nghĩa thoát khỏi án tử hình! Người đàn bà ấy đã được vua Tự Đức ban Võng điều bốn lọng, khen người trung trinh, gan dạ. Bà còn được Hoàng thái hậu Từ Dũ tặng tấm biển chạm bốn chữ vàng “Tiết phụ khả gia”.

Tôi lại chạy về Long Khánh - Xuân Lộc để tìm tới nhà anh Đào Bá Lượng - nguyên Đội trưởng biệt động tham gia chiến dịch phá “Cánh cửa thép” của địch hồi tháng 4-1975 để làm nên bàn đạp cho quân ta tiến công giải phóng Sài Gòn. Qua nghe anh kể mà lòng trỗi lên niềm tự hào, có cả đau thương mất mát. Chính trong chiến dịch này đã có những đồng đội của tôi, những người con quê hương tôi chiến đấu và hy sinh anh dũng!

Chiếc xe honda như cảm thông với chủ của nó. Chẳng bao giờ nó mệt mỏi. Nó lại đưa tôi  đến Trường Bá nghệ Biên Hòa - nay là Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, tọa lạc bên đường 30-4 (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa). Đây là ngôi trường nổi tiếng do Pháp xây dựng. Đối diện với ngôi trường này là một công viên nhỏ có Đài Kỷ niệm - một di tích quốc gia...

Trường Công nhân kỹ thuật Đồng Nai (nay là Trường cao đẳng Nghề Đồng Nai), thuộc P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa, nơi tôi đã có 5 năm dạy hợp đồng. Di tích Nhà Xanh (BIF) tọa lạc trong khuôn viên trường này. Nơi đây đã xảy ra trận đánh Mỹ đầu tiên của nhân dân miền Nam. Đêm 7-7-1959 phân đội đặc công của ta đã mưu trí dũng cảm giết tên lính gác cổng, rồi đột nhập nơi ở của đoàn cố vấn quân sự  (MAAG), diệt 2 cố vấn Mỹ, bắn bị thương một viên đại úy. Bài học đầu tiên cảnh báo cho đế quốc Mỹ rằng: Không có nơi nào trên đất nước Việt Nam bị ngoại bang xâm chiếm là không có người Việt Nam yêu nước sẵn sàng làm tất cả những gì mà họ muốn!

Ở Biên Hòa, lẽ nào lại không biết tới Nhà lao Tân Hiệp (Trung tâm Huấn chính Biên Hòa) nơi Mỹ - ngụy giam cầm những người cộng sản yêu nước.  Vào 17 giờ 45 ngày 2-12-1956 dưới sự chỉ đạo của cơ sở Đảng trong tù, các chiến sĩ cách mạng đã vùng dậy phá khám, chống trả bọn cai ngục, giải thoát 462 cán bộ, thu 40 súng các loại của địch. Đây là một đòn chí tử đánh vào nhà tù hà khắc của đế quốc Mỹ, làm xôn xao nước Mỹ. Trong trận chiến này, ta bị thương và hy sinh gần 30 chiến sĩ, trong đó có nhà báo Dương Tử Giang...

Chẳng nơi nào là tôi không tới. Tôi đi trong sự hứng khởi, nhưng không thiếu phần trách nhiệm công dân.

Tôi lại có mặt ở bùng binh trung tâm Biên Hòa (giao lộ giữa đường 30-4 với đường Cách Mạng Tháng Tám). Bùng binh này chính là Quảng trường Sông Phố (hay Công trường Sông Phố) xưa kia, nơi diễn ra cuộc mít tinh lớn ngày 27-8-1945 gồm gần 1 vạn người để nghe Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố chính quyền về tay nhân dân và công bố thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Biên Hòa, do đồng chí Hoàng Minh Châu làm Chủ tịch.

Mặc dù mới trải qua ca đại phẫu thuật thay van tim, lại phải lo bài vở, giáo án lên lớp hàng ngày, nên tôi phải đi vào ngày nghỉ... Mỗi một câu hỏi ứng với một túi đựng tài liệu và hình ảnh. Khi đã cảm thấy đầy đủ tư liệu, tôi bắt đầu viết bài trả lời cho từng câu hỏi với từng con chữ nắn nót. Tôi còn vẽ nhiều hình ảnh minh họa để trang trí cho bài thêm hấp dẫn. Tôi tâm niệm bài làm thi này còn là một tác phẩm nghệ thuật, chứ không chỉ đơn thuần là những câu trả lời đơn điệu cứng nhắc. Sau bao tháng ngày tìm kiếm, gặp biết bao con người, bao nhiêu cảnh vật và địa danh, tôi trở lại Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh để thắp lên nén tâm nhang thưa với tiền nhân rằng: “Đất và người Biên Hòa - Đồng Nai đời đời tri âm Người đi mở cõi!”.

Thêm yêu đất và người Biên Hòa - Đồng Nai

Bài thi Tìm hiểu về vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển của tôi đạt giải nhất, vượt trên 42.146 bài dự thi! Tôi bỗng trở thành “bất ngờ” cho nhiều người vì cứ ngỡ thí sinh đoạt giải chắc phải là người nguyên gốc xứ Đồng Nai? Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Thị Minh Hoàng đã trao bằng khen của UBND tỉnh cho tôi, trong niềm vui khôn xiết! Đó là bất ngờ lớn đối với tôi. Trên Báo Đồng Nai, số 33 ra ngày 11-12-1998, tác giả Đồng Dao (nhà văn Thu Trân) đã viết “…Chúng tôi đã tự hỏi: Họ đến với cuộc thi có phải vì giải thưởng không? Có lẽ là không. Bởi sự công phu của những bài làm không chỉ dừng lại ở chuyện tìm hiểu đơn thuần… nhiều hình ảnh minh họa dành cho ai yêu mến Biên Hòa - Đồng Nai…”.

Với tôi thật sự là như  thế. Tôi tri ân mảnh đất này bằng cả một hiểu biết và nghệ thuật rút ra từ tim gan khối óc và hành động! Trong bài thi tôi đã sáng tác một ca khúc, với tựa đề “Mời anh về thăm quê em Đồng Nai”. Cho tới lúc này tôi vẫn nói rằng “Đồng Nai ơi, mãi mãi biết ơn Người”.

Đồng Nai đang đi lên từng ngày. Tôi vẫn đi trên mảnh đất yêu thương này để tìm về những con người và những ẩn số nhân văn giá trị khác!

Biên Hòa tháng 9-2023

Bút ký của Đào Sỹ Quang

Tin xem nhiều