Đông Nam bộ hiện là vùng kinh tế phát triển năng động nhất cả nước cùng với những lợi thế tự nhiên sẵn có đã biến khu vực này trở thành một thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành Logistics phát triển.
Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Đồng Nai. Ảnh: P.Tùng |
Hiện nay, vùng Đông Nam bộ là khu vực tập trung hạ tầng logistics quan trọng của đất nước.
* Thị trường tiềm năng cho ngành Logistics
Đông Nam bộ bao gồm 6 tỉnh, thành, trong đó, có những địa phương phát triển rất mạnh về công nghiệp như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Theo thống kê, vùng Đông Nam bộ hiện có 86 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động cùng với hàng hóa của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, tạo nguồn hàng dồi dào cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng Đông Nam bộ còn được bổ trợ bởi hệ thống cảng biển, sân bay trên địa bàn.
Hiện vùng Đông Nam bộ có các có cụm cảng biển lớn nhất cả nước là cảng Tân Cảng Cát Lái và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải; cùng với đó là sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, vùng Đông Nam bộ có đầy đủ các phương thức vận tải từ đường bộ, đường sắt, đường thủy đến đường hàng không. Tất cả những yếu tố đó đã tạo ra một thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành Logistics phát triển. Trên thực tế, những năm qua, vùng Đông Nam bộ là một trong những khu vực mà ngành Logistics đã có sự phát triển rất nhanh.
Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh.
Tại Đông Nam bộ hiện có khoảng 14,8 ngàn doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Vùng đảm nhận đến 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hệ thống cảng Cát Lái và Cái Mép - Thị Vải.
Thời gian tới, tiềm năng phát triển của ngành Logistics tại vùng Đông Nam bộ được đánh giá sẽ có thêm nhiều tiềm năng phát triển hơn. Điều này đến từ việc, dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành đang được triển khai xây dựng trên địa bàn Đồng Nai, một địa phương thành viên của vùng. Với vị thế là sân bay lớn nhất cả nước, khi hoàn thành xây dựng, sân bay Long Thành được đánh giá sẽ tạo ra “cú hích” lớn để tạo sự đột phá phát triển cho ngành Logistics của vùng Đông Nam bộ.
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho rằng, sân bay Long Thành sẽ đóng vai trò kết nối giao thương, trong đó có giao thương hàng hóa giữa Việt Nam với quốc tế và ngược lại. Điều này sẽ tạo ra động lực rất lớn cho ngành Logistics của vùng phát triển mạnh hơn. “Với sân bay Long Thành, khu vực phía Nam đã có thêm một điểm kết nối giao thương hàng hóa lớn bằng đường hàng không bên cạnh điểm giao thương kết nối bằng đường biển là cảng biển Cái Mép - Thị Vải” - ông Nguyễn Duy Minh chia sẻ.
* Tăng cường liên kết vùng để tháo điểm nghẽn
Dù đã có những bước phát triển vượt bậc thời gian qua, tuy nhiên, ngành Logistics của vùng Đông Nam bộ vẫn được đánh giá là chưa đáp ứng hết những tiềm năng vốn có.
Một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất làm chậm nhịp phát triển ngành Logistics của vùng Đông Nam bộ đã được nhận diện chính là hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối của vùng còn thiếu đồng bộ. Điều này đã làm chậm nhịp phát triển cả về chất lượng, dịch vụ lẫn số lượng doanh nghiệp trong ngành.
Từ thực tế trên, để tháo điểm nghẽn phát triển cho ngành Logistics vùng Đông Nam bộ, việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ được xem là yêu cầu cấp thiết.
PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam cho rằng, để có được một hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng đồng bộ thì không chỉ nỗ lực của mỗi địa phương là có thể làm được mà cần phải có những hợp tác liên kết vùng với các địa phương lân cận. Từ đó, tạo ra một mạng lưới giao thông kết nối hoàn chỉnh, giúp dòng hàng hóa lưu thông một cách nhanh chóng. Điều này sẽ giúp cho chuỗi giá trị hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu và các nguyên, phụ liệu nhập khẩu về Việt Nam được thực hiện nhanh chóng hơn, tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước phát triển.
Hiện nay, hạn chế về hạ tầng giao thông kết nối đang từng bước được tháo gỡ với nhiều dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ đã và sắp được triển khai thực hiện như đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, các tuyến đường vành đai 3, 4 - TP.HCM. Khi các dự án này hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác sẽ tạo ra sự đột phát phát triển mạnh mẽ cho vùng, trong đó có ngành Logistics.
Cùng với hạ tầng giao thông kết nối, các địa phương trong vùng đang triển khai lập quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương. Việc đồng bộ quy hoạch của các địa phương với quy hoạch vùng được kỳ vọng sẽ tạo ra không gian mới, thuận lợi để ngành Logistics phát triển. Bởi để phát triển tốt ngành Logistics, cần tính toán đến yếu tố liên kết vùng để có thể quy hoạch để quy hoạch phát triển các trung tâm logistics phù hợp với từng ngành hàng, nguồn hàng. Từ đó, phát triển một hệ sinh thái logistics tạo sức hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp logistics.
Phạm Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin