Tạo lập một không gian phát triển mới là đòi hỏi tất yếu để vùng Đông Nam bộ hướng đến mục tiêu trở thành vùng kinh tế phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Quy hoạch, khai thác tiềm năng kinh tế ven sông đang là một trong những mục tiêu mà các tỉnh Đông Nam bộ đang phối hợp triển khai trong thời gian tới. Ảnh: P.Tùng |
Đồng thời, đưa vùng Đông Nam bộ giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác.
* Hình thành khung định hướng phát triển vùng
Vùng Đông Nam bộ là trung tâm kinh tế lớn nhất của đất nước có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Năm 2022, GRDP vùng Đông Nam bộ chiếm khoảng 31% cả nước; xuất khẩu đóng góp khoảng 35%, thu ngân sách khoảng 38% cả nước.
Mặc dù vậy, những năm qua, nhiều hạn chế đã bộc lộ khiến cho tốc độ tăng trưởng của vùng chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng vốn có.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, khung quản lý, cơ chế hiện tại chưa khai thác được hết tiềm năng kinh tế của vùng Đông Nam bộ, tăng trưởng của vùng thấp hơn tăng trưởng bình quân của cả nước.
Ngày 14-4-2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Thực tế đó đòi hỏi phải có những chiến lược mới, tháo gỡ các “điểm nghẽn” để vùng Đông Nam bộ tăng tốc phát triển trong bối cảnh mới. Trong đó, việc lập quy hoạch để tạo lập không gian phát triển mới cho vùng là đòi hỏi cấp bách.
Trong báo cáo khung định hướng quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Viện Chiến lược phát triển đã đưa ra định hướng phát triển của vùng theo 3 tiểu vùng.
Trong đó, tiểu vùng trung tâm gồm: TP.HCM, khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương và Tây Nam tỉnh Đồng Nai. Đây là tiểu vùng được định hướng tập trung vào phát triển dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ tài chính quốc tế, giáo dục - đào tạo, y tế, công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu, đầu mối giao thương quốc tế.
Đối với tiểu vùng thứ hai, tiểu vùng ven biển gồm: khu vực Cần Giờ của TP.HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với trọng tâm là kinh tế biển. Đồng thời, hình thành khu thương mại tự do tại khu vực Cái Mép Hạ; phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, TP.Vũng Tàu là trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.
Trong khi đó, tiểu vùng phía Bắc gồm: Tây Ninh, Bình Phước và khu vực phía Bắc của Đồng Nai, Bình Dương sẽ là tiểu vùng hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế cửa khẩu. Kho vận, công nghiệp chế biến nông, lâm sản; mở rộng không gian phát triển công nghiệp; trồng cây công nghiệp; bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học là những lĩnh vực sẽ được tập trung phát triển của tiểu vùng này.
Phát biểu tại cuộc họp Báo cáo về khung định hướng quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào giữa tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, khung định hướng hiện nay mới là dự thảo lần đầu nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, có tính chất dẫn dắt. Với tính chất quan trọng của vùng Đông Nam bộ, khung định hướng và bản quy hoạch vùng cần tạo được cú hích đưa vùng phát triển văn minh hiện đại, khai thác hết tiềm năng nhưng phải bảo đảm hài hòa, bền vững.
* Vùng phát triển nhanh, bền vững
Tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, yêu cầu đặt ra đối với quá trình phát triển của vùng trong thời gian tới là phải phát triển nhanh và bền vững phù hợp hơn nữa với vị trí vai trò chiến lược của vùng động lực phát triển lớn nhất, đầu tàu phát triển của cả nước.
Phát triển vùng Đông Nam bộ phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, tăng trưởng xanh quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm.
Trên cơ sở mục tiêu này, khung định hướng quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định khá rõ nét về các vùng động lực của vùng.
Trong đó, vùng động lực thứ nhất là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây cũng là vùng động lực phát triển của quốc gia. Trong vùng động lực này, TP.HCM sẽ là cực tăng trưởng, tập trung phát triển mạnh khoa học - công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số. Cùng với đó, phát triển mạnh các dịch vụ tài chính, ngân hàng, khoa học - công nghệ, logistics; thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển các công viên phần mềm, trí tuệ nhân tạo.
Vùng động lực thứ hai là các khu kinh tế, khu thương mại tự do, đô thị đặc thù. Đối với vùng động lực này sẽ tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế cửa khẩu tại Tây Ninh, Bình Phước; phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ, khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại Cái Mép Hạ, thành phố sân bay cửa ngõ quốc tế Long Thành, trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Vùng động lực tăng trưởng thứ ba là trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, vùng; khu công nghệ cao; các khu công nghệ thông tin, công nghệ số; Trung tâm Công nghệ sinh học quốc gia TP.HCM…
Theo ông Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh, để quy hoạch vùng phát huy hiệu quả, các địa phương cần xây dựng chiến lược liên kết kinh tế vùng, đồng thời, các tỉnh trong vùng cần xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, thể hiện rõ tính liên kết vùng, sớm xóa bỏ tình trạng phát triển kinh tế khép kín.
“Cùng với đó, phải thúc đẩy xây dựng cơ chế điều phối, quản trị vùng. Chính sách phát triển vùng cần quan tâm đến tính lịch sử và trình độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau của từng tỉnh. Đồng thời, Chính phủ cần tạo lập cơ chế, chính sách thích hợp, thúc đẩy liên kết, tăng cường đầu tư theo vùng phù hợp với chức năng kinh tế - xã hội để tạo điều kiện phát triển nhanh hơn cho các địa phương” - ông Lý Thành Phương chia sẻ.
Phạm Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin