Báo Đồng Nai điện tử
En

Hồn văn thời cuộc và những thông điệp

ThS Lê Thị Yến
07:40, 16/09/2023

         (Đọc Ma chữ - tập truyện ngắn của Nguyễn Duy Đồng, NXB Hội Nhà văn năm 2023)

Tôi vẫn quan niệm: Văn chương là tiếng nói, là tấm gương phản ánh thời đại, thời nào văn nấy. Điều đó phù hợp với lịch sử văn học nhân loại, thời nào cũng để lại những tác phẩm tiêu biểu phản ánh đặc trưng về thời đó.

 

Vả lại, Nghị quyết 23-QN/TW của Bộ Chính trị về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới đã nêu:
“...Khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, gắn bó với cuộc sống của nhân dân...; lên án, phê phán không khoan nhượng những tiêu cực, xấu xa đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam...”. Bởi vậy, tôi băn khoăn: Vì sao thời bình ở nước ta đã gần nửa thế kỷ, đời sống xã hội biết bao thay đổi mà ít thấy phản ánh trong văn chương? Cầm trên tay tập truyện ngắn Ma chữ của Nguyễn Duy Đồng thấy ở trang bìa mặt sau, tác giả ghi: “Với tôi, giá trị của mọi sáng tạo đều ở chỗ ý nghĩa của nó với cuộc sống và văn chương cũng vậy” làm tôi muốn tìm tòi về nội dung quyển sách.

Với lối kể hấp dẫn, quyển sách đã cuốn hút tôi đọc đến câu cuối cùng và tôi đã đạt được điều mong chờ. Chỉ 14 truyện ngắn nhưng đã phản ánh và đưa ra được nhiều thông điệp ý nghĩ về một số vấn đề bức xúc mang tính đặc trưng của thời cuộc.

Đề tài về giáo dục và đào tạo được phản ánh nhiều nhất, đúng như tên của tập truyện

Ma chữ, truyện ngắn được dùng đặt tên sách, là cách nói ẩn dụ về bệnh thành tích và thương mại trong giáo dục. Ma chữ đã đánh lừa, dụ dỗ và hãm hại một gia đình nông dân thật thảm thương. Nạn nhân là gia đình lão Chân gồm 5 thành viên tam đại đồng đường. Ma chữ dựa vào tâm lý hiếu học của xã hội ta: “Không tham ruộng cả ao liền/ mà tham cái bút cái nghiên ông đồ” để đánh lừa lão Chân đang khát chữ cho đời cháu, dựa vào sự ngộ nhận được khen thưởng và chào mời của các trường học để đánh lừa Thảo (cháu lão) đang tuổi đến trường. Thảo không đủ trí lực để học cao, nhưng vì ma chữ dụ dỗ mà gia đình lão Chân tập trung tất cả gia tài đầu tư cho Thảo có bằng thạc sĩ. Hậu quả, gia đình nông dân ấy, từ chỗ no đủ, đã khánh kiệt gia tài: nợ nần, đói ăn, thiếu thuốc chữa bệnh, dẫn đến cha Thảo bỏ xác ở đất khách quê người vì tìm cách đi lao động nước ngoài để giải cứu gia đình, lão Chân sinh bệnh và chết, Thảo không xin được việc làm...

Điều làm tôi quan tâm ở Ma chữ là cách nhìn và thông điệp đưa ra. Tác giả đã xem bệnh thành tích và thương mại trong giáo dục như một con ma, chỉ ra nạn nhân của nó để cảnh tỉnh đối với người học, đồng thời phê phán xã hội thừa thầy, thiếu thợ.

Giáo sư Minh cũng là nạn nhân của Ma chữ. Minh là thanh niên nông thôn chân chất, lực học yếu nên ngại học, chọn đi lính. Không đi theo binh nghiệp mà phải xuất ngũ sau khi thực hiện xong nghĩa vụ công dân, chàng tìm đến trường nghề chỉ mong có cái chứng chỉ nghề nào đó để xin việc. Nào ngờ, thời đại không còn đào tạo hệ sơ cấp, chỉ từ trung cấp trở lên với thủ tục đầu vào yêu cầu có bằng tốt nghiệp THPT. Tình thế không còn cách lựa chọn, Minh phải mua cái bằng tốt nghiệp giả. Khi nhập trường, học không khó như Minh nghĩ, nên cậu đã liên thông lên thạc sĩ một cách nhẹ nhàng cũng chỉ với ý nghĩ để dễ xin việc.

Và vận may đã đưa Minh trở thành trưởng khoa của một trường đại học dân lập, để sau đó có nhà cao, vợ đẹp, con khôn. Tuy nhiên, luật đời những gì không thuộc về mình thì cuối cùng phải trả lại hết, giáo sư Minh bị con cái coi thường về kiến thức, bị cơ quan điều tra phát hiện ra dùng bằng tốt nghiệp THPT giả và xử lý bằng hình sự. Kết thúc truyện là bị kịch còn thảm thương hơn gia đình Thảo. 

Phản ánh về công cuộc chống tham nhũng không có vùng cấm 

Kẻ đi tìm (lão) là nhân vật cơ hội chính trị đã đạt được tột cùng tham vọng. Lão ngồi ngai vàng chỉ bởi mưu lợi cá nhân, không vì quốc thái, dân an, nên bị nhân dân oán thán, coi rẻ “đâu cứ ngồi ngai vàng là Vua. Đâu cứ khoác cà sa là Phật. Vua ở trong lòng dân chứ không ở trên ngai vàng” và bị pháp luật là tối thượng trừng trị. Lão nuối tiếc “Quyền lực, tiền tài, vợ đẹp, con sang, uy tín… có cả. Nhưng mất hết! Mất sạch! Còn gì mà tìm” và cuối đời trở thành kẻ lẩn thẩn suốt ngày lang thang khắp xó xỉnh đi tìm cái đã mất.

Tác giả NGUYỄN DUY ĐỒNG nguyên là kỹ sư chế tạo máy, về hưu mới cầm bút, là hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai từ năm 2015. Ông đã đoạt giải cuộc thi truyện ngắn: Đông Nam bộ, Tạp chí Người Hà Nội, Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai và một số cuộc thi khác.

Kẻ đi tìm đưa ra các thông điệp: Chân thiện mỹ và là lối sống trong sáng luôn mang lại hạnh phúc; luật nhân quả thiện ác luôn hiện hữu: kẻ mưu manh dù đạt đến mức vinh hoa nào cuối cùng cũng trở về hổ nhục. Sự ngã ngựa của ông vua tham nhũng, vi phạm đạo đức lối sống (dù đó chỉ là ước muốn, cao hơn thực tế) là niềm tin của nhân dân vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng không có vùng cấm, cảnh báo răn đe tất cả tầng lớp công quyền.

Chết sướng là câu chuyện cùng đề tài với Kẻ đi tìm nhưng ở mức độ do ngoại cảnh tác động. Khi ở địa vị viên chức, anh ta là người tốt. Nhưng khi quyền lực trong tay và cám dỗ, anh biến thành kẻ xấu và hậu quả bị pháp luật trừng trị, mất hết danh dự và mọi thứ.

Hôn nhân gia đình và quan niệm về người nối dõi

Mòn mỏi tông đường đã phác họa khá đầy đủ và sâu sắc về hậu quả tư tưởng trọng nam, khinh nữ. Một chủ nhân họ Trần, nhà nghèo nhưng cố sinh đến đứa con thứ năm để đạt được nguyện vọng có người nối dõi. Kết quả ông đẩy gia đình mình đến tình cảnh nghèo đói cùng cực. Còn đứa con gái út bị bỏ rơi (Thừa) lại chính là người thờ phụng từ đường và làm rạng danh dòng tộc họ Trần.

Lâu lắm, tôi mới đọc một tập truyện ngắn có nội dung bám sát thời cuộc và có cách viết gần gũi mà lôi cuốn như thế. Khép lại với 228 trang sách, tập truyện ngắn Ma chữ để lại trong tôi và hẳn nhiều bạn đọc sự thú vị và nhiều suy ngẫm.

Giọt đắng muộn mằn kể câu chuyện đôi nam nữ Diễm - Đoan thành hôn chóng vánh chỉ sau thời gian ngắn quen nhau, thuê nhà trọ ở và sinh con, nghề nghiệp đều là công nhân lương thấp. Cuộc sống thực với trăm thứ thiếu đã làm cho căn phòng trọ hai vợ chồng và hai đứa con trở thành phòng “hòa tấu” hàng ngày. Ít học, nhận thức nông, tác động bởi thông tin mạng và đặc biệt là lời bàn của một bạn gái cùng tổ may có chồng lao động nước ngoài, Diễm đã cương quyết ly hôn và cắt đứt mọi liên lạc với Đoan.

Sau ly hôn, ba mẹ con Diễm đói khổ đến tận cùng. Trong cuộc tìm chỗ kiếm sống cho con lớn, Diễm vô tình vào đúng cửa doanh nghiệp của Đoan - người có nghĩa, có trách nhiệm làm cha. Và người vợ sau của Đoan là một phụ nữ đầy lòng nhân ái đã cưu mang mẹ con Diễm. Giọt đắng muộn mằn là giọt nước mắt ân hận của Diễm. Truyện kết thúc có hậu, nhân văn, thông điệp là bài học đắt giá cho nạn ly hôn đang xảy ra trong lớp trẻ ảnh hưởng bởi hội nhập.

***

Tiếp thu khoa học kỹ thuật hội nhập, phát triển kinh tế tư nhân; gương tốt việc tốt; nạn nhân chiến tranh; phản ánh về tiêu cực trong công tác cán bộ bỏ rơi hiền tài… cũng là các đề tài được đề cập trong tập truyện. Văn chương hiện thực phê phán cái xấu thường ít nhiều hằn học chua chát, nhưng với Ma chữ bao giờ kết thúc cũng nhân văn, có hậu và có niềm tin ở phía trước.

Về bút pháp nghệ thuật, tôi đồng thuận với đánh giá của một số nhà văn đã đọc và chia sẻ rằng: Ma chữ không triết lý cao siêu, dung dị trong văn phong, gần gũi trong đề tài và hệ thống nhân vật. Mỗi câu chuyện đều có cách dựng truyện hợp lý, các chi tiết cài cắm vừa đủ để dẫn đến cái kết đằm thắm và sâu sắc. Những câu chuyện không chỉ đơn thuần là cách kể mà còn có tầng ý tưởng, nghĩa ẩn dưới ngôn từ. Hình như tác giả không cố ý đi tìm bút pháp mới lạ, mà mọi thủ thuật đều hướng tới để câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn được người đọc theo đến câu cuối cùng. Tuy nhiên, cuốn sách vấp một ít lỗi chính tả (có lẽ do khâu biên tập), có chỗ dùng từ phương ngữ và thiếu trau chuốt hình thức câu văn, ít tả cảnh.

ThS Lê Thị Yến

Tin xem nhiều