Trước khi Chính phủ triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) thì Đồng Nai đã thực hiện phong trào “tam nông” là nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đạt được một số thành quả nổi bật. Đây cũng chính là nền móng vững chắc để tỉnh xây dựng NTM. Kết quả, Đồng Nai trở thành một trong tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM. Chương trình này đã giúp cho người dân vùng nông thôn trong tỉnh có cuộc sống vật chất, tinh thần tốt hơn; cơ sở hạ tầng kỹ thuật vùng nông thôn được đầu tư khang trang, xanh - sạch - đẹp.
Trong xây dựng NTM, Đồng Nai chọn đột phá từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng lợi nhuận cho người dân. Theo đó, Đồng Nai hình thành những vùng chuyên canh cây ăn trái với diện tích lớn cho lợi nhuận từ 200-500 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập của người dân tăng cao, họ sẵn sàng đóng góp đất, công, tiền để làm đường giao thông. Do đó, về các xã vùng xa của các huyện Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ hiện nay sẽ thấy những tuyến đường nhựa, bê tông hai bên được trồng cây xanh, hoa nở rực rỡ nối liền vào những vườn cây trĩu quả. Các vùng nông thôn ở Đồng Nai bắt đầu thu hút được nhiều du khách từ khu vực đô thị trong và ngoài tỉnh đến thưởng ngoạn.
Với tư duy nhanh nhạy, nông dân ở một số địa phương trong tỉnh đã khai thác các lợi thế từ những thành quả của NTM để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Mô hình du lịch này đã giúp cho người dân nông thôn nâng cao thu nhập, thêm kênh tiêu thụ nông sản và quảng bá các đặc sản của địa phương. Đồng thời, du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển cũng giúp cho thương mại, dịch vụ ở địa phương khởi sắc, tạo thêm việc làm cho người dân. Có những nhà vườn nhờ phát triển du lịch mà doanh thu từ vườn trái cây tăng gấp 2-3 lần so với sản xuất nông nghiệp thuần túy.
Đồng Nai có nhiều loại trái cây, sản phẩm của các làng nghề như: mộc mỹ nghệ, gốm, nấm, trầm hương, cốm, sợi hủ tiếu, bánh gai... nổi tiếng trong vùng và cả nước. Vì vậy, phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ tạo thêm cơ hội gắn kết với các làng nghề để đưa sản phẩm của địa phương đến với người tiêu dùng trong nước, nước ngoài.
Tuy bước đầu Đồng Nai đã hình thành được các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn ở các xã NTM và đem lại hiệu quả. Thế nhưng, để phát triển, mở rộng các điểm du lịch ở vùng nông thôn trong tỉnh một cách bền vững thì cần có thêm những chính sách hỗ trợ người dân. Cụ thể là giải quyết những vướng mắc về đất đai, xây dựng để có các công trình phục vụ cho khách tham quan tại nhà vườn. Ngoài ra, các nhà vườn làm du lịch cần có sự liên kết với nhau, nâng cao kỹ năng trong tiếp đón, phục vụ khách du lịch để tạo ấn tượng tốt cho du khách còn trở lại những lần sau.
Uyển Nhi
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin