Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh “níu ngày thơ dại” với truyện dài Mùa hè không tên

Trung Nghĩa
10:46, 22/09/2023

Tác phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh Mùa hè không tên tiếp tục đưa độc giả lên chuyến xe ngược thời gian trở về miền ký ức của thời hoa niên trong veo, sôi nổi, nơi có mùa hè ngây ngô, tinh nghịch khó quên của bè bạn cùng xóm, cùng trường…

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ra mắt Mùa hè không tên ngày 19-9
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ra mắt Mùa hè không tên ngày 19-9

Là nhà văn rất yêu quý những mùa hè trong ký ức và từng viết về những mùa hè hoa mộng trong nhiều tác phẩm đã phổ biến (Hạ đỏ, Bảy bước tới mùa hè, Đi qua hoa cúc, Ngồi khóc trên cây…) nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bộc bạch ông quay trở lại đề tài mùa hè “vì trong ký ức của tôi, đã là học trò thì không thể không gắn với những ngày hè rong chơi thỏa thích”.

Với Mùa hè không tên, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiếp tục viết bằng lòng “yêu mến và nhớ tiếc tuổi thơ kỳ diệu”. Tác giả viết trong tác phẩm mới như lời tự tình: “Mỗi lần đầu óc tôi quay ngược về thời kỳ đó, tôi luôn thấy lòng đầy xáo trộn. Nó đã khắc lên số phận tôi những dấu vết không thể phai mờ…”.

* Những hoài niệm gần gũi

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh một lần nữa viết về những hoài niệm thân thuộc và gần gũi, có bối cảnh làng quê êm đềm vốn làm nên thế mạnh đặc trưng trong hầu hết hơn 50 tác phẩm văn chương đã phổ biến của ông trong hơn 4 thập niên qua. Đó là những địa danh quê cũ như làng Đo Đo, chùa Tịnh Độ, thôn Cẩm Lũ, thị trấn Hà Lam; là những nhân vật tuổi mới lớn nhiều ngô nghê lẫn tinh nghịch; là các trò chơi vui nhộn thuở bé; những quan hệ bạn bè nơi xóm làng, trường lớp thân quen và cả những rung động đầu đời thơ ngây…

Những kỷ niệm tuổi thơ qua đặc tả tinh tế, đối đáp dí dỏm cùng lời văn cuốn hút của tác giả tái hiện vừa bình dị vừa cảm động. Độc giả như cảm giác mình cũng giống nhân vật A hay B trong tác phẩm, cũng từng trải qua những sự kiện, hành động, lời nói tương tự như thế ở thuở thiếu thời.

“Bây giờ hồi tưởng lại, tôi nhận ra tuổi thơ tôi tràn ngập niềm vui nhưng cũng ăm ắp nỗi buồn” - trích tác phẩm Mùa hè không tên.

Những tháng ngày hoa mộng, không ít âu lo nhưng cũng nhiều hăm hở trước ngưỡng cửa vào đời ấy vốn từng gắn chặt trong trái tim và tâm hồn mỗi người. Nay khi đọc Mùa hè không tên, nhiều hồi ức đẹp đẽ trong mỗi chúng ta lại trỗi dậy - trong veo và bồi hồi…

* Một mùa hè đặc biệt

Tác phẩm xoay quanh nhân vật chính “mê chơi và giỏi nghịch” - cậu bé Khang - cùng những người bạn hồn hậu cùng làng trong mùa hè cuối cùng bậc tiểu học trước khi Khang phải theo cha đi học xa quê. Mùa hè năm ấy của Khang gắn liền với “cô bé nhà bên” tên Nhàn - người bạn khác phái thân nhất mà Khang hay trò chuyện và tâm sự bên những cây trứng cá bên bờ ao.

Đôi bạn có những chia sẻ rất “thứ ba học trò” như Khang cắc cớ hỏi Nhàn: “Sao đi học thì tao thích chóng đến nghỉ hè, mà khi nghỉ hè thì tao lại mong đi học hở mày?”. Hay Nhàn thường có những quan tâm ân cần nho nhỏ đến cậu bạn: “Khang không đói bụng thật hả? Tại sao Khang không đói?”, hay “Ủa sao Khang khóc vậy?”. Những rung động đầu đời rất hồn nhiên cũng khiến Khang “ghen” với Chỉnh khi cậu bạn này có vẻ thích Nhàn!

Mùa hè không tên do NXB Trẻ ấn hành dày gần 300 trang, in lần đầu tổng cộng 80 ngàn bản (bìa mềm lẫn bìa cứng đặc biệt).

Mới đây, 2 tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng vừa được phát hành bản tiếng Anh là Have a good day (Chúc một ngày tốt lành) và Crying in trees (Ngồi khóc trên cây) để giới thiệu tại Hội Sách quốc tế Frankfurt (Đức) vào tháng 10-2023.

Mùa hè không tên không chỉ có niềm hân hoan hay sự dịu dàng. Tác phẩm gây xúc động khi cô giáo Diêu qua đời để lại trong tim lũ học trò nhỏ niềm tiếc thương vô hạn. Tác phẩm gây cảm tình với hoàn cảnh lớn lên mà thiếu vắng tình cảm cha mẹ của Nhàn - cô bé học giỏi, thích nuôi những chú cá bị dị tật. Và tác phẩm cũng chứa thông điệp nhân văn đầy ý nghĩa khi nhóm bạn nhỏ quyết định chìa vòng tay quan tâm đến Chỉnh khi anh bạn này mặc cảm vì bố bị vào tù.

Tác phẩm Mùa hè không tên chan chứa những kỷ niệm tuổi thơ
Tác phẩm Mùa hè không tên chan chứa những kỷ niệm tuổi thơ

Bỗng nhiên người đọc cảm nhận những câu chuyện tuổi thơ trong tác phẩm “tỏa sáng lung linh như những ngọn nến hồng” (trích phụ lục). Bồi hồi và hoài niệm về một thời đã xa như câu thơ của tác giả Nguyễn Nhật Ánh:

Bây giờ thì tôi đã biết

Thời gian lăn bánh mất rồi

Chim bay về phía xa xôi

Trang sách níu ngày thơ dại...

Hành trình “coming-of-age”

 

Một lần nữa với tác phẩm Mùa hè không tên, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kể câu chuyện “coming-of-age” về sự chuyển tiếp, trưởng thành, đổi thay của các nhân vật từ làng quê ra phố thị, từ thời niên thiếu đến lúc trở thành người lớn và đứng trước những chọn lựa quan trọng khi bước vào đời.

Nguyễn Nhật Ánh chọn cách kết thúc tác phẩm khá đặc biệt với phần phụ lục, bao gồm việc mở ra những plot twist (tình tiết bất ngờ) thú vị, ấm áp và không kém phần ý nghĩa. Sau khi mất liên lạc với đám bạn cùng làng một thời gian dài, nhân vật Khang trở về chốn xưa sau 15 năm, rưng rưng tiếc nhớ “quãng đời tiểu học là quãng thời gian đẹp nhất”.

Độc giả có thể hình dung Khang như nhân vật cậu bé Toto trong bộ phim kinh điển của điện ảnh Italy Cinema Paradiso (đạo diễn Giuseppe Tornatore - ra mắt năm 1988) khi lớn lên trở thành chàng trai Salvatore trở về chốn xưa trước cửa rạp chiếu bóng Paradiso và hoài nhớ những ký ức tuổi thơ, những tình cảm đẹp đẽ đầu đời.

May mắn cho Khang trong Mùa hè không tên là anh biết những người bạn ấu thơ Đính, Túc, Chỉnh, Hội, Tí… giờ đây cũng đã trưởng thành theo những cuộc đời riêng. Dĩ nhiên Khang cũng không thể quên hình ảnh “con Nhàn hào phóng” bên cây trứng cá ngày nào. Và anh quyết định nghe theo nhịp đập của trái tim mình…

Trung Nghĩa

Tin xem nhiều