Thơ viết cho thiếu nhi là một bộ phận văn thơ của Bác Hồ. Trong Di chúc, Bác viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”, Người còn thêm “…và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”.
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi |
Mùa thu là một đề tài trong thơ Bác. Nhật ký trong tù có 4 bài thơ tứ tuyệt về mùa thu, trong đó có 2 bài cùng tựa Trung thu, 2 bài tựa Cảm thu. “Thân tù đâu thiết thu sang chửa/ Chỉ thiết hôm nao mở cửa tù”(Bản dịch phổ biến, nguyên văn: “Tù nhân bất quản thu lai vị/ Chỉ quản tù lung hà thời khai”).
Hoàn cảnh sáng tác 4 bài thơ trên dễ nhận ra ngay là Bác còn ở “ngục trung”.
Còn khi mỗi Trung thu đến, thơ Bác viết cho thiếu nhi thì khác hẳn.
Mùa thu đầu tiên khi về lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, năm 1941, nhân Trung thu, Bác viết bài thơ gửi cho thiếu niên, nhi đồng, những câu thơ đến nay còn vang vọng:
Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan
Chẳng may vận nước gian nan
Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng.
Đây là thời điểm vô cùng khó khăn của cách mạng, Bác nghĩ và nhớ đến các cháu trong hoàn cảnh ấy.
Rồi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành được chính quyền về tay nhân dân, thiết lập nền Dân chủ cộng hòa nhưng thực dân Pháp quay trở lại, cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm với giai đoạn phòng ngự, cầm cự và tổng phản công. Đánh dấu giai đoạn tổng phản công là từ chiến dịch Biên giới năm 1950 mở ra thắng lợi. Sang năm 1951, 10 năm sau kể từ năm 1941 Bác về Pắc Bó, Trung thu đến, Người có bài thơ gửi thiếu niên, nhi đồng có tựa Thư Trung thu được phổ biến rộng rãi đến ngày nay:
Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy dòng
Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ thương.
Cách nhau 10 năm, hai bài thơ viết cho thiếu nhi của Bác, dễ dàng thấy ngay giọng thơ trở nên đầm ấm, tươi vui hơn rất nhiều.
Trong mỗi người, ai cũng thường nghe đoạn nhạc: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng”, nhưng ít người biết rằng nhạc sĩ Phong Nhã lấy tứ và phát triển từ bài thơ của Bác đề ngày 25-9-1952 nhân Trung thu
năm ấy:
Ai yêu các nhi đồng
Bằng Bác Hồ Chí Minh
Tính các cháu ngoan ngoãn
Mặt các cháu xinh xinh
Mong các cháu cố gắng
Thi đua học và hành
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tùy theo sức của mình…
Các cháu hãy xứng đáng
Cháu Bác Hồ Chí Minh.
“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình”, câu thơ bình dị đi vào đời sống rất tự nhiên, nhất là với thiếu nhi, thành lời ăn tiếng nói nhân dân, là của vị lãnh tụ được cả thế giới kính phục.
Trung thu năm 1956, sau Hiệp định Genève, trong hoàn cảnh một nửa nước còn bị chia cắt, Trung thu năm ấy Bác có bài thơ gửi cho các cháu miền Nam:
Bắc - Nam sum họp một nhà
Bác cháu ta gặp mặt trẻ già vui chung
Nhớ thương các cháu vô cùng
Mong sao các cháu là một anh hùng thiếu nhi.
Tiếc rằng năm 1969 Bác ra đi, chưa được “trẻ già vui chung” nhưng thơ của Bác gửi cho thiếu nhi từ năm 1941 đến nay còn vang vọng mãi tấm lòng, tình cảm của vị lãnh tụ kính yêu.
Trần Chiêm Thành
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin