Chùm thơ 1 - 2 - 3
Chủ đề: Như những giấc mơ
Thơ 1-2-3 được nhà thơ Phan Hoàng, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khởi xướng từ năm 2018. Đây là thể loại thơ mới được nhiều nhà thơ Việt Nam hưởng ứng và thử nghiệm.
Theo nhà thơ Phan Hoàng, đã có 6 tập thơ 1-2-3 được xuất bản, trong đó có 2 tập được Giải thưởng văn học năm 2022 là: tập thơ Lối sen sương của Vũ Thanh Thủy, giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và tập thơ Vọng núi của Trần Nguyệt Ánh, giải B (không có giải A) của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk.
Đặc trưng thơ 1-2-3 được tóm tắt như sau: mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện. Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.
Đề tài thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả.
Thơ 1-2-3 khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng. Không khuyến khích biến thể các loại thơ truyền thống như: lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn… thành thơ 1-2-3.
Chùm thơ 1-2-3 chủ đề Như những giấc mơ viết từ những phút ngẫu hứng bất chợt mà đầy ám ảnh của các tác giả trong và ngoài tỉnh.
Nhà văn Trần Thu Hằng chọn và giới thiệu
Nguyễn Hữu Thông
(Hòa Bình)
Giấc mộng đêm trăng
Bóng cha đi cày trong làn mây trắng
Giọt mồ hôi thúc ngôi sao nhấp nháy nảy mầm
Bàng hoàng tỉnh giấc
Hương trăng lấp loáng thềm sân
Ngước mắt trông trời thổn thức, bâng khuâng.
Giấc mơ xanh nõn bầu trời
Những vì tinh tú rạng rỡ, tươi vui
Niềm nở ánh cười dù tôi chưa quen biết
Ở chốn mai sau tôi gặp được em rồi
Em ngã vào tôi, tôi ngã vào trời...
Bỗng tiếng sấm rền, giật mình tỉnh giấc.
Bảo Ngọc
(Hà Nội)
Ơi Phù thủy mắt nâu tóc đỏ!
Em cô đơn đã nghìn năm có lẻ
Ta trăm năm đường trần dông tố
Còn tìm chi trong vô vọng kiếp người
Ta xé ngực mình
Nắm tro tàn trên tim đá mồ côi.
Trong cơn mê
Uống nước sông quên - hồn ngược về miền nhớ
Vừa giấu buồn vào đêm - bình minh choàng mở cửa.
Trả duyên cho bớt nợ, duyên chất lại thêm đầy
Thôi, chẳng buồn tỉnh nữa
Cứ yêu như là say!
Trần Nhã My
(Tây Ninh)
Một giấc mơ về trong chớp mắt
Thấy mình tạo ra một tác phẩm điêu khắc
Tạc tượng Dostoevsky là tượng đứng
Đôi bàn chân vừa đủ trên mỏm đá nhô ra vực thẳm
Gió qua địa ngục, gió thốc vào trần gian
Cuốn người đi mải miết trong giấc mơ cuộc đời.
Anh đã tặng em một giấc mơ
Giấc mơ có dấu chân bao người thơ trên phố Nguyễn Du
em nhìn kỹ những dấu chân đã cũ
Phía xa kia là Huy Cận, Chế Lan Viên, Thế Lữ…
phía này đây mình cùng bước dưới lấp lánh muôn trùng con chữ
bất ngờ ký tự rơi khiến em giật mình tiếc mãi giấc mơ.
Mai Hân Hạnh
(Đồng Nai)
Thời gian biến ta thành gỗ mục
Ta mỉm cười, tặng hoàng hậu phong lan
Em kiêu sa lộng lẫy dịu dàng
Em yêu ta
Tình yêu không đột biến
Hòa trong em ta trẻ mãi không già.
Rồi sẽ qua, hỡi em yêu dấu
Đồng cói xanh lại in đậm dấu chân mình
Thảm hoa cói lung linh đang dập dìu trước gió
Món nợ năm xưa, trả em đêm trăng tỏ
Sóng biển rì rầm khúc hát đón người thân
Đồng cói quê nhà dệt tổ ấm hai trái tim hoa.
Trần Thị Bảo Thư
(Đồng Nai)
Cha cho con gia tài đầy gió
Những bức tranh mùa hạ mang sắc xuân để ngỏ
Lòng con lối cũ mưa dầm.
Gió bấc kéo phong cầm se sắt
Độc tấu bài thơ phổ nhạc đầu tiên
Con viết về giấc mơ của những con thuyền.
Anh đi vắng chiếc giường rộng như biển
Em lội qua giấc mơ vẫn chẳng tới bờ
Sàng sẩy câu thơ mãi không đọng hạt.
Khăn chít mỏ quạ hắt bóng
Chái bếp bên sân hắt bóng
Thừa mình em chương cuối tiểu thuyết vừa xong.
Trần Thanh Dũng
(Sóc Trăng)
Suối Đá Giăng réo lời hò hẹn?
Câu chữ phân thân
Lời tạ từ sơn thủy
Mấy độ tàn hư
Giấc mộng chờ trăng
Phiêu hết cuộc tang bồng?
Như thợ săn trong truyền thuyết ngàn năm
như cung nỏ đã kéo căng hết cỡ
tôi trương nở đến vô cùng tận
trong khu rừng nguyên sinh của chính tôi
để bạn rong chơi như gió
và tự do ca hát dưới bao la đồng cỏ cuộc đời?
Nguyễn Dương Tâm Minh
(Đồng Nai)
Những nỗi nhớ mùa hạ
Tháng bảy về thắp lửa sân trường
Mùa thi qua mau, ôm nỗi sầu ly biệt
Lũ ve đang tự tình gọi nhau tha thiết
Mưa đầu mùa chiều nay tinh khiết hạt long lanh
Lắng nghe hạ về trong miền nhớ hanh hao.
Ký ức dòng sông tuổi thơ
Phá Tam Giang nơi hạ nguồn tìm ra biển lớn
Trĩu nặng phù sa như lòng mẹ bao la
Bên lở bên bồi trong câu hò chiều xưa thương nhớ
Tiếng ru hời Nam Ai con đò lênh đênh sóng nước
Hơn nửa cuộc người, con lại về soi bóng sông quê.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin