Báo Đồng Nai điện tử
En

Sáng tạo mô hình dạy học trải nghiệm

Hải Yến
08:57, 23/09/2023

Đối với lĩnh vực đào tạo nghề, hoạt động thực hành, trải nghiệm thực tế rất quan trọng, giúp sinh viên hình thành kỹ năng chuyên môn và năng lực giải quyết vấn đề, phù hợp với vị trí việc làm. Để làm được điều này, nhà trường cần có thiết bị dạy học phù hợp, đồng thời tăng cường cho sinh viên tham gia thực tập tại doanh nghiệp.

Sinh viên được học với mô hình Dạy học trải nghiệm đóng gói sản phẩm (trạm gấp và dán keo). Ảnh: H.Yến
Sinh viên được học với mô hình Dạy học trải nghiệm đóng gói sản phẩm (trạm gấp và dán keo). Ảnh: H.Yến

Xuất phát từ những yêu cầu trên, nhóm giảng viên Khoa Điện -điện lạnh Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai gồm các thạc sĩ: Lê Trông Cơ, Lê Duy Khánh, Phan Thị Tuyết Hồng, Bùi Tấn Huệ và kỹ sư Trịnh Nam Phong đã sáng tạo mô hình Dạy học trải nghiệm đóng gói sản phẩm (trạm gấp và dán keo). Đây là một trong 3 giải pháp đoạt giải nhất hội thi Sáng tạo kỹ thuật Đồng Nai năm 2023.

* Thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và thực tế

ThS Lê Trọng Cơ cho biết: “Trong đào tạo nghề, học sinh, sinh viên không chỉ cần kiến thức, kỹ năng chuyên môn mà còn cần kỹ năng về phương pháp tiếp cận giải quyết vấn đề và các năng lực xã hội thực sự cần thiết cho vị trí việc làm của mình trong tương lai. Do đó, mô hình dạy học trải nghiệm giúp định hướng học sinh, sinh viên (HSSV) giải quyết các vấn đề kỹ thuật có thể gặp phải trong thực tiễn và tạo ra các môi trường thuận lợi giống với nơi làm việc để các em trải nghiệm giải quyết vấn đề. Nhờ đó, HSSV có thể tự phát triển năng lực hành nghề theo tiêu chuẩn công nghiệp”.

Mô hình Dạy học trải nghiệm đóng gói sản phẩm đã được áp dụng giảng dạy cho sinh viên hệ cao đẳng điện - điện lạnh từ năm học 2022-2023, được chuyển giao quy trình công nghệ cho Công ty TNHH MTV Biên Hòa SCM.

Để giải quyết được điều này, mô hình dạy học trải nghiệm mà nhóm làm là mô hình có kích thước tương đương thực tế, giúp người học dễ tiếp cận và trải nghiệm đúng với thực tế hơn. Nhờ đó, khi sinh viên tốt nghiệp, đi làm, các em không bị bỡ ngỡ và doanh nghiệp không phải tốn thời gian, chi phí để đào tạo lại.

Ngoài kinh nghiệm sáng tạo thiết bị dạy học đã có, nhóm giảng viên còn quan sát, thâm nhập thực tế tại doanh nghiệp, thực hiện tham khảo nghiên cứu thiết bị đào tạo từ các nhà sản xuất thiết bị đào tạo trong và ngoài nước để thiết kế, chế tạo nên mô hình Dạy học trải nghiệm đóng gói sản phẩm. Mô hình này giúp giáo viên truyền tải được nội dung bài học tốt hơn, thu hẹp khoảng cách giữa nơi đào tạo nghề và các doanh nghiệp sử dụng lao động; góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời tiết kiệm chi phí đầu tư và chi phí các buổi học tập.

Do mô hình xây dựng giống với thực tế trong sản xuất công nghiệp nên có thể mang đến sự trải nghiệm sinh động cho sinh viên; tạo được động lực học tập, khả năng tự học, kích thích khả năng phản xạ và sáng tạo cho người học; tạo sự gắn kết, tương tác đa chiều giữa giảng viên và người học, giữa người học với nhau.

* Tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng đào tạo

Mô hình Dạy học trải nghiệm đóng gói sản phẩm gồm 3 phần chính là: tủ cung cấp nguồn, mô hình đóng gói sản phẩm và tủ điều khiển. Trong đó, mô hình đóng gói sản phẩm (trạm gấp và dán keo) và tủ cung cấp nguồn được sử dụng chung cho cả lớp học; tủ điều khiển được trang bị riêng cho mỗi nhóm HSSV trong quá trình học tập và thực tập, các tủ điều khiển sau khi hoàn thành các bài học sẽ được đấu nối với mô hình thông qua các ổ/phích cắm chuyên dụng.

Điểm đặc biệt của mô hình này là được thiết kế theo hướng module hóa nhằm tăng tính linh hoạt, có thể thay đổi theo từng bài giảng, được lắp đặt sao cho thuận tiện cho việc quan sát và thao tác huấn luyện. Trên cơ sở tận dụng được tối đa trang thiết bị hiện có, thực hiện cải tạo, nâng cấp, chế tạo mới làm tăng hiệu quả sử dụng, tiết kiệm chi phí đầu tư, chi phí vận hành, giảm bớt tiêu hao vật tư trong giảng dạy.

Sơ đồ cấu trúc chung mô hình Dạy học trải nghiệm đóng gói sản phẩm. Ảnh: NVCC
Sơ đồ cấu trúc chung mô hình Dạy học trải nghiệm đóng gói sản phẩm. Ảnh: NVCC

Do được lắp đặt theo hướng module hóa nên mô hình có thể áp dụng để giảng dạy cho nhiều bài học ở các môn học/module khác nhau trong chương trình đào tạo của nghề Điện công nghiệp, nghề Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, các nghề cùng lĩnh vực điện - điện tử của nhà trường. Mô hình này có thể được sử dụng trong đào tạo ngắn hạn, hoặc liên kết đào tạo với doanh nghiệp; đào tạo theo hướng mô hình trải nghiệm cho các nghề khác.

Mô hình có tính linh hoạt cao đáp ứng được nhiều module khác nhau trong chương trình đào tạo của nhà trường nên giảm được số lượng thiết bị cần đầu tư mới, tiết kiệm được nhiều chi phí đầu tư mua sắm thêm thiết bị.

Bên cạnh đó, thiết bị dạy học này còn tích hợp số hóa tài liệu học tập của mô hình, giúp dễ dàng tìm kiếm, truy cập. Điều này hỗ trợ tích cực cho giảng viên và HSSV trong việc tiếp cận tài liệu học tập, tăng tính tự học tìm hiểu về kiến thức, thông tin học tập.

Toàn bộ các khâu từ thiết kế đến thi công, lắp đặt đều do nhóm giảng viên tự làm nên giá thành làm bộ mô hình dạy học này chỉ bằng 1/4 các thiết bị cùng loại từ các công ty sản xuất thiết bị dạy học hiện có trên thị trường.

Hải Yến

Tin xem nhiều