Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng cường gắn kết các tỉnh, thành Đông Nam bộ

Nhóm PV
09:47, 09/09/2023

Các tỉnh, thành Đông Nam bộ, trong đó có Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước.

 

Để tạo bước đột phá trong phát triển của các tỉnh, thành Đông Nam bộ, nhiều ý kiến cho rằng, sự liên kết vùng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là kết nối về hạ tầng giao thông; phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội, môi trường…

Phó giám đốc Sở Y tế NGUYỄN VĂN BÌNH:

Chủ động liên kết nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

 

Thời gian qua, ngành Y tế Đồng Nai đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong khám và điều trị bệnh cả về quy mô lẫn chất lượng. Hiện ngành vẫn đang triển khai có hiệu quả Đề án 1816, bệnh viện vệ tinh tại các bệnh viện, trung tâm y tế. Trong đó, 3 đơn vị là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp tục là vệ tinh của các bệnh viện trung ương như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Răng hàm mặt, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM… với nhiều chuyên ngành kỹ thuật cao, chuyên sâu được chuyển giao, đặc biệt là can thiệp tim mạch, động mạch chủ, thần kinh, đột quỵ, các can thiệp nội khoa như: lọc máu bằng ECMO, lọc thận, thực hiện phẫu thuật tim hở, phẫu thuật tim nội soi...

Việc ứng dụng kỹ thuật cao đã giúp điều trị thành công nhiều ca bệnh nặng, giúp giảm tải cho tuyến trên, người dân được điều trị kỹ thuật cao tại chỗ, không phải lên tuyến trên như trước đây, qua đó tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc.           Phương Liễu (ghi)

Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh NÃO THIÊN ANH MINH:

Tăng kết nối vùng qua phát triển hệ thống giao thông

 

Đồng Nai là địa phương có nhiều đầu mối giao thông quan trọng kết nối giữa các tỉnh, thành Đông Nam bộ với nhau như tuyến: quốc lộ 1, quốc lộ 20, quốc lộ 51, quốc lộ 56 và đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Các tuyến quốc lộ từ lâu đã đóng vai trò huyết mạch trong việc giao thương, đi lại giữa các địa phương. Riêng 2 tuyến đường cao tốc đã giúp giảm thời gian vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa các tỉnh, thành với nhau.

Do đó, việc giữ an toàn giao thông và thông suốt cho các tuyến quốc lộ, đường cao tốc là nhiệm vụ quan trọng được các cơ quan chức năng tại Đồng Nai coi trọng. Nhiều năm qua, Ban An toàn giao thông đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành có phương án mở rộng, cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, kiến nghị các bất cập hạ tầng, xóa các “điểm đen” tai nạn giao thông trên quốc lộ.

Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GT-VT) PHAN HỒNG QUANG: 

Tăng cường phát triển mạng lưới xe buýt liên kết vùng

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 tuyến xe buýt liên tỉnh. Trong đó có 7 tuyến xe buýt kết nối giữa Đồng Nai - TP.HCM và 4 tuyến kết nối 2 tỉnh: Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Qua đó cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông và giảm chi phí đi lại của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành phố trong vùng.

Tỉnh Đồng Nai đã, đang và hứa hẹn sẽ có nhiều kết nối đa dạng các loại hình vận tải, trong đó có cả hoạt động xe buýt đang phát triển theo hướng kết nối vùng. Mới đây, UBND tỉnh ban hành Chương trình nâng cao chất lượng hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 theo hướng tiện dụng, chất lượng, an toàn, hoạt động hiệu quả; đôn đốc, hỗ trợ các đơn vị vận tải đầu tư thay thế những phương tiện đã cũ, hư hỏng, giúp cho hoạt động xe buýt phục vụ người dân ngày càng hiệu quả; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ giá vé và đến năm 2025 nghiên cứu bổ sung 1-2 tuyến xe buýt có trợ giá để thu hút nhu cầu đi lại của người dân.

Phó chủ tịch UBND P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) TRẦN THIỆN THANH TOÀN:

Nỗ lực xóa các điểm ngập trong đô thị

 

Một trong những thực trạng đáng lo ngại tại đô thị của các tỉnh, thành Đông Nam bộ là tình trạng nước ngập khi mưa to hoặc thủy triều dâng cao. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân, giao thông và mỹ quan đô thị.

Đơn cử như P.Trảng Dài hiện có hơn 120 ngàn dân chỉ có 3 cửa ngõ chính ra đường Nguyễn Ái Quốc và Đồng Khởi nhưng có 2 cửa ngõ nằm trong các điểm ngập lâu năm. Do đó, cơ quan chức năng TP.Biên Hòa đang triển khai công trình chống ngập trên khu vực đường Đồng Khởi, dự kiến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành và giải quyết được điểm ngập tại khu vực ngã ba Trảng Dài.

Để chống ngập ở các đô thị, ngoài việc triển khai các công trình chống ngập, chính quyền địa phương cũng liên tục vận động người dân không bỏ rác ra suối, cống để hạn chế tình trạng nghẽn đường thoát nước. Cùng với đó là việc thường xuyên nạo vét, khơi thông các hệ thống cống, mương thoát nước khu dân cư, tạo các mảng xanh tự nhiên ở đô thị để nước mưa có lối thoát, không bị ứ đọng do hiện trạng bê tông hóa quá nhiều.

Công nhân Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn (H.Long Thành) VÕ THU HƯỜNG:

Tạo điều kiện tốt nhất để công nhân tiếp cận nhà ở xã hội

 

Các tỉnh, thành Đông Nam bộ đa phần phát triển công nghiệp nên lượng công nhân, người lao động khá đông, nhất là lao động ngoại tỉnh. Để giữ chân lực lượng lao động ở lại, yên tâm làm việc cần quan tâm hơn đến chính sách an sinh xã hội cho người lao động, nhất là việc tạo điều kiện tốt nhất để họ tiếp cận nhà ở xã hội.

Hiện mức giá bán nhà ở xã hội vẫn quá cao so với thu nhập của người lao động. Do đó cần có chính sách hỗ trợ người lao động vay vốn với lãi suất ưu đãi, kéo dài thời gian giãn nợ...

Ngoài ra, Nhà nước nên quy định tách riêng về nhà giá rẻ với nhà ở xã hội vì nhà giá rẻ có thể mua, cho thuê và bản chất là nhà thương mại, còn nhà ở xã hội thì chỉ nên để cho thuê. Như vậy, người có thu nhập thấp, công nhân sẽ dễ tiếp cận được với nhà ở xã hội hơn để an cư lạc nghiệp.             

 Nhóm P.V (ghi)
 

Tin xem nhiều