Đến hẹn lại lên, cứ vào đầu năm học mới, câu chuyện về các khoản thu lại “nóng” trên khắp các diễn đàn. Mặc dù khoản thu - chi được quy định khá chặt chẽ, nhưng không phải trường nào, ban đại diện cha mẹ học sinh nào cũng thực hiện đúng, dẫn đến gây ra nhiều bức xúc của phụ huynh.
Ảnh minh họa: C.Nghĩa |
Không ít phụ huynh khi chuẩn bị năm học mới cho con đã phải chấp nhận mua những bộ đồng phục có giá 400-500 ngàn đồng. Ngay sau lễ khai giảng, tại buổi họp đầu tiên của năm học mới, phụ huynh “hoa mắt” với hàng loạt các khoản đóng góp lên đến tiền triệu. Đáng chú ý là dù được “bọc” bởi danh xưng tự nguyện nhưng không ít nơi, nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh còn thiếu sự bàn bạc, thống nhất nên chưa tìm được tiếng nói chung về các khoản thu. Hơn nữa, phụ huynh trong cuộc họp thường không dám có ý kiến vì sợ con mình bị ảnh hưởng nên đành đóng tiền cho giống với mọi người.
Hiệu trưởng nhiều trường phổ thông tâm sự rằng, nếu không có các khoản đóng góp của học sinh và hoạt động hiệu quả của ban đại diện cha mẹ học sinh, chắc chắn nhà trường khó có thể nâng cao chất lượng dạy và học. Nguồn kinh phí được cấp eo hẹp trong khi đủ khoản phải chi, vì thế nếu không có nguồn hỗ trợ từ phụ huynh học sinh, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng như những điều kiện phục vụ học sinh sẽ khó lòng đảm bảo. Ở nhiều trường, nhờ sự tích cực, chủ động của ban đại diện cha mẹ học sinh mà học sinh được học tập, chăm sóc trong môi trường tốt, an toàn, chất lượng.
Kinh nghiệm được ban đại diện cha mẹ học sinh chia sẻ, vẫn là phải công khai, minh bạch các khoản thu - chi. Thu - chi trên nguyên tắc tự nguyện nhưng phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật và khả năng đóng góp của số đông phụ huynh. Trước mỗi đợt đóng góp, ban đại diện cha mẹ học sinh trường làm việc với ban đại diện của lớp để trao đổi, công khai các khoản đóng góp, từ đó đi đến thống nhất mức thu. Riêng đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ban đại diện cha mẹ học sinh phải có chế độ hỗ trợ, miễn giảm để các em và phụ huynh không cảm thấy quá áp lực hay tự ti, mặc cảm về hoàn cảnh của mình. Quan trọng nhất là tất cả các khoản đóng góp đều phải ghi chép và công khai để tất cả phụ huynh đều biết, theo dõi.
Một yếu tố nữa không kém phần quan trọng là ban giám hiệu nhà trường không được can thiệp sâu vào hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh. Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng không vì được phụ huynh tin tưởng mà lạm quyền, chi không đúng mục đích, không đặt lợi ích học sinh lên hàng đầu. Bởi muốn nói gì thì nói, khi phụ huynh đồng ý với các khoản thu (cả trong và ngoài quy định) là đều nghĩ đến quyền lợi con em mình. Phụ huynh đồng hành với nhà trường trong giáo dục học sinh là để chất lượng giáo dục được nâng lên, học sinh được học trong điều kiện và môi trường tốt nhất.
Năm học mới 2023-2024 đã bắt đầu với nhiều hy vọng về một năm học đổi mới, chất lượng, hiệu quả với học sinh là trung tâm. Tất nhiên, vai trò đồng hành của các ban đại diện cha mẹ học sinh là không thể thiếu để cùng nhà trường tìm được tiếng nói chung trong giáo dục, chăm sóc học sinh.
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin