Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyên đề: Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại:
Nguồn máu dự trữ cứu sống nhiều bệnh nhân

Hạnh Dung
19:43, 20/10/2023

Với bệnh nhân bị bệnh tan máu bẩm sinh thể nặng, nguồn máu dự trữ để truyền vào cơ thể mỗi đợt là cách giúp họ duy trì sự sống.

Điều dưỡng Khoa Huyết học - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thực hiện truyền máu để điều trị cho bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh

Nhờ có nguồn máu dự trữ tại các bệnh viện mà rất nhiều bệnh nhân đã được cứu sống, trở về cuộc sống đời thường.

* Thường xuyên phải truyền máu

Suốt 12 năm qua, vợ chồng chị Nguyễn Mộng Yến (ngụ xã Bàu Cạn, H.Long Thành) thay phiên nhau đưa con trai N.Đ.D.T., 12 tuổi đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để truyền máu nhằm duy trì sự sống cho bé.

Chị Yến chia sẻ, khi đang mang thai ở tháng thứ 6, chị bị thiếu máu, phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM). Sau khoảng 3 tháng nằm viện, chị sinh ra bé trai D.T. Ngay khi vừa sinh ra, em bé đã được chẩn đoán bị bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia). Bé T. sau đó được chuyển về Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để điều trị.

Những năm đầu tiên, cứ khoảng 5 tuần, bé T. phải đến bệnh viện để truyền máu, thải sắt 1 lần. Càng lớn tuổi, thời gian phải đi truyền máu, thải sắt của bé T. càng được rút ngắn. Đến nay, khi ở tuổi 12, cứ 2 tuần/lần, bé T. phải đến bệnh viện để truyền máu. Tùy vào thể trạng, sức khỏe của bệnh nhi mà mỗi lần, các bác sĩ chỉ định truyền 250ml hoặc 350ml máu.

Theo chị Yến, do thiếu máu thể nặng nên cứ đến giao mùa, con chị dễ bị ốm vặt. Cứ đến những ngày cuối chu kỳ truyền máu, cháu lại uể oải, mệt mỏi. Đến khi được truyền máu vào cơ thể, cậu bé như được tiếp thêm năng lượng, khỏe khoắn hẳn lên, vận động, vui chơi bình thường.

Còn chị Nguyễn Thị Thủy (ngụ TT.Gia Ray, H.Xuân Lộc) tâm sự, khi con gái được 7 tháng tuổi, thấy da con xanh xao, bỏ ăn, bụng chướng, quấy khóc, tiêu chảy nhiều, chị đã đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) để làm xét nghiệm. Các bác sĩ kết luận con chị bị bệnh tan máu bẩm sinh. Từ đó đến nay, cứ 2-4 tuần, chị Thủy lại đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để truyền máu.

“Thời điểm dịch Covid-19 thiếu máu dự trữ, chúng tôi rất lo lắng vì con mình sống phụ thuộc vào nguồn máu này. Chúng tôi rất biết ơn những tình nguyện viên đã tích cực tham gia hiến máu” - chị Nguyễn Thị Thủy cho hay.

Ngoài những bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh thì nhiều bệnh nhân khác cũng rất cần nguồn máu dự trữ để được điều trị, đặc biệt là những bệnh nhân bị tai nạn, chấn thương nặng, mất nhiều máu.

BS CKI Kiều Minh Sơn, Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, quá trình công tác tại khoa, anh đã tham gia cấp cứu, hỗ trợ phẫu thuật cho nhiều bệnh nhân bị thủng tim, phổi, mất nhiều máu, nguy cơ tử vong cao.

Để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, trước khi được truyền máu, bệnh nhân sẽ được lấy máu để xét nghiệm khẩn để biết nhóm máu và các thông tin cần thiết. Bác sĩ Khoa Cấp cứu sẽ liên hệ với Khoa Huyết học - truyền máu để chuẩn bị số lượng máu, chuyển vào phòng phẫu thuật để truyền cho bệnh nhân.

Tương tự, theo BS CKII Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, bệnh viện từng cứu sống nhiều bệnh nhân bị tai nạn giao thông, tai nạn thương tích cực nặng. Trong đó có những trường hợp bị dao đâm vào tim, mất gần hết lượng máu trong cơ thể, vào viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở…

* Mong nguồn máu dự trữ luôn dồi dào

Từng trải qua thời điểm tủ máu dự trữ chỉ còn vài bịch máu trong khi có nhiều bệnh nhân cần được truyền máu gấp, BS Lê Văn Thống Nhất, Trưởng khoa Huyết học - truyền máu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, đó là quãng thời gian khó khăn nhất đối với khoa và với bệnh viện, bệnh nhân.

Theo BS Nhất, từ tháng 7 đến tháng 9-2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát dữ dội, tỉnh Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội, nhiều nơi phong tỏa để cách ly, phòng dịch khiến công tác tiếp nhận máu hiến của tình nguyện viên không thể diễn ra. Do vậy, Trung tâm Truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy không có máu để cấp phát cho các bệnh viện. Vì thế, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn máu dự trữ nghiêm trọng.

“Trung bình mỗi ngày, bệnh viện sử dụng từ 30-40 đơn vị máu để phục vụ cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân. Để có đủ số máu này, bệnh viện phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy, Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức tiếp nhận máu hiến ngay tại bệnh viện. Đồng thời huy động nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân và người dân trên địa bàn đủ điều kiện tham gia hiến máu. Sau đó, chuyển số máu này lên Bệnh viện Chợ Rẫy để sản xuất, tách thành phần máu và nhận đơn vị máu hoàn chỉnh về để cấp cứu cho bệnh nhân” - BS Nhất nhớ lại.

Đến nay, khi dịch Covid-19 đã được đẩy lùi, hoạt động tiếp nhận máu hiến được tổ chức thường xuyên, tủ máu dự trữ của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã đầy trở lại.

Nói về ý nghĩa của nguồn máu dự trữ trong công tác điều trị bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh, BS CKI Trần Xuân Lam, Phụ trách Khoa Huyết học - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, khoa đang quản lý 200 bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh trong toàn tỉnh. Trong đó có hơn 100 bệnh nhi phải truyền máu, thải sắt thường xuyên để điều trị bệnh.

“Bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh thể nặng phải phụ thuộc vào việc truyền máu suốt đời để duy trì sự sống chứ không chỉ là cung cấp một phần máu cho cơ thể. Nếu không có máu thì các bệnh nhân sẽ không thể sống nổi” - BS Lam nhấn mạnh.

Cũng theo BS Lam, với sự tiến bộ của y học ngày nay, các bác sĩ đang hướng tới mục tiêu điều trị để bệnh nhân tan máu bẩm sinh có thể trở về cuộc sống bình thường, có thể đi học, lao động, sinh hoạt như những người khác. Vì thế, các bệnh viện cần một lượng lớn máu dự trữ.

Mặt khác, một số bệnh nhân tan máu bẩm sinh, việc truyền máu nhiều lần có thể sinh ra những kháng thể bất thường. Nếu truyền nhóm máu không phù hợp với bệnh nhân sẽ sinh ra tán huyết khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Do vậy, việc lựa chọn đơn vị máu phù hợp về mặt miễn dịch cho bệnh nhân rất quan trọng.

BS Lam cho biết, đôi khi các nhân viên y tế phải lựa chọn từ 10-20 bịch máu mới có được 1 bịch máu phù hợp cho những bệnh nhân nói trên. Nếu không có ngân hàng máu dồi dào sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng điều trị cho bệnh nhân.


 

BS CKI TRẦN XUÂN LAM, Phụ trách Khoa Huyết học - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai: Rất cần các nhóm máu hiếm

Mỗi năm, khoa tiếp nhận và sử dụng từ 1,5-2 ngàn đơn vị máu. Điều mà chúng tôi lo lắng nhất là xảy ra tình trạng thiếu máu dự trữ, thiếu các nhóm máu hiếm, bởi trong số hơn 100 bệnh nhi có một số bệnh nhi mang máu hiếm. Chúng tôi rất mong hội chữ thập đỏ các cấp khi kêu gọi và phối hợp tổ chức các đợt tiếp nhận máu hiến sẽ có phương án để cân đối trong việc tiếp nhận các nhóm máu cho phù hợp, tránh trường hợp có nhóm máu thì nhiều quá, nhóm thì ít quá. Bệnh viện cũng rất mong sẽ nhận được nguồn máu tươi (trong vòng 1 tuần từ lúc tiếp nhận máu hiến đến khi truyền cho bệnh nhân) để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân.

 

Anh NGUYỄN VĂN HOÀI (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa): Biết ơn các bác sĩ, bệnh viện và những người hiến máu

Vừa qua, tôi bị thương rất nặng, tưởng chừng không qua khỏi. Sau này nghe bác sĩ nói, tôi bị mất 2,5 lít máu, chiếm hơn một nửa lượng máu trong cơ thể. Để cứu tôi, trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã truyền 8 đơn vị máu loại 350ml, các chế phẩm của máu. Nhờ vậy mà tôi thoát chết, dần bình phục và trở về cuộc sống đời thường. Tôi rất biết ơn các bác sĩ, bệnh viện và những người hiến máu tình nguyện.

An Yên (ghi)


Hạnh Dung

Tin xem nhiều