Xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động (CNLĐ) được xác định là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Huỳnh Phước Sang |
Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Huỳnh Phước Sang cho biết, với chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, thời gian qua, cùng với chăm lo đời sống vật chất, tổ chức Công đoàn đã thường xuyên đổi mới các hình thức chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động ngay từ cơ sở.
Đa dạng hóa hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao
* Các hình thức chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động được tổ chức Công đoàn thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Thời gian qua, tổ chức Công đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Trong đó, luôn chú trọng phát huy vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, nếp sống văn hóa, tác phong lao động công nghiệp, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, hiểu biết pháp luật cho công nhân. Vận động, thuyết phục đoàn viên, công nhân tích cực tham gia xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho bản thân và con em mình.
Trong tuyên truyền, chúng tôi chú trọng lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức phù hợp với từng loại hình công đoàn cơ sở, sát hợp từng đối tượng. Chú trọng những hình thức tuyên truyền vận động phù hợp đối với CNLĐ như: tổ chức hội thi, đối thoại, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề… Cùng với đó, thành lập các tổ, nhóm, CLB công nhân nòng cốt phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức các buổi tuyên truyền và tư vấn pháp luật lưu động cho CNLĐ tại các khu nhà trọ.
Đồng thời, chúng tôi cũng phối hợp với các ngành, địa phương nâng cao chất lượng, đa dạng hóa hình thức tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với điều kiện làm việc của công nhân khu công nghiệp (KCN), tạo điều kiện cho CNLĐ được thụ hưởng văn hóa tinh thần như: các hội thi văn nghệ, hội thao…
Mặt khác, xác định lực lượng lao động là vốn quý nhất của doanh nghiệp (DN), nhiều chủ DN chủ động đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa dành cho người lao động khá quy mô, như ký túc xá, nhà trẻ, siêu thị, khu sinh hoạt văn hóa, nhà thi đấu, sân thể thao... nhằm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho CNLĐ. Điển hình như Công ty CP TKG Taekwang Vina, Công ty TNHH Pousung Việt Nam, Công ty TNHH Changshin Việt Nam, Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, Tập đoàn Phong Thái...
* Thưa ông, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, người lao động hầu như đều có điện thoại thông minh để tiếp cận sử dụng, xem đây là một hình thức giải trí sau giờ tan ca. Tuy nhiên, không ít thông tin trên mạng không chính thống, thậm chí là xấu độc, phi văn hóa. Trước thực trạng này, Công đoàn đã tuyên truyền như thế nào?
- Mạng xã hội như con dao hai lưỡi, có mặt tích cực nhưng cũng có nhiều tiêu cực ảnh hưởng lớn đến hoạt động tuyên truyền của tổ chức Công đoàn. Thời gian qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về cách thức sử dụng mạng xã hội trong CNLĐ, đồng thời, chú trọng xây dựng các fanpage của tổ chức Công đoàn trên mạng xã hội để đẩy mạnh tuyên truyền, chia sẻ những thông tin chính thống, tích cực cũng như tiếp nhận ý kiến phản ánh, giải đáp thắc mắc của đoàn viên và người lao động. Song song với đó, chúng tôi cũng thường xuyên sâu sát, kịp thời nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội trong công nhân. Từ đó, kịp thời đấu tranh, uốn nắn nhận thức lệch lạc, biểu hiện sai trái trong đoàn viên Công đoàn, CNLĐ.
Giám đốc Sở VH-TTDL LÊ THỊ NGỌC LOAN: Phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở
Nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ, với vai trò, nhiệm vụ của mình, thời gian qua ngành VH-TTDL đã chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh gắn với thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu về lĩnh vực văn hóa; duy trì, nhân rộng các mô hình nâng cao đời sống tinh thần trong nhân dân. Ngành cũng khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ quan văn hóa, văn học, nghệ thuật sáng tác và phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật tới CNLĐ KCN.
Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố bố trí quỹ đất để xây dựng thêm các thiết chế văn hóa ưu tiên những nơi tập trung đông CNLĐ. Rà soát, kiểm tra lại các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh để sửa chữa, nâng cấp, bổ sung những hạng mục phù hợp tạo điều kiện cho công nhân đến tham gia các hoạt động. Đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, xây dựng và nâng cấp sửa chữa các thiết chế văn hóa nơi có đông công nhân.
Đồng thời, chỉ đạo cho các trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao cấp huyện; trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng cấp xã; ban chủ nhiệm nhà văn hóa khu thể thao ấp, khu phố tạo điều kiện và tổ chức các hoạt động dành cho CNLĐ đến tham gia. Sở cũng sẽ phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Báo Đồng Nai, Đài PT-TH Đồng Nai, UBND các huyện, thành phố và Ban Quản lý các KCN tổ chức nhiều các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ CNLĐ.
Thảo Lâm (ghi)
Huy động nguồn lực xây dựng thiết chế văn hóa cho CNLĐ
* Việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ còn những hạn chế, khó khăn gì thưa ông?
- Thời gian qua, công tác xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các KCN được quan tâm hơn. Hệ thống thiết chế văn hóa ngày càng được tăng cường; các hoạt động, phong trào văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí của công nhân phong phú, đa dạng hơn. Dù vậy, so với lực lượng CNLĐ trên địa bàn tỉnh, hệ thống thiết chế văn hóa, công trình phúc lợi, trường học, bệnh viện, nhà ở… phục vụ CNLĐ KCN vẫn còn khiêm tốn. Nhiều DN chưa quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của CNLĐ. Một số công nhân còn có lối sống thiếu lành mạnh, vướng vào tệ nạn xã hội…
Công nhân lao động Công ty TNHH Dona Pacific Việt Nam (H.Trảng Bom) biểu diễn văn nghệ tại chương trình Tết Sum vầy |
* Vậy cần tập trung những giải pháp nào trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa đời sống văn hóa cho người lao động, thưa ông?
- Trong thời gian tới, cần phải tiếp tục tăng cường tuyên truyền cho CNLĐ về chính sách, pháp luật, nếp sống văn hóa, tác phong lao động công nghiệp. Đẩy mạnh phong trào thi đua học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; tổ chức các hình thức tìm hiểu pháp luật, văn hóa, kiến thức xã hội cho CNLĐ. Tăng cường các hoạt động liên hoan, hội thi, hội thao, đẩy mạnh phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong CNLĐ…
Cùng với đó, cần tăng cường đầu tư các hoạt động văn hóa phục vụ CNLĐ. Tiếp tục đẩy mạnh khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội để xây dựng thiết chế văn hóa mới cho CNLĐ; ưu tiên bố trí quỹ đất và kinh phí để xây dựng nhà ở, công trình phúc lợi, khu vui chơi, giải trí cho công nhân KCN. Tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 22-8-2022 về phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025.
Mặt khác, cần nâng cao trách nhiệm của DN trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ. Vận động các DN tiếp tục quan tâm, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNLĐ trong các DN; tạo điều kiện thuận lợi để CNLĐ có thời gian tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí.
* Xin cảm ơn ông!
Hồ Thảo (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin