Gốm Biên Hòa đã có lịch sử hơn 300 năm gắn liền với sự phát triển của con người, vùng đất nơi đây với những nét đặc sắc riêng, kết tinh của nét đẹp văn hóa, lịch sử của xã hội qua nhiều giai đoạn.
Các nghệ nhân, thợ sản xuất nghề gốm Biên Hòa vẫn cần mẫn tạo ra những sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ảnh: Đ.LÊ |
Trong bối cảnh các làng nghề nói chung, nghề gốm nói riêng đang đứng trước nguy cơ mai một, Đồng Nai vẫn quyết tâm gìn giữ, bảo tồn và đầu tư phát triển nghề gốm. Bên cạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh thì việc đi tìm không gian chung để quảng bá, giới thiệu văn hóa, lịch sử làng nghề cũng rất cần thiết.
* Thăng trầm của nghề gốm
Tại Việt Nam, nghề gốm sứ có lịch sử lâu đời từ hàng ngàn năm trước, từ thời tiền sử, thời đồ đồng, thời các triều đại phong kiến. Ngày nay, gốm sứ đã đạt những đỉnh cao về kỹ thuật lẫn mỹ thuật. Nhiều trung tâm gốm sứ đã hình thành trong cả nước với những sản phẩm đặc trưng như gốm: Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng, Bàu Trúc, Bình Dương, Vĩnh Long…
Đối với gốm Biên Hòa, lịch sử phát triển gắn liền với quá trình khai khẩn và định hình vùng đất, con người Biên Hòa, Đồng Nai và phương Nam. Thời kỳ thương cảng Nông Nại Đại Phố phát triển, đã có rất nhiều hàng hóa buôn bán, trong đó có các sản phẩm từ gốm được sản xuất ở vùng đất này và đem đi buôn bán, trao đổi khắp nơi.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH đề nghị UBND tỉnh cần sớm xây dựng, ban hành chính sách phát triển cho ngành gốm, giải pháp liên quan đến các vấn đề như đất đai, thuế, thị trường… Cố gắng xây dựng xong chính sách trong năm nay để tạo động lực phát triển cho ngành gốm.
Theo dòng lịch sử, các làng gốm Biên Hòa hơn 300 tuổi từng tạo ra những sản phẩm vang danh vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Cho đến nay, các loại gốm Biên Hòa thời đó vẫn được xem là của hiếm đối với những người chơi gốm cổ. Theo đánh giá của các chuyên gia và nghệ nhân, gốm Biên Hòa vừa có giá trị nghệ thuật lại vừa có giá trị sử dụng cao. Những sản phẩm gốm mỹ thuật trang trí độc đáo, phong phú và đa dạng với đủ mọi chủng loại như các loại đôn voi, đôn tròn, các loại chậu hoa, tượng, thú... được trang trí hiện đại, tinh tế, sử dụng men nhẹ lửa, màu men thanh thoát. Ngoài ra, Biên Hòa còn nổi tiếng với các sản phẩm gốm đất nung (gốm đỏ) không phủ men mang vẻ đẹp tự nhiên, rất được thị trường ưa chuộng.
Qua biến thiên thời gian, từ hàng trăm cơ sở, hiện chỉ còn vài chục đơn vị lớn nhỏ làm nghề gốm ở Biên Hòa tập trung tại các phường: Bửu Long, Tân Vạn, Tân Hạnh và Hóa An. Những sụt giảm ấy cùng với những đòi hỏi của thời cuộc, thị trường yêu cầu cần có sự thay đổi, cơ cấu lại để có thể bảo tồn được một trong những nghề cổ truyền, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử không chỉ của Đồng Nai mà cả vùng lân cận. Do đó, tỉnh đã quy hoạch di dời các cơ sở sản xuất gốm trên địa bàn TP.Biên Hòa vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (TP.Biên Hòa).
Vừa mới di dời được vào cụm gốm sứ, chưa ổn định được toàn bộ hoạt động sản xuất thì các doanh nghiệp (DN) nói chung, ngành gốm nói riêng lại đối mặt liên tiếp với nhiều khó khăn như: dịch bệnh Covid-19, xung đột vũ trang trên thế giới và sự sụt giảm đơn hàng từ nước ngoài. Do đó, hầu hết các DN đều hoạt động cầm chừng vì không có đơn hàng.
Ông Nguyễn Viết Bình, Chủ tịch Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai, Giám đốc Công ty CP Gốm Việt Thành cảm thán, nghề gốm đang đứng trước sự sống còn. Khó khăn dồn dập nên mong muốn tỉnh, TP.Biên Hòa và các ngành liên quan thực sự tháo gỡ, nhất là vấn đề tiền đầu tư cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp trong giai đoạn khó khăn và kiến nghị được phép sản xuất thêm các lĩnh vực phụ trợ cho ngành gốm…
* Cần không gian chung để bảo tồn và quảng bá
Theo Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai, UBND tỉnh phê duyệt bố trí các cơ sở sản xuất gốm mỹ nghệ vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh có thỏa thuận giao cho Hiệp hội Gốm 5 ngàn m2 đất để xây dựng showroom, văn phòng hiệp hội, khu sản xuất cho các nghệ nhân phục hồi gốm mỹ nghệ truyền thống xưa và bảo tàng nghề gốm kết hợp tham quan du lịch. Tuy nhiên, qua nhiều năm nay, việc này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Do đó, tại buổi gặp gỡ của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và lãnh đạo tỉnh với các DN trong Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai được tổ chức trong tháng 9-2023, Hiệp hội kiến nghị tỉnh tiếp tục giao phần diện tích đất đã phê duyệt để thực hiện các nội dung nói trên. Hiệp hội cam kết đầu tư bằng nguồn vốn của các hội viên, sớm hình thành thiết chế hỗ trợ phát triển nghề gốm truyền thống, tạo điểm nhấn tham quan xứng tầm lịch sử hơn 300 năm của nghề. Bên cạnh đó, hiệp hội kiến nghị tỉnh cho phép xây dựng cổng chào vào làng nghề gốm (khu vực Tân Hạnh) để tạo biểu tượng, tôn vinh văn hóa gốm của Biên Hòa, Đồng Nai.
Theo ông Vòng Khiềng, Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai, việc di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh vào cụm công nghiệp gốm sứ là cần thiết và cần có các giải pháp tháo gỡ cho các DN, cơ sở. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống, không thể biến làng nghề truyền thống trở thành một khu công nghiệp nhỏ mà phải có một mô hình tổ chức phù hợp với bản chất làng nghề.
Việc xây dựng cổng chào làng nghề nếu được tỉnh chấp thuận thì các thành viên Hiệp hội sẽ đóng góp kinh phí, nghiên cứu thiết kế, xây dựng trở thành điểm nhấn của đô thị. Đồng thời, khi đầu tư xây dựng đồng bộ cùng với khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm, bảo tàng gốm thì sẽ có thêm cơ hội phát triển du lịch kết hợp với làng nghề. Khi đến tham quan DN sản xuất gốm, du khách có thể thấy không khí nhộn nhịp, tất bật của hoạt động sản xuất và sáng tạo nghệ thuật, có thể tự tay làm riêng cho mình những sản phẩm như ý thích. Gắn kết làng gốm với phát triển du lịch có thể coi là hướng đi trong thời buổi khó khăn nhưng lại phù hợp cho sự phát triển ổn định, lâu dài.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, nghề gốm chứa đựng bản sắc văn hóa, lịch sử của vùng đất Đồng Nai, do đó địa phương phải có giải pháp bảo tồn và phát triển.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của hiệp hội, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, TP.Biên Hòa phối hợp với Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai để từng bước tháo gỡ. Riêng vấn đề xây dựng cổng chào và bảo tàng cho nghề gốm, tỉnh đồng tình với đề xuất của các DN. Việc xây dựng bảo tàng gốm hay cổng chào đặc trưng của làng nghề nhằm lưu giữ những ký ức, giá trị tốt đẹp của lịch sử, văn hóa. Không chỉ vậy, trong tương lai gần, Đồng Nai cần nghiên cứu tổ chức các lễ hội, festival văn hóa về gốm nhằm quảng bá cho du khách, tạo điểm nhấn, động lực cho nghề hơn 300 năm tuổi tiếp tục phát triển.
Đào Lê
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin