Phú Yên nằm trong tốp đầu các tỉnh có bờ biển đẹp của Việt Nam. Điều thú vị là ở vùng quê duyên hải Nam Trung bộ nhiều nắng gió này lại có cao nguyên Vân Hòa được mệnh danh là "Đà Lạt của Phú Yên" với khí hậu quanh năm mát mẻ, mù sương.
Du khách chụp hình lưu niệm tại nhà thờ Mằng Lăng (xã An Thạch, H.Tuy An). Ảnh: B.NGUYÊN |
Vùng đất này hấp dẫn du khách gần xa còn vì có nhiều di tích văn hóa, lịch sử. Ấn tượng nhất là nhà thờ Mằng Lăng (xã An Thạch, H.Tuy An) được xây dựng theo kiến trúc Gothic châu Âu nhưng lại mang tên một loài hoa thuần Việt, nơi lưu giữ cuốn sách đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ của Việt Nam.
* Đa đạng cảnh sắc từ biển đến cao nguyên
Với đường bờ biển dài hơn 189km, thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho tỉnh Phú Yên có nhiều vũng, vịnh, đảo nhỏ, nhiều bãi tắm đẹp, hoang sơ, quyến rũ như: bến Xuân Hải (TX.Sông Cầu), bán đảo Hòa An, đầm Cù Mông, vũng Me, vũng Lắm, vũng Chào, đảo Nhất Tự Sơn, làng cá Phước Đồng, danh lam thắng cảnh quần thể Hòn Yến, Ghềnh Đá Đĩa… tạo nên sức hấp dẫn về cảnh sắc cho vùng đất được mệnh danh là đất Phú trời Yên này. Nơi đây có rất nhiều bãi biển hoang sơ như: bãi Môn, bãi Xép, bãi Bàng, bãi Từ Nham, bãi Ôm, bãi Rạng…
Một trong những điểm đến ấn tượng nhất với du khách phải kể đến di tích quốc gia đặc biệt Ghềnh Đá Đĩa ở xã An Thạch, H.Tuy An. Ghềnh Đá Đĩa rộng khoảng 50m và trải dài hơn 200m, là tập hợp các trụ đá hình lăng trụ xếp liền nhau, hòn nọ nối hòn kia kề với sóng nước. Bãi đá trải rộng san sát nhau chung một màu đen huyền bí. Có trụ thẳng đứng, có trụ nghiêng nhưng vẫn chồng thành tầng tầng giống như chồng bát đĩa nên mới có tên gọi như hiện nay.
Phép giảng tám ngày - cuốn sách Quốc ngữ đầu tiên đang được lưu giữ tại nhà thờ Mằng Lăng là tài sản vô giá. |
Nhìn từ xa, Ghềnh Đá Đĩa trông như một tổ ong thiên tạo khổng lồ vô cùng kỳ vĩ. Từ trên cao, có thể nhìn thấy khu ghềnh lấn biển với những khối đá mặt hình lục giác, gắn chặt với nhau tựa miếng sáp ong khổng lồ đều đặn, tạo nên một tổng thể vững chắc với màu đen bóng. Khu ghềnh đặc biệt này được hình thành khi núi lửa tuôn trào dung nham xuống biển. Dòng dung nham nóng gặp biển lạnh đông cứng lại, cùng với hiện tượng di ứng lực nên toàn bộ khối nham thạch bị rạn nứt đa chiều tạo nên cảnh quan kỳ thú.
Ngoài những cảnh sắc tuyệt đẹp của vùng biển, miền quê này lại có cao nguyên Vân Hòa được mệnh danh là "Đà Lạt của Phú Yên"; là vùng đất đỏ bazan được hình thành do quá trình phun trào núi lửa có độ cao trung bình 400m so với mực nước biển, tạo nên tiểu vùng khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Cao nguyên này thuộc địa bàn các xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân của H.Sơn Hòa và một phần H.Tuy An. Cao nguyên này là điểm đến mới, hấp dẫn du khách gần xa còn vì có nhiều di tích văn hóa lịch sử và ẩm thực truyền thống của người dân bản địa. Vùng đất này đang phát triển cây ăn trái, các khu du lịch nghỉ dưỡng, các trang trại trồng rau, hoa ôn đới vừa phục vụ sản xuất, vừa phục vụ du lịch.
Tại đây còn lưu lại nhiều di tích lịch sử cách mạng liên quan đến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Yên trong thời kỳ 1954-1975. Trong đó, di tích lịch sử tiêu biểu là Nhà thờ Bác Hồ, Căn cứ địa cách mạng của tỉnh Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và di tích Địa đạo Gò Thì Thùng đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia vào năm 2008.
* Nơi lưu giữ quyển sách quốc ngữ đầu tiên
Với lịch sử hơn 120 năm, Mằng Lăng là nhà thờ cổ nhất tỉnh Phú Yên và là nơi đang lưu giữ cuốn sách chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam. Cuốn sách Phép giảng tám ngày do linh mục Alexandre de Rhodes soạn. Ông vừa là nhà truyền giáo vừa là nhà ngôn ngữ học người Pháp. Cuốn sách đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ của Việt Nam in năm 1651, tại Roma (Italy) đã tồn tại 372 năm. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự ra đời của chữ Quốc ngữ, chữ viết tiếng Việt chính thức đang dùng hiện nay.
Nhà thờ Mằng Lăng không cố định thời gian mở cửa nên người dân, du khách có thể thường xuyên ghé qua đây. Riêng hầm chứa sách mở cửa từ 8 giờ và đóng cửa lúc 18 giờ.
Cuốn giáo lý này được in song ngữ bằng tiếng Latin (bên trái) và chữ Quốc ngữ sơ khai (bên phải). Theo các nhà nghiên cứu, về cơ bản, chữ Quốc ngữ trong cuốn từ điển này đã có dạng thức như chữ Quốc ngữ ngày nay. Có rất nhiều điều thú vị khi quan sát những “bước chập chững” đầu tiên của chữ Quốc ngữ trong cuốn sách này.
Khách du lịch đến thăm Ghềnh Đá Đĩa ở xã An Ninh Đông (H.Tuy An) |
Sự bí ẩn và thú vị của cuốn sách in chữ Quốc ngữ đầu tiên càng được nhân lên gấp bội bởi nơi lưu giữ nó là nhà thờ Mằng Lăng. Đây là nhà thờ kiến trúc Gothic của châu Âu nhưng lại mang tên một loài hoa thuần Việt.
Theo các bậc cao niên ở An Thạch, trước đây xung quanh nhà thờ có rất nhiều loại cây hoa tím cùng họ với cây bằng lăng, nên người dân gọi loài hoa đó là hoa mằng lăng và nhà thờ được đặt tên của loài hoa này. Ngày nay, trong nhà thờ vẫn còn chiếc bàn trà được làm bằng gỗ mằng lăng được cưa từ một thân gỗ mằng lăng lớn tại chính vị trí xây ngôi nhà thờ này. Nhà thờ cũng lưu giữ nhiều hiện vật quý mang tính lịch sử, lý giải và minh chứng tiến trình hình thành phát triển của tôn giáo, đời sống con người khu vực Nam Trung bộ.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin