Tháng mười, những đụn khói trắng bay là là theo gió bởi một ngôi nhà hàng xóm đốt lá. Thoang thoảng mùi ký ức bay qua căn nhà. Con ngồi thu lu một góc, nhớ ngôi nhà xưa của mình, bóng dáng mẹ lụi cụi trước thềm. Mẹ vào trong bếp, kiếm mấy củ khoai vừa mới bới ban sáng, bỏ vào rổ rồi ra sau giàn ao, rửa sạch sẽ bụi bẩn bám quanh. Vào trong sân giếng, múc thêm mấy ca nước giếng trong lành, mẹ rửa sạch sẽ mớ khoai thêm một lần nữa. Rồi cắt đôi, cắt ba ra. Nồi cơm bằng gang đang sôi ùng ục trên bếp, mẹ nhẹ nhàng thả những củ khoai vào đó. Lấy đũa bếp khuấy vòng tròn vài lần, đậy nắp kín rồi ra vườn ngắt thêm mấy cọng rau chuẩn bị nồi canh chiều.
Cơm độn khoai, hồi ấy vì nghèo, nên mẹ bảo độn thêm khoai để các con có cái ăn, đi học ấm bụng, yên tâm học bài. Nhưng dần dà thành quen, cứ hễ mùa khoai tới, mẹ lại cẩn thận đào những củ khoai to từ ruộng về, bỏ dưới gậm giường, nơi mát mẻ nhất để khoai không bị thối, mốc. Những củ khoai vàng ươm, được lớp đất cát quê nhà bồi đắp, nên bở và thơm lừng. Khi nồi cơm vừa chín tới, mẹ lấy đôi đũa bếp xới lại một lần nữa, rồi nhẹ nhàng bưng nồi cơm ra cái rế, để nguội một chút. Anh em quây quần bên chiếc nồi, hít hà mùi thơm bay ra từ đó. Có lẽ quá quen thuộc, nên dăm bữa, nửa hôm không có món khoai độn cơm, mấy anh em trong nhà lại thèm, bảo mẹ nấu tiếp. Hôm nào nhà sẵn mật mía, những củ khoai được đem ra, mấy anh em thổi phù phù, nhón tay chấm một chút mật mía trong bát. Mùi mật mía thơm lừng, vị béo, ngọt dịu lan tỏa nơi đầu lưỡi. Mật mía ở quê, được mọi người cô đặc từ những cây mía trong vườn. Ngoài những can mật được bán ở ngoài chợ, thì mật đóng nồi hay mật dư, có một ít cặn, được người ta bán rẻ hơn. Vậy là mẹ mua về, bỏ vào chai thủy tinh, cho anh em ăn dần.
Những ngày cuối thu gió thổi vi vu ngoài cánh đồng, bố sẽ vác cày đi ruộng. Xới lên những luống rau cao cao, mẹ cắt rau từ vườn đem ra trồng, đợi mùa tới lại có khoai để ăn. Lũ lít nhít chúng tôi tranh thủ những ngày nghỉ học, mang bao tải đi ngắt rau ngọn về ăn. Những ngọn rau được nước, mẩy và căng bóng. Chỉ cần nồi nước sôi vuột lên, mẹ thả nhúm muối, rồi bỏ rau vào. Bữa cơm rau lang chấm mắm tỏi, cũng đánh bay hết một nồi. Nhiều hôm bố mẹ buông đũa sớm, bảo các con cứ ăn đi, bố mẹ no rồi, nhưng thực chất là bố mẹ muốn mấy đứa được ăn no một chút, để buổi tối có sức học bài. Những đêm giao thoa giữa trời thu và đông, nằm nghe tiếng bụng mẹ kêu rột roạt, lại thấy thương vô cùng. Chỉ mong mau lớn, học hành tử tế để đền đáp công ơn mẹ cha.
Hôm nay trời đổ cơn dông, con đứng trên ngôi nhà cao tầng, nhìn về phía trước. Có bóng dáng của một người phụ nữ lưng còng và gầy, đang cố sức đẩy chiếc xe đạp nhỏ bị hỏng, mớ lon bia trong bao tải và vài thứ lặt vặt cùng mớ giấy các-tông cũ ướt lẹp nhẹp trong mưa. Bất giác con lại nghĩ đến mẹ, giờ này chắc mẹ đang chuẩn bị bữa cơm chiều cho bố và hai đứa cháu. Anh trai đi làm xa, nên mọi công việc trong nhà, từ chăm bẵm cháu, đến đưa đón đi học, cũng lại một tay mẹ. Bây giờ kinh tế khấm khá hơn, anh, chị cũng gửi tiền về thường xuyên, nên mấy đứa cháu chẳng bao giờ phải ăn cơm độn khoai. Những bữa cơm đủ đầy, có thịt có cá, thêm sữa hàng ngày nên đứa nào cũng phổng phao lớn.
Giá được bé lại, để ngồi vào vòng tay mẹ. Được thưởng thức món cơm độn khoai, được mẹ thủ thỉ những điều phải trái trong cuộc sống. Được nũng nịu trong những đêm mưa lạnh, ôm cái bụng rột roạt của mẹ mà thương, mà thổn thức. Để sáng mai tỉnh dậy, bước thêm những đường dài phía trước. Dẫu có khó khăn cũng luôn ấm lòng. Bởi ở đó, luôn có hình dáng mẹ, ân cần đưa con qua bao dông tố cuộc đời.
Ngô Nữ Thùy Linh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin