Ngày 4-10 của 10 năm trước, cả nước đại tang, thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với thế giới người hiền. Cả nước và thế giới đau lòng hướng về vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp, “một con người Việt Nam tài đức vẹn toàn thuộc về toàn thế giới”. Mỗi người, mỗi nơi có cách tưởng niệm của mình.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn làm việc tại Sân bay Biên Hòa (tháng 5-1975). Ảnh tư liệu |
Ở Đồng Nai, Đảng bộ và quân dân toàn tỉnh cùng với cả nước có nhiều hình thức thể hiện lòng mình với Đại tướng. Nữ phóng viên Báo Đồng Nai Hà Thị Thanh Thúy được cử về Quảng Bình, vượt bao gian khó để phản ánh thông tin về lễ an táng Đại tướng. Đài PT-TH Đồng Nai, Báo Đồng Nai cùng các trang tin điện tử đăng tải nhiều tin bài về công đức Đại tướng và tang lễ Đại tướng. Nhiều cơ quan, đơn vị và gia đình cựu chiến binh lập bàn thờ không ngớt hương hoa. Tỉnh Đồng Nai tổ chức nơi cho công chúng đến viếng tang, thực hiện nghi thức truy điệu trang trọng, hình ảnh 103 chân dung Đại tướng được đồng bào nâng trên tay trang trọng, giờ xem lại, vẫn thấy nao lòng.
Đã có nỗi niềm thầm lặng, nhiều nước mắt, nhiều cảm xúc, nhiều kỷ niệm, nhiều chuyện kể, nhất là chuyện kể về Đại tướng với Đồng Nai và Đồng Nai với Đại tướng. Ngay trong tháng 10-2013, NXB Đồng Nai ấn hành tập sách ảnh Đồng Nai với Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Huỳnh Văn Tới chủ biên lưu lại nhiều thông tin về Đại tướng, kỷ niệm với Đồng Nai. Đồng Nai đặt tên đường Võ Nguyên Giáp cho đường tránh Biên Hòa quan trọng vừa được khánh thành.
Qua thông tin của báo, đài và những trang sách, người Đồng Nai được biết, và thể hiện lòng kính yêu, thương tiếc vị Đại tướng tài ba đóng góp nhiều công lao cho nước nhà độc lập, tự do, hạnh phúc. Lòng người Đồng Nai chẳng thể nào quên vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi mới ở tuổi 37, người con của quê hương Lệ Thủy bên dòng Kiến Giang, từ một nhà giáo, nhà báo, nhà sử học, nhà hoạt động cách mạng, không qua trường lớp quân sự nào, chỉ bằng con đường tự học đã trở thành một vị tướng kiệt xuất; một nhà chiến lược mưu trí, sáng tạo; một vị tổng tư lệnh văn võ song toàn; là “Tư lệnh của các Tư lệnh”; “Chính ủy của các Chính ủy”; một nhà tổ chức hàng đầu của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; có phẩm chất tiêu biểu: đức độ, tài năng, khiêm tốn, giản dị, dân chủ và bao dung, thanh cao và quyết đoán.
Văn hóa là cái còn lại sau khi những thứ khác mất đi. Sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi 10 năm và sau này vĩnh viễn, hình ảnh của Người vẫn còn đọng lại trong lòng người, ấy là giá trị văn hóa vĩnh hằng. Người Đồng Nai cùng hướng về giá trị vĩnh hằng ấy.
Không chỉ người Việt Nam kính yêu ông mà nhiều người nước ngoài cũng kính phục. Ông được nhiều nhà nghiên cứu tầm vóc thế giới xác định là một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ 20, một trong số ít các nhân vật trở thành huyền thoại ngay cả khi đang còn tại thế. Trong tác phẩm Võ Nguyên Giáp - Con người và huyền thoại (Võ Nguyên Giáp - Man và Myth, New York, F. P. Publishers, 1962), nhà báo - nhà sử học Bernard Fall đã đánh giá: “Trong một tương lai có thể thấy trước, phương Tây chưa thể đào tạo được một vị tướng nào sánh kịp Võ Nguyên Giáp”.
Những ngày ấy, Báo Đồng Nai có nhiều tin bài đa dạng, cập nhật thường xuyên, đáp ứng được yêu cầu của công chúng. Nhóm phóng viên có bài khái quát ngắn gọn và đầy đủ về Đại tướng - nhà văn hóa lớn: “Ông là một vị tướng có tầm nhìn xa trông rộng, luôn coi trọng thực tiễn và lý luận, là chân lý, dám nhìn thẳng vào sự thật, nhìn thẳng vào khuyết điểm để chuyển bại thành thắng, rất chịu khó học tập, lắng nghe ý kiến hay của quần chúng, chuyên gia, các nhà trí thức, khoa học. Ông đã đề xuất nhiều vấn đề đi trước thời gian như: có ý kiến rất sớm về kinh tế tri thức, kinh tế biển, khoa học kỹ thuật công nghệ cao, kinh tế trang trại, chiến lược phát triển con người. Khi Đảng tiến hành công cuộc đổi mới, ông ủng hộ mạnh mẽ chủ trương đổi mới toàn diện cả về kinh tế, chính trị và phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…”.
Qua bài Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Đồng Nai: Câu chuyện nhỏ, bài học lớn của Huỳnh Văn Tới, được biết: Lần đầu tiên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Đồng Nai vào ngày 5-5-1975, làm việc với Ủy ban Quân quản TP.Biên Hòa, xem xét sân bay quân sự Biên Hòa và đến thăm Khu Kỹ nghệ Biên Hòa (nay là Khu công nghiệp Biên Hòa 1). Với Đại tướng, Đồng Nai học được nhiều bài học lớn qua các câu chuyện nhỏ: Bài học về đặc điểm văn hóa Việt Nam đa dạng trong thống nhất qua chuyện ăn trứng vịt lộn của ba miền; chuyện về xây dựng di tích lịch sử trong lòng dân khi về thăm di tích Chiến khu Đ; chuyện về dạy sử, học sử tại Bảo tàng Đồng Nai; chuyện về khuyến học, khuyến tài khi thăm Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh; chuyện về tô đậm hình bóng của nhân dân trong lịch sử chiến tranh nhân dân; chuyện về vai trò của công nhân trong công nghiệp và công nghệ khi đi thăm Công ty Fujitsu (Khu công nghiệp Biên Hòa 2); chuyện về đền ơn đáp nghĩa khi thăm Đền Liệt sĩ Nhơn Trạch; chuyện về công nhân truyền thống khi thăm Công ty Cao su Đồng Nai; đặc biệt là bút tích viết về tôn vinh văn hóa, giáo dục tại Văn miếu Trấn Biên. Những câu chuyện rất nhỏ, rất ngắn về Bác Giáp đều trở thành những bài học lớn, để lại ấn tượng không thể nào quên.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh năm 2000 |
Cũng qua Báo Đồng Nai (bài của nhóm tác giả Ngọc Liên - Kim Liễu - Văn Chính) người đọc được biết tâm tình, cảm xúc của nhiều người đối với Đại tướng: Nghẹn ngào của một chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ “Đại tướng của lòng dân”; Đại tá Nguyễn Trí Thức với ký ức và nỗi niềm tiếc thương vị Đại tướng - Chủ tịch danh dự của Hội Cựu chiến binh Việt Nam gần gũi giữa đời thường; Võ Thị Huỳnh Mai - Bí thư Thành đoàn Biên Hòa “Thế hệ trẻ luôn khắc ghi hình ảnh của Đại tướng”; Bà Hoàng Thị Ty, 60 tuổi, ngụ đường 3-2, TT.Trảng Bom (H.Trảng Bom) “Đại tướng không còn bắt nhịp điệu hò khoan giã gạo”…
Các bài báo Kỷ niệm không quên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Đức Việt; Hội Cựu chiến binh tỉnh lập bàn thờ và tổ chức Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Thanh Toàn; Tầm vóc của con người làm nên lịch sử của Dương Trung Quốc; Anh lính vận tải gặp vị tướng huyền thoại của Đăng Tùng; Đại tướng trong lòng người Đồng Nai của nhóm phóng viên… và nhiều bài khác, mỗi bài một góc nhìn, tất thảy đều phản ánh tấm lòng chân thành, tôn kính của người Đồng Nai hướng về Đại tướng...
Huỳnh Văn Tới
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin